Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vực Dậy Nghề Nuôi Cá Tra Cần Mô Hình Liên Kết Mới

Vực Dậy Nghề Nuôi Cá Tra Cần Mô Hình Liên Kết Mới
Ngày đăng: 27/04/2013

Nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra là một trong những thế mạnh kinh tế của vùng ĐBSCL; song nghề cá đang lâm vào ngõ cụt khi khó khăn chồng chất, đặc biệt giá cá tra nguyên liệu khoảng 2 năm nay ở mức thấp khiến người nuôi lỗ nặng buộc phải bỏ nghề hàng loạt. Vực dậy nghề nuôi cá tra đang là vấn đề cấp bách đặt ra.

Chiều 21/4/2013, các nhà máy đã bắt xong hầm cá tra nguyên liệu gần 700 tấn của ông Nguyễn Khắc Phục, ở thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp). Vụ này nhờ chăm sóc chu đáo nên hầm cá không xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt ít, chất lượng cá tốt, trọng lượng bình quân từ 850 - 900g/con. Mặc dù cá đẹp, nhưng các nhà máy chỉ mua với giá 21.000 đồng/kg, trong khi giá thành là 23.000 đồng/kg; bán 700 tấn lỗ hơn 1 tỷ đồng. Nông dân đầu tư tiền tỷ, cố công nuôi cá đẹp, phục vụ chế biến xuất khẩu, nào ngờ bán lỗ.

Ông Nguyễn Văn Mách ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) lo lắng: “Dân nuôi cá tra tiếp tục lao xuống vực bởi giá giảm mạnh và khó tiêu thụ. Hiện hầm cá hơn 150 tấn tới kỳ thu hoạch nhưng không biết bán cho ai. Kêu doanh nghiệp uy tín thì họ kỳ kèo giá thấp, còn những doanh nghiệp nhỏ chấp nhận mua giá nhỉnh hơn nhưng thiếu nợ lâu nên người nuôi không dám bán”.

Kéo chúng tôi ra hầm cá vừa thu hoạch xong vào chiều 21-4, ông Võ Văn Hải, phường Thuận An (Thốt Nốt - Cần Thơ) tâm sự: “Nhờ mối mang lâu năm, cộng với cá đẹp nên nhà máy chịu mua giá 21.700 đồng/kg. Tuy nhiên, tính ra vẫn lỗ hơn 1.000 đồng/kg; lỗ hoài khiến dân nuôi cá không cầm cự nổi”. Ở phường Thuận An, số hộ bỏ nghề cá chiếm từ 80% - 90%. Theo ông Nguyễn Trạng Sư, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), vùng nuôi cá tra Hồng Ngự nổi tiếng ngày nào - bây giờ vắng lặng. Hơn 30% hộ chia tay với cá tra chuyển sang nuôi cá lóc, nhiều hộ còn lại làm nghề khác hoặc giảm sản lượng nuôi cá tra do “càng nuôi càng lỗ”. Tương lai cá tra chưa biết về đâu?

Cần liên kết 4 bên

Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý 1-2013, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 388,4 triệu USD, giảm 8,7% so cùng kỳ năm ngoái; trong đó thị trường chính EU giảm tới 15,3%; Mỹ giảm 11,7%, các thị trường khác giảm 9,2%. Lạc quan nhất là thị trường Brazil tăng 49%, Saudi Arabia tăng 7,1%, ASEAN tăng 8,3%... Bộ Công thương nhìn nhận, xuất khẩu cá tra tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức mới về thị trường, rào cản kỹ thuật dựng lên ở nhiều nước, Mỹ tăng thuế chống bán phá giá; nguồn vốn phục vụ sản xuất và xuất khẩu gặp khó, trong khi giá cá nguyên liệu thấp kéo dài khiến người nuôi không còn khả năng cầm cự…

