Vựa heo miền Trung méo mặt

Nuôi nhiều lỗ nhiều
Đang tắm cho heo, bà Trần Thị Hòa ở xóm 5 thôn An Hậu, xã Ân Phong (Hoài Ân) nghe chúng tôi hỏi chuyện chăn nuôi, bà lắc đầu buồn bã: “Năm nay bể nặng ông ơi, từ đầu năm đến nay giá heo liên tục rớt thảm. Giá heo kiểu này ai nuôi nhiều lỗ nhiều. Tui nuôi heo mấy chục năm nay chưa bao giờ phải chịu thất bại thời gian dài như bây giờ”.
Theo bà Hòa, cùng thời điểm này năm ngoái, giá heo đứng ở mức từ 42.000đ đến 45.000đ/kg hơi. Hiện nay heo đẹp, nạc nhiều mới bán được giá 36.000đ-37.000đ/kg, heo mỡ chỉ có giá 34.000đ-35.000đ/kg.
Truyền thống của những hộ nuôi heo số lượng nhiều ở Hoài Ân là không mua con giống, tự gây nái, đẻ ra bao nhiêu heo con là để lại nuôi tất.
Bà Hòa tính toán: Nuôi heo giống từ khi đẻ ra đến khi xuất bán phải đến 5 tháng, trong đó có 1 tháng rưỡi nuôi heo con, 3 tháng rưỡi nuôi heo tăng trọng thịt. Thời điểm heo có trọng lượng từ 1kg đến 20kg cho ăn cám công nghiệp loại 101 có giá 405.000đ/bao (25kg); giai đoạn heo từ 20kg đến 40kg cho heo ăn cám loại 295.000đ/bao; giai đoạn heo từ 40kg đến khi xuất chuồng cho ăn cám loại 285.000đ/bao.
Trong suốt quá trình sinh trưởng mỗi con heo ăn hết 7 bao cám, trong đó giai đoạn 1 ăn 1 bao, giai đoạn 2 ăn 3 bao và giai đoạn 3 ăn 3 bao. Vị chi mỗi con heo ăn hết gần 2,2 triệu đồng tiền cám.
“Heo nuôi đến khi xuất chuồng, nếu heo nạc nhiều, với giá bán hiện nay 36.000đ/kg sẽ thu về được hơn 2,5 triệu đồng, trừ tiền con giống 600.000đ thì mỗi con heo lỗ bình quân 300.000đ.
Đó là chưa nói đến công cán, điện nước, thuốc tiêm phòng đủ các loại bệnh như: Dịch tả, phó thương hàn, cu li, thuốc sát trùng chuồng trại…Chỉ tính thuốc thú y tiêm phòng thôi mỗi con phải chịu lỗ thêm 150.000đ nữa, nếu heo đổ bệnh thì lỗ càng to”, bà Hòa cho hay.
“Lúc heo ăn mạnh, giá cao, ai có heo xuất chuồng chỉ cần kêu một tiếng là 2-3 người chạy xe đến tranh mua. Bây giờ gọi điện đến “cháy máy” mà họ cứ hẹn nay hẹn mai. Mà chậm bán ngày nào thì người nuôi lỗ thêm ngày đó. Mỗi ngày 1 con heo ăn mất 2kg cám, 10 con ăn hết mỗi ngày 1 bao cám mấy trăm ngàn.
Heo đã trên 70kg/con mà chưa bán được thì cho ăn mấy cũng không tăng trọng nữa, để đến 80kg/con thì heo sinh mỡ, lúc này giá chỉ còn 34.000đ-35.000đ/kg thì càng lỗ to”, ông Lưu Đình Chiểu, một người nuôi heo cho biết thêm.
Cầm cự
Cũng may, trong những năm gần đây nhờ thực hiện tốt việc tiêm phòng nên đàn heo thịt ở Hoài Ân không xảy ra dịch bệnh. Do đó, dù giá tuột thấp người chăn nuôi ở đây vẫn không nản chí, luôn ổn định đàn heo, thậm chí còn tăng đàn để chờ giá lên.
Ví như chị Nguyễn Thị Bình ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức (Hoài Ân) mới bán lứa heo 35 con, trung bình mỗi con đạt 70kg, thu về được 85 triệu đồng, trừ hết mọi khoản chi phí vẫn còn lỗ tiền công, tiền thuốc thú y.
Tuy nhiên chị Bình vẫn kiên quyết: “Ở nông thôn mà không chăn nuôi thì biết làm gì bây giờ, với lại, nhiều năm nay người dân Hoài Ân đã xem chuyện nuôi heo như cái nghề mang lại thu nhập chính cho gia đình. Bây giờ nếu thấy giá heo thấp, chăn nuôi không có lãi mà bỏ chuồng trống thì đến khi heo tăng giá tiếc đứt ruột’.
Theo chị Bình, ngoài 11 con heo thịt còn đứng trong chuồng đã đạt gần 60kg/con, 4 con heo nái nhà chị vừa đẻ đồng loạt được gần 50 con heo giống, chị quyết định để lại nuôi tất. “Lúc đầu, thấy giá heo thấp quá tui cũng định bán lứa heo con này, nhưng giá heo giống cũng hạ quá, chỉ còn 50.000đ-52.000đ/kg, bán chẳng được bao nhiêu nên tui nhất quyết để lại nuôi luôn, mong đến giáp tết giá heo tăng cao có cơ hội gỡ gạc”.
Ông Nguyễn Thanh Vương, Phó trưởng Trạm phụ trách Trạm Thú y Hoài Ân, cho biết: “Cùng kỳ này năm ngoái đàn heo ở huyện Hoài Ân chỉ có 200.000 con, hiện con số này đã tăng đến 220.000 con. Dù hiện nay thị trường đang ăn yếu, nhưng nhờ chất lượng heo ở đây ngon, được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng nên lượng heo xuất bán mỗi ngày vẫn tương đối ổn định.
Nếu như vào thời điểm cận tết Nguyên đán năm trước mỗi ngày Hoài Ân xuất từ 10-15 xe heo thịt cung cấp cho thị trường các tỉnh Quảng Nam, Huế, Đà Nẵng thì hiện nay mỗi ngày lượng heo xuất bán cũng đạt 9-10 xe, từ 700 đến 900 con heo”.
Trong bối cảnh này, nhiều hộ chăn nuôi ở Hoài Ân “cầm cự” bằng cách không cho heo ăn toàn cám công nghiệp mà cho ăn thức ăn phối trộn với cám gạo, mì, bắp, rau, chuối cây để giảm chi phí đầu vào nhằm giảm lỗ chờ ngày giá heo tăng.
Box: “Từ đầu năm đến giờ tui xuất 2 lứa heo, mỗi lứa 20 con. Tính bình quân mỗi con lỗ 500.000đ, vị chi tui đã lỗ đứt 20 triệu đồng. Hiện trong chuồng đang có 36 heo lứa trên 40kg/con, chỉ hơn tháng nữa là xuất chuồng, không biết đến khi ấy giá heo sẽ như thế nào?”, bà Trần Thị Hòa lo lắng.
Có thể bạn quan tâm

