Vú Sữa Tím Tín Hiệu Vui Cho Nhà Vườn
Sau một thời gian bị lãng quên, hiện vú sữa tím được nhiều nhà vườn ở xã Xuân Hòa (Kế Sách - Sóc Trăng) quan tâm vì đây là loại cây cho lợi nhuận cao nhờ cho thu hoạch sớm hơn 1-2 tháng so với vú sữa Lò Rèn, có thể vận chuyển xa và được thị trường chấp nhận.
Theo thống kê chưa đầy đủ, diện tích trồng vú sữa tím ở Kế Sách hiện đạt khoảng 80ha, tập trung ở xã Xuân Hòa, trong đó, diện tích đang cho trái ổn định là 15ha. Các nhà vườn kỳ cựu ở ấp Cứ Mạnh (xã Xuân Hòa) cho biết, cây vú sữa tím lão làng hiện còn sống tại vườn ông Bảy My có tuổi thọ trên 25 năm, vẫn sum suê bông trái.
Ông Nguyễn Văn Đẻo, Trưởng ban nhân dân ấp Cứ Mạnh cho biết, trước đây, vú sữa Lò Rèn được trồng phổ biến tại Xuân Hòa; tuy nhiên, vú sữa Lò Rèn sớm bị lão hóa, cây trên 10 năm tuổi thường bị chết nhánh, trái nhỏ, năng suất giảm. Trong khi đó, vú sữa tím cây càng lớn, trái càng sai; trái cho thu hoạch sớm nên giá bán cao, nhờ đó, nhiều nhà vườn đã đổi đời nhờ trồng giống vú sữa này.
Anh Lê Văn Hết, một trong những nhà vườn “ăn nên, làm ra” nhờ cây vú sữa tím, chia sẻ kinh nghiệm: Để có vú sữa bán sớm, vào tháng 12 âm lịch bắt đầu bón phân, bồi sình để làm đọt, đến tháng 3 cây ra bông, tháng 9 bắt đầu thu hoạch và tháng 10 là đợt thu hoạch chính.
Thời điểm này vú sữa Lò Rèn chưa cho thu hoạch nên vú sữa tím “hút hàng” và có giá bán trung bình cả vụ dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Về hiệu quả kinh tế, anh Hết cho biết, với mật độ trồng 200 cây/ha, tuổi cây 7-10 năm, năng suất 30 tấn/ha, lợi nhuận vú sữa tím đem lại là hơn 300 triệu đồng/ha/năm.
Về kỹ thuật canh tác, cần lưu ý một số điểm: Do cây vú sữa tím sai trái nên để hạn chế tình trạng tét nhánh, gãy cành, cần có biện pháp chống đỡ hoặc treo cành. Tốt nhất là sử dụng cây gòn làm trụ đỡ sống cho cây. Vú sữa tím chín sớm, dễ bị ruồi đục trái tấn công nên cần có biện pháp chủ động phòng trừ đồng loạt bằng Sofri protein hoặc Vizubon.
Ngoài đặc điểm nổi bật là chín sớm, vú sữa tím còn có một số ưu thế khác như trái vừa chín vừa lớn, có màu sắc đẹp, ít bị bệnh khô trái, cây có tuổi thọ cao so với vú sữa Lò Rèn, năng suất tăng theo tuổi cây; khi hái không có dấu tay trên trái nên vận chuyển được xa, ít bị thương lái chê.
So với vú sữa tím Bắc Thảo (được trồng nhiều tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên) thì vú sữa tím Xuân Hòa không bị thối đáy trái khi chín hoàn toàn, năng suất và giá bán cao hơn. Về chất lượng, khi trái vừa chín tới thì độ ngọt kém hơn so với vú sữa Lò Rèn nhưng để chín mùi thì có độ ngọt tương đương; hạt, lõi, cùi và độ mềm thịt tương tự như vú sữa Lò Rèn.
Thị trường tiêu thụ vú sữa tím ngày càng rộng mở trong khi nguồn cung chưa nhiều nên bán được giá cao. Theo ông Nguyễn Văn Liệt, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Xuân Hòa, vú sữa tím phần lớn tiêu thụ nội địa, được ưa chuộng ở thị trường miền Bắc, một phần xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Ngành Nông nghiệp và PTNT huyện Kế Sách khuyến cáo, nhà vườn có thể trồng vú sữa tím thay cho diện tích vú sữa Lò Rèn đã già cỗi nhưng không mở rộng diện tích ồ ạt, dẫn tới cung vượt cầu, rớt giá. Diện tích trồng vú sữa tím đến năm 2015 chiếm không quá 50% diện tích trồng vú sữa của huyện và nên trồng tập trung theo từng khu vực để thuận tiện trong sản xuất và tiêu thụ.
Có thể bạn quan tâm
Cầm trên tay con cua lột mềm nhũn vừa vớt lên, ông Hai Trâm - nông dân có thâm niên nuôi cua lột ở Phước Lại (Cần Giuộc, Long An) hồ hởi: “Sản phẩm cua lột của người dân Cần Giuộc chúng tôi không chỉ là món đặc sản của nhiều nhà hàng lớn trên Sài Gòn, mà nay còn xuất cả sang Tây”…
Trong vài năm trở lại đây, phát huy tiềm năng của địa phương, bà con các dân tộc ở Hồng Định đã đưa nhiều giống ngô mới vào gieo trồng. Kết quả là cây ngô đã trở thành cây có sản lượng lớn nhất và mang lại thu nhập cao nhất cho bà con trong số các cây nông nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết bà con bán ngô ngay sau khi thu hoạch vì không có cách bảo quản tốt. Giá bán vì thế mà rẻ và thường xuyên bị tư thương ép giá. Những hộ gia đình để sau một vài tháng mới bán, được giá cao thì lại bị mối, mọt, làm hao hụt sản lượng ngô.
Để nông nghiệp Việt Nam đứng vững và phát triển sau khi gia nhập WTO, đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng mô hình nông nghiệp tiên tiến. Mô hình nông nghiệp tiên tiến là mô hình hướng công nghệ cao, có một số đặc trưng sau đây
Việt Nam là quốc gia xuất gạo lớn, nhưng tập quán canh tác lại khá lạc hậu, năng suất cao nhưng chất lượng thấp. Để giảm chi phí cho nông dân, tăng giá trị loại hàng thế mạnh này, Bộ NN&PTNT đang triển khai và nhân rộng mô hình lúa gieo sạ thẳng hàng - được coi là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và nhiều tỉnh, thành lân cận thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bệnh chổi rồng trên cây nhãn đã làm nhà vườn thất thu từ 10 đến 90% sản lượng. Có nhiều tỉnh, thành đã công bố dịch và tập trung nhiều giải pháp để phòng, trừ dịch nhằm hạn chế sự lây lan.