Theo ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cần nhiều giải pháp để vực dậy nghề cá. Siết chặt quy hoạch, quản lý theo hướng không tăng diện tích sản lượng mà tập trung đầu tư nâng chất lượng, giá trị. Kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng cá tra trước khi xuất khẩu, cần xử lý mạnh tay để tránh ảnh hưởng uy tín cá tra Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Phạm Văn Bên, Giám đốc DNTN Thức ăn Cỏ May, cho rằng để ổn định nghề cá, cần liên kết giữa “người nuôi - doanh nghiệp sản xuất thức ăn - doanh nghiệp xuất khẩu cá tra - ngân hàng”. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đứng ra làm “chủ xị” liên kết với người hộ nuôi hình thành vùng nuôi lớn; doanh nghiệp sản xuất thức ăn cung cấp thức ăn cho người nuôi thông qua hợp đồng với doanh nghiệp xuất khẩu; và ngân hàng cung ứng vốn qua hợp đồng giữa doanh nghiệp xuất khẩu cá tra với doanh nghiệp thức ăn và người nuôi.

Khi tới kỳ thu hoạch thì người nuôi phải bán toàn bộ sản phẩm cho doanh nghiệp xuất khẩu. Cái lợi của mô hình này là người dân chỉ cần nuôi gia công nhưng đảm bảo đầu ra và lời khoảng 2.000 đồng/kg; doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng và giá đầu vào biết trước, nhằm dễ dàng trong việc đàm phán hợp đồng với nước ngoài; doanh nghiệp thức ăn bán được nhiều sản phẩm, trong khi ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn đúng địa chỉ và có tài sản thế chấp rõ ràng… Nếu có cơ quan chức năng đứng ra làm đầu mối để gắn kết 4 bên lại với nhau thì những khó khăn của cá tra hiện nay sẽ được tháo gỡ ổn thỏa.


Có thể bạn quan tâm

Cá Ruộng Vào Mùa Cá Ruộng Vào Mùa

Vào đầu tháng 7 (âm lịch) hằng năm, nhiều nông dân lâu nay quen sản xuất 2 lúa kết hợp 1 vụ cá hoặc những nơi vùng đất trũng không thể sạ lúa vụ 3 (Thu đông) lại bắt đầu thả nuôi cá trên ruộng lúa, nhằm kiếm thêm nguồn thu nhập trong những tháng mùa nước nổi.

22/08/2014
Cách Phòng Chống Bệnh Đốm Trắng Trên Tôm Biển Cách Phòng Chống Bệnh Đốm Trắng Trên Tôm Biển

Theo kết quả quan trắc môi trường của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bến Tre, từ tháng 6-2014 đến nay, ở hầu hết các điểm thu mẫu giáp xác ngoài kênh rạch tự nhiên trên địa bàn Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú đều phát hiện nhiễm mầm bệnh đốm trắng với tần suất ngày càng cao, đặc biệt là bệnh đốm trắng (WSSV).

03/09/2014
Cẩn Trọng Với Táo Trung Quốc Cẩn Trọng Với Táo Trung Quốc

Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa công bố, 7 tháng đầu năm, lượng táo nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm trên 58% so với hàng nhập khẩu từ nước khác. Thông tin này làm người tiêu dùng không khỏi băn khoăn bởi lượng táo TQ nhập nhiều như vậy đã đi đâu?

22/08/2014
Nỗi Lo Từ Nghề Lưới Lừ Nỗi Lo Từ Nghề Lưới Lừ

Khai thác thủy sản bằng lưới lừ không mang tính chất huy diệt như giả cào, xung điện nhưng lại làm cho nguồn lợi thủy sản suy giảm một cách nghiêm trọng. Vấn đề này đã và đang trở thành mối lo ngại của chính quyền địa phương.

03/09/2014
Một Con Bò Sữa Hơn Cả Hecta Lúa Một Con Bò Sữa Hơn Cả Hecta Lúa

Huyện Lâm Hà nằm kế cận trung tâm chăn nuôi bò sữa của tỉnh là Đơn Dương. Ấy nhưng, suốt vài chục năm qua, khi nông dân ở “trung tâm bò sữa” - Đơn Dương ăn nên làm ra trông thấy từ con vật nuôi này, thì Lâm Hà xem ra vẫn... bình chân như vại trước một cơ hội làm giàu từ con bò sữa.

22/08/2014