Vũ Muộn là xã vùng cao của huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao cùng sinh sống. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi vài năm trở lại đây nhân dân đã tập trung phát triển đàn dê núi rất hiệu quả. Nghề nuôi dê ở Vũ Muộn đã và đang trở thành mũi nhọn, đem lại thu nhập cao cho nông dân…
Từ xuất phát điểm là một hộ gia đình khó khăn, sau hơn 10 năm phát triển mô hình kinh tế vườn ao chuồng, gia đình anh Nguyễn Văn Nhật (SN 1972, ở thôn Duyên Linh, xã Đình Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) đã sở hữu 30 cây nhãn giống mới, gần 1 mẫu ao, 150 con lợn nái và hàng nghìn con lợn thịt được nuôi trong hệ thống “chuồng lạnh” khép kín, mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.

Nuôi bò và dê ngày càng phát triển rộng trên địa bàn tỉnh Bình Phước do mang lại hiệu quả kinh tế và được thị trường tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, vùng đồng bào Xêtiêng ở khu phố Đông Phất, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, nuôi trâu lại là thói quen nhiều đời và góp phần quan trọng vào việc ổn định cuộc sống của họ.

Từng là hướng dẫn viên du lịch của một công ty lữ hành tại thủ đô, rồi là nhân viên của Tập đoàn Mobifone, nhưng trong tâm khảm của anh Phạm Văn Nhật (xóm 4, xã Khánh Tiên, Yên Khánh, Ninh Bình) vẫn canh cánh mong ước làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. Rời xa chốn phồn hoa đô hội, anh Phạm Văn Nhật đã trở về mảnh đất “chôn rau cắt rốn”, xây dựng trang trại chăn nuôi, nuôi chí làm giàu.

Với quy trình nuôi đơn giản, không đòi hỏi vốn đầu tư nhiều, nhu cầu thị trường rất lớn, hiệu quả kinh tế từ nuôi chim bồ câu đã được khẳng định, đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Hiện nay, mô hình nuôi chim bồ câu kết hợp với gia cầm của gia đình thương binh Phí Văn Chắc (thôn Phú Bắc, xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đang cho thu nhập ổn định 150 triệu đồng/năm.