Vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung dân chưa mặn mà
Tuy nhiên, do đầu tư thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng, giá cả đất đai trong khu quy hoạch... nên người chăn nuôi vẫn chưa mặn mà vào các vùng khuyến khích chăn nuôi tập trung.
Nhằm gỡ khó cho vấn đề quy hoạch “treo” trong đề án phát triển chăn nuôi tập trung, nhiều địa phương đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng song song với việc rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch cho sát với thực tế hơn.
* Người dân vẫn ngại
Để cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập, việc hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh, đặc biệt đảm bảo được việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là điều rất cần thiết. Mặt khác, ô nhiễm môi trường do chăn nuôi trong khu dân cư đang trở thành vấn đề “nóng” gây bức xúc với người dân.
Ông Trương Văn Phụng, nông dân ở ấp Hàng Gòn, xã Hàng Gòn (TX.Long Khánh), lo lắng: “Địa phương có quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung nhưng chẳng ai quan tâm, trong khi đó các trang trại chăn nuôi quy mô lớn vẫn được đầu tư trong khu dân cư. Không ít trang trại xả chất thải trực tiếp xuống suối khiến con suối đi qua vùng này đặc sệt phân heo, quanh năm bốc mùi hôi thối và gây ô nhiễm nặng cho các giếng khoan gần khu vực suối”.
Theo UBND huyện Xuân Lộc, hiện có 12 xã đề nghị được điều chỉnh quy hoạch về vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung cho phù hợp với tình hình sản xuất thực tế tại địa phương. Các kiến nghị chủ yếu tập trung vào nội dung: thay đổi vị trí các vùng quy hoạch cũ chưa có trang trại chăn nuôi sang vị trí mới gần nguồn nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi là khu vực trồng lúa, bắp; khu vực có giá đất rẻ hơn và khu vực đang tập trung nhiều trang trại chăn nuôi lớn... |
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh có 139 vùng chăn nuôi tập trung thuộc 8 huyện, TX.Long Khánh với tổng diện tích trên 15.674 hécta. Nhiều năm qua, tỉnh quan tâm, đốc thúc các địa phương triển khai thực hiện. Nhưng đến nay, nhiều vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung vẫn chưa thu hút được người chăn nuôi đến đầu tư.
Thực tế, quy hoạch chỉ mới dừng lại ở mức khoanh vùng chăn nuôi mà chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng. Các hộ chăn nuôi hoặc trại quy mô nhỏ không mấy quan tâm vì họ thường xây chuồng nuôi ngay sau nhà và e ngại bất tiện khi phải dời khu chăn nuôi cách xa khu dân cư.
Tuy các chủ trang trại lớn rất quan tâm đến việc thực hiện chăn nuôi đúng quy hoạch, đảm bảo an toàn dịch bệnh nhưng chi phí đầu tư quá lớn đang là rào cản không nhỏ với các nhà đầu tư. Bà Nguyễn Thị Hậu, nông dân tại xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Tôi tổ chức chăn nuôi bên ngoài chứ không vào khu quy hoạch tập trung, vì người chăn nuôi gặp phải quá nhiều vấn đề khi vào các khu quy hoạch chăn nuôi tập trung. Khó khăn nhất là chúng tôi phải tự bỏ mọi chi phí đầu tư về cơ sở hạ tầng, trong khi giá đất ở đây lại liên tục leo thang”.
* Điều chỉnh quy hoạch sát thực tế
Để gỡ khó cho vấn đề trên, Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết 04 về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng thí điểm phát triển chăn nuôi tập trung. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư theo hướng có chọn lọc và tập trung làm các dự án điểm chứ không đầu tư mang tính dàn trải như trước.
Cụ thể, toàn tỉnh có 4 huyện, gồm: Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ được chọn làm điểm để thực hiện. Mỗi huyện cũng chọn lọc dự án điểm để triển khai đầu tư hiệu quả. Hiện 3/4 huyện đã ban hành kế hoạch triển khai đầu tư thí điểm hạ tầng và bước đầu mang lại hiệu quả. Cụ thể, huyện Thống Nhất đã đầu tư được gần 12km đường giao thông và 20km đường điện tại 5/10 vùng quy hoạch. Hiện đã có 138 hộ chăn nuôi heo, gà, bò tại các khu: Tây Bạch Lâm, Đông Đức Long (xã Gia Tân 2), Bàu Bà Thống (xã Hưng Lộc).
Huyện cũng đã thành lập được 1 hợp tác xã chăn nuôi với 20 thành viên tại khu Tây Bạch Lâm. Huyện Trảng Bom cũng thu hút được khoảng 9 trang trại đầu tư vào 2 khu quy hoạch thí điểm; huyện Xuân Lộc thu hút được 5 trang trại.
Một chủ đầu tư xây dựng các hệ thống trang trại cho thuê trên địa bàn Đồng Nai, nhận xét các vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung đang bắt đầu thu hút nhiều doanh nghiệp, người chăn nuôi với quy mô lớn vào đầu tư. Trong đó, chính sách ưu đãi, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng góp phần không nhỏ cải thiện tình trạng nhà đầu tư e ngại vào khu quy hoạch như trước đây. Các địa phương cũng đang tiếp tục rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung cho sát với thực tế hơn nhằm giải quyết tình trạng quy hoạch treo kéo dài như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 3/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng họp chỉ đạo một số sở, ngành tỉnh, huyện liên quan xúc tiến đầu tư các dự của Công ty TNHH MTV Việt - Úc trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, Công ty TNHH MTV Việt - Úc xin đầu tư 4 dự án gồm: Ðầu tư xây dựng khu sản xuất tôm sú và thẻ chân trắng bố mẹ tại đảo Hòn Khoai; Khu sản xuất giống thuỷ sản tập trung (giai đoạn II) và trung tâm giống cấp I tại huyện Ngọc Hiển; Nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao; Xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thuỷ sản tại Khu Công nghiệp Khánh An, huyện U Minh.
Khi nghe lãnh đạo xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết hộ ông Lê Minh ở thôn Đông Lâm mỗi năm xuất bán 2 triệu con cá giống, hơn 300 tấn cá thịt thương phẩm và hàng chục con bò, tổng doanh thu 12 - 14 tỷ đồng, lãi ròng khoảng 1,3 - 1,5 tỷ đồng, ai trong chúng tôi cũng bán tín bán nghi.
Chế biến và nuôi trồng thủy sản là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Các cấp, các ngành, các chuyên gia về môi trường đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm giúp địa phương giải quyết vấn đề này một cách lâu dài và bền vững.
Theo Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định toàn huyện hiện có 2.367 tàu cá, tổng công suất 653.271 CV, trong đó có 1.750 tàu cá công suất từ 90 CV trở lên thường xuyên đánh bắt xa bờ. Nhờ các chính sách phát triển thủy sản của Nhà nước đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá và trang bị các thiết bị hiện đại trên tàu, nên thời gian bám biển và sản lượng khai thác cao hơn trước.
Hiện nhiều vựa cua trên địa bàn An Giang và Đồng Tháp lo lắng do lũ kém, mưa ít nên sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường nên luôn sốt giá.