Vụ Lúa Lạ Ở Tây Trà
Trong khi vụ lúa hè thu trên toàn tỉnh sắp bước vào thu hoạch, thì thời điểm này, trên một số cánh đồng ở Trà Phong – vựa lúa của huyện miền núi Tây Trà, người dân lại xuống đồng gieo cấy. Đây là một điều lạ, vì mùa mưa bão đang đến gần.
Những ngày này, trên các cánh đồng Trà Niêu, Gò Rô, Trà Nga, người dân đang tất bật ra đồng làm đất, cấy sạ. Hàng chục người dân ra đồng cấy lúa, cuốc đất. Cả huyện có 2 chiếc máy băm đất nên những ngày qua làm việc hết công suất. Hiện tại chỉ có hơn một nửa diện tích trên các cánh đồng xã Trà Phong được sạ hoặc cấy, còn lại người dân vẫn tiếp tục làm đất, xuống giống.
Ông Hồ Văn Đôi ở thôn Trà Nga đang làm đất chuẩn bị sạ cho biết, do không có nước nên không sạ sớm được, giờ mới bắt đầu làm đất, vài ngày nữa mới sạ được. Còn ông Hồ Ngọc Minh ở thôn Trà Niêu, ra thăm ruộng lúa đã được 20 ngày, cho biết, khi có nước là tôi làm đất gieo sạ liền nên giờ lúa mới đến ngày tỉa dặm và nhổ cỏ. Năm nay nắng hạn quá, thiếu nước nên phải làm muộn. Làm thì làm chứ không biết có ăn không.
Nhiều tháng qua, trên địa bàn huyện Tây Trà nắng nóng kéo dài liên tục khiến nguồn nước cạn kiệt, thậm chí nước sinh hoạt cũng thiếu thốn. Mặt khác, theo ông Hồ Ngọc Minh, công trình thủy lợi Trà Niêu cung cấp nước sản xuất cho các cánh đồng ở trung tâm huyện bị hư hỏng từ năm ngoái, mới được sửa chữa lại từ đầu tháng 7 đến nay mới mưa nên có nước.
Ông Đỗ Đình Phương - Chánh Văn phòng UBND huyện Tây Trà cho biết, các cánh đồng ở xã Trà Phong có diện tích khoảng hơn 40ha. Từ đầu tháng 7 đến nay, người dân mới bắt đầu cấy, sạ. Nguyên nhân việc gieo sạ muộn một phần là do thiếu nước tưới, một phần là do nhân công ít nên không làm sớm kịp.
Ông Đỗ Minh Lâm – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà thì cho biết, việc xuống giống vụ hè thu quá muộn như hiện nay là do tập tục của bà con. Năm nào cũng vậy, khi công việc nương rẫy hoàn tất thì bà con mới xuống đồng gieo cấy lúa nước. Huyện đã chỉ đạo UBND xã Trà Phong tuyên truyền cho người dân tranh thủ xuống giống hết diện tích càng sớm càng tốt.
Nhiều nông dân xã Trà Phong cho biết, giống lúa mà bà con đang cấy sạ là lúa thịt vụ trước. Còn giống Nhà nước hỗ trợ thì gạo cứng ăn không ngon nên bà con không sạ nữa. Giống lúa thịt được gieo sạ hiện nay có thời gian sinh trưởng 100 ngày. Như vậy, thời điểm lúa trổ bông, chín sẽ rơi vào cao điểm của mùa mưa lũ.
Trao đổi vấn đề này với ông Đào Minh Hường – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thì được biết: Việc nông dân Tây Trà xuống giống đại trà vào thời điểm này chúng tôi sẽ kiểm tra lại. Tuy nhiên, nếu gieo sạ vào thời điểm này chắc chắn là không hy vọng gì, vì sắp đến mùa mưa lũ.
Theo lịch thời vụ, cũng như kinh nghiệm dân gian thì vụ hè thu xuống giống từ cuối tháng 5, đến đầu tháng 9 tới là sẽ thu hoạch. Mặc dù có sự khác nhau giữa đồng bằng và miền núi, nhưng với mùa mưa bão sắp đến và diễn biến thất thường nên việc gieo sạ vào thời điểm này khó có thể đạt kết quả.
Có thể bạn quan tâm
Đồng USD tăng giá mạnh, nhiều nước giảm giá đồng nội tệ nhằm hỗ trợ xuất khẩu khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khăn. Xuất khẩu bế tắc không chỉ khiến các doanh nghiệp (DN) gặp khó mà nông dân