Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phí khởi nghiệp 5 triệu đồng, ba năm sau thu 300 triệu đồng/năm

Phí khởi nghiệp 5 triệu đồng, ba năm sau thu 300 triệu đồng/năm
Tác giả: Thanh Nga
Ngày đăng: 08/02/2022

Sau 7 năm tích lũy kinh nghiệm, cặp vợ chồng trẻ ở huyện biên giới Hương Sơn (Hà Tĩnh) bình quân mỗi năm thu trên dưới 300 triệu đồng từ nghề nuôi dúi.

Anh Trần Đình Nhâm bỏ phố về quê khởi nghiệp bằng nghề nuôi dúi. 

Anh Trần Đình Nhâm, 29 tuổi, sinh ra, lớn lên ở mảnh đất “khỉ ho cò gáy’ xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn. Sau khi kết hôn với chị Đào Thị Hiền Lương, 23 tuổi, hai vợ chồng ra Bắc Ninh xin vào công ty làm công nhân. Năm 2015, vợ chồng anh Nhâm cùng hàng chục đồng nghiệp được công ty tổ chức cho đi du lịch, tham quan một trại nuôi dúi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Vốn xuất thân từ vùng rừng núi, biết rõ về dúi nhưng là dúi tự nhiên chứ chưa thấy dúi nuôi bao giờ nên anh tò mò muốn tìm hiểu. Khi được gia chủ gợi mở một ít kinh nghiệm, nhận thấy việc chăm sóc cũng không quá khó mà mang lại thu nhập ổn định, anh Nhâm nghĩ bụng sẽ có ngày nghỉ việc về quê nuôi dúi khởi nghiệp.

Thời gian sau, tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, anh Nhâm cùng vợ lái xe máy chở nhau đến một số trang trại nuôi dúi ở Bắc Ninh và Thanh Hóa tìm hiểu, học hỏi cách tổ chức mô hình và kinh nghiệm nuôi. Cuối năm 2015, khi đã tích lũy được một số ít kiến thức, hai vợ chồng viết đơn gửi lãnh đạo xin nghỉ việc, về Sơn Hồng xây chuồng trại.

Thức ăn của dúi chủ yếu là tre, nứa, mía, ngô, sắn...

“Ngày chúng tôi về khởi nghiệp, bố mẹ không ủng hộ nhưng cũng không phản đối. Còn hàng xóm hoài nghi, tặc lưỡi bảo nuôi dúi cho vui chứ biết bán cho ai”, anh Nhâm nhớ lại.

Trang trại của vợ chồng Nhâm Lương ban đầu chỉ làm 3 ô chuồng, mỗi ô diện tích 60 cm để nuôi thử nghiệm 6 con dúi giống, gồm 3 cái, 3 đực. Ba cặp dúi này mua ngoài thị trường giá khoảng 10 triệu đồng, nhưng một người quen ở Nghệ An khi nghe anh bày tỏ ý tưởng đã "vừa bán vừa cho" với giá 5 triệu đồng.

Theo anh Nhâm, thời gian đầu, dúi giống hay gặp vấn đề về tiêu chảy, mắc bệnh đường ruột, bỏ ăn và chết một cặp. Mất nhiều ngày tìm hiểu, anh Nhâm tham khảo được cách chữa trị bằng cách cho chúng ăn củ sắn. Ngoài ra, thấy dúi chịu rét tốt hơn chịu nóng, anh thay những tấm fibro xi măng đang lợp trên hệ thống trang trại bằng mái tranh.

Bốn tháng sau, thấy hai cặp dúi giống phát triển tốt và đẻ con, anh Nhâm làm thêm hàng chục ô chuồng khác trên diện tích hàng trăm mét vuông, mua thêm 20 cặp dúi giống và dúi đang bầu 20 ngày để mở rộng quy mô.

