Vua Tôm Thẻ Làng Cát
Tốt nghiệp khoa Kinh tế xây dựng Trường đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, Văn Tấn Thanh Tùng (SN 1984) ở khu phố Phú Hiệp 2, thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa, Phú Yên) về quê lập nghiệp bằng cách nuôi tôm. Đến nay, mỗi năm anh lãi hàng tỉ đồng từ nuôi tôm và trở thành “đại gia” tôm thẻ chân trắng ở vùng cát này. Anh là một trong bốn thanh niên tiêu biểu trong toàn quốc vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng bằng khen.
BỎ PHỐ VỀ QUÊ LÀM GIÀU
Năm 2009, sau khi tốt nghiệp đại học, Văn Tấn Thanh Tùng trăn trở rất nhiều về tương lai của mình là nên bám trụ lại TP Hồ Chí Minh để làm chuyên môn đã được đào tạo hay về phát triển ngành nghề theo thế mạnh sẵn có của địa phương. Cuối cùng, Thanh Tùng quyết định về quê phát triển nghề nuôi trồng. Năm 2010, có được ít vốn của gia đình, Thanh Tùng vay mượn thêm đầu tư nuôi 1ha tôm thẻ chân trắng. Qua 3 tháng dày công chăm sóc, anh thu lợi trên 100 triệu đồng. Thanh Tùng nói: “Mới khởi đầu, việc nuôi tôm mang lại lợi nhuận cao đã tiếp thêm cho tôi động lực rất lớn. Một năm nuôi được 3 vụ, tôi dày công tham khảo tài liệu, nghiên cứu về kỹ thuật. Nhờ đó, tôi thành công liên tục trong nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng cát đầy nắng gió này”.
Tuy nhiên, khi tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả cao thì giá cả đầu ra không ổn định, thường xuyên bị thương lái ép giá. Trong khi đó, xét thấy huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn, năm 2011, Văn Tấn Thanh Tùng quyết định thành lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thủy sản Ngọc Tùng, chuyên hoạt động trong lĩnh vực mua bán thức ăn, thu mua thủy sản và vận tải hàng hóa. Anh cho biết: “Thành lập công ty là nhằm để bao tiêu sản phẩm cho mình và người nuôi tôm không bị ép giá”. Thanh Tùng còn nói, nuôi tôm không phải ai cũng thành công nhưng nếu đầu ra không ổn định thì người nuôi chẳng lời được bao nhiêu, thậm chí thua lỗ.
Từ hiệu quả của việc nuôi tôm thẻ chân trắng, công ty ngày càng làm ăn phát triển, mỗi năm thu nhập hơn 1 tỉ đồng. Năm 2013, anh được UBND huyện Đông Hòa cho thuê gần 5ha đất ven biển để xây dựng gần 20 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, mỗi hồ gần 3.000m2, tổng kinh phí gần 7 tỉ đồng bằng nguồn vốn tự có. Thanh Tùng cho biết: “Sau khi xây dựng, mỗi năm tôi nuôi 3 vụ tôm thương phẩm với lượng post thả hàng năm gần 70 triệu con. Qua đó hàng năm, tôi thu hoạch gần 300 tấn tôm thẻ nguyên liệu với tổng doanh thu gần 28 tỉ đồng. Sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi hơn 5 tỉ đồng. Ngoài ra, tôi còn tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động là thanh niên tại địa phương với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng/người”.
“CHIA LỬA” CHO THANH NIÊN
Không chỉ làm giàu cho bản thân, là đoàn viên của Chi đoàn khu phố Phú Hiệp 2, thị trấn Hòa Hiệp Trung, hàng tháng Văn Tấn Thanh Tùng thường xuyên tham gia sinh hoạt đoàn. Đặc biệt, tại các buổi sinh hoạt chi đoàn, Thanh Tùng định hướng cho đoàn viên, thanh niên cách làm ăn, trong đó chủ yếu là nuôi trồng thủy sản, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Qua nhiều lần tìm hiểu, anh thấy thanh niên địa phương có hoài bão làm ăn nhưng điều cản trở lớn nhất là thiếu vốn đầu tư ban đầu. Xét điều kiện thực tế, Văn Tấn Thanh Tùng cho mỗi bạn mượn vốn mà không tính lãi, có người anh đầu tư con giống để nuôi, đến khi thu hoạch, công ty bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó mà trong mấy năm qua, Thanh Tùng đã giúp được nhiều bạn trẻ có thu nhập ổn định, thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Trần Huỳnh Dao (SN 1990) ở thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam là một ví dụ. Gia đình quá khó khăn nên học chưa hết lớp 10, Dao đành phải nghỉ để đi làm. Năm 2010, Trần Huỳnh Dao được Văn Tấn Thanh Tùng nhận về nuôi tôm với mức lương mỗi tháng 3 triệu đồng. Ngoài ra, Thanh Tùng còn tạo điều kiện để Dao học lái ô tô, sau đó về chở hàng thủy sản và thức ăn tôm cho công ty. Trần Huỳnh Dao nói: “Từ khi chuyển qua lái xe, mỗi năm tôi thu nhập hơn 80 triệu đồng gồm tiền lương và thưởng. Bây giờ, cuộc sống của tôi rất ổn định và đang dự tính lập gia đình”.
Bí thư Đoàn thị trấn Hòa Hiệp Trung Phạm Thị Tuyết Sương nói: “Đối với hoạt động đoàn, khó nhất là công tác tập hợp đoàn kết thanh niên. Nhưng từ khi Văn Tấn Thanh Tùng tạo điều kiện cho thanh niên địa phương phát triển kinh tế nên nhiều bạn trẻ không đi làm ăn xa. Bên cạnh đó, anh còn thường xuyên hỗ trợ kinh phí cho Đoàn thị trấn tổ chức các hoạt động thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Ngoài ra, mỗi năm anh còn chi khoảng 10 triệu đồng tặng hàng chục suất quà cho các gia đình chính sách, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi trên địa bàn”.
“Văn Tấn Thanh Tùng không chỉ là thanh niên tiêu biểu trong huyện mà còn là 1 trong 4 thanh niên tiêu biểu trong toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thanh niên nông thôn thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới” - Phó bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Đông Hòa Vũ Quốc Huy khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Sau hơn 2 năm triển khai, mô hình chăn nuôi lợn theo quy trình GAHP nông hộ (thực hành chăn nuôi tốt) đã lan tỏa với sự tham gia của hàng chục hộ dân.
Tốt nghiệp đại học kinh tế, chỉ vì mê làm nông anh Phan Tiến Đạt xã Bình Lợi, Bình Chánh, TP.HCM biến mảnh đất đen, phèn chua thành nông trại mai vàng sinh lợi
Đây là giống gà dễ nuôi, có ngoại hình đẹp, mỏ vàng, da màu vàng nghệ, chân cao màu vàng cam. Khả năng kháng bệnh cao, chất lượng thịt thơm ngon
Hiện tại, nghệ đến thời điểm thu hoạch, các gia đình đã chế biến thành tinh bột cho nguồn thu từ nghệ đạt gần 15 tỷ đồng, bình quân hơn 700 triệu/ha.
Xuất phát từ niềm đam mê, sau 3 năm nghiên cứu kỹ thuật trồng lan, anh Nguyễn Trọng Dũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và hiện sở hữu vườn lan đẹp mắt