“Thú thực 2 năm đầu dúi chết rải rác, lỗ vài chục triệu đồng. Thấy vợ lo lắng tôi chỉ biết động viên, coi như đó là học phí khởi nghiệp”, anh Nhâm nói. Đồng thời chia sẻ, lúc bấy giờ anh nằm ngủ cũng mơ thấy dúi. Dúi ốm anh ăn không ngon, trằn trọc suốt đêm, suy nghĩ làm sao phải nhanh chữa lành bệnh cho chúng.

“Có công mài sắt có ngày nên kim”, sau 2 năm trầy trật, kể từ năm 2018 đến nay, gia đình anh Nhâm bắt đầu thu lãi từ trang trại dúi. Bình quân mỗi năm bán dúi giống và thương phẩm được khoảng hơn 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phi lợi nhuận đạt khoảng 200 triệu đồng.

Anh Nhâm chủ yếu nuôi dúi giống cho sinh sản, 2 tháng xuất bán một lần. Dúi mẹ mang bầu sau 48 ngày là đẻ, dúi con sau 2 tháng được tách ra nuôi theo cặp đực cái và bán cho các cơ sở giống trong và ngoài tỉnh để tiếp tục chăm sóc. Sau khi tách con khoảng 3-5 ngày, dúi bố mẹ sẽ được tẩm bổ để ghép đôi trở lại, sinh sản lứa mới. Dúi một năm đẻ khoảng 3-4 lần, mỗi đợt khoảng 4-5 con.

Thức ăn của dúi chủ yếu là thân cây tre, nứa, mía, ngô, sắn. Một ngày dúi ăn 2 lần vào buổi sáng và tối, mỗi lần một đốt tre nứa dài 20 cm, mía thì 5-7 cm, không uống nước.

Mỗi lần xuất bán một cặp dúi giống trọng lượng 2 – 4 lạng, giá 800.000 – 1.000.000 đồng. Những con không đạt tiêu chuẩn xuất giống sẽ được chăm sóc để bán thương phẩm cho các nhà hàng trên địa bàn với giá dao động 500.000 đồng/kg.

Sự táo bạo, dám nghĩ, dám làm đã giúp vợ chồng anh Nhâm thu lãi mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Hiện trang trại của anh Nhâm đang nuôi hơn 200 con dúi, đa số là dúi bố mẹ phục vụ sinh sản. Anh Nhâm dự định thời gian tới sẽ mở rộng quy mô lên gấp đôi so với hiện tại và đầu tư phát triển mạnh dúi thương phẩm.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hồng Trần Thế Mỹ đánh giá, mô hình nuôi dúi của hộ anh Nhâm là một điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương. Mặc dù trẻ tuổi song anh Nhâm suy nghĩ rất chín chắn, táo bạo, dám đột phá, luôn biết học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nguồn để vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu.

“Xã đang muốn nhân rộng mô hình này, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời khai thác lợi thế nguồn thức ăn trên rừng”, ông Mỹ nói thêm.  


Có thể bạn quan tâm

8X nuôi trùn quế doanh thu hơn 3 tỉ đồng/tháng 8X nuôi trùn quế doanh thu hơn 3 tỉ đồng/tháng

Với trên 100 ha nuôi trùn quế, anh Nguyễn Công Vinh (36 tuổi, H.Châu Thành, Tiền Giang) có doanh thu hơn 3 tỉ đồng/tháng.

21/01/2022
9X làm giàu nhờ nuôi dúi 9X làm giàu nhờ nuôi dúi

Sau gần 3 năm áp dụng thành công mô hình nuôi dúi, anh Nguyễn Văn Tàu (27 tuổi, ngụ TT.Trần Đề, H.Trần Đề, Sóc Trăng) có lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/tháng.

22/01/2022
Nuôi cá tai tượng trong bể bạt, thu lãi trăm triệu mỗi năm Nuôi cá tai tượng trong bể bạt, thu lãi trăm triệu mỗi năm

Mạnh dạn áp dụng và thành công với mô hình nuôi cá tai tượng trong bể bạt, ông Nguyễn Văn Biên (TP.Cần Thơ) thu lãi gần 100 triệu đồng mỗi năm.

25/01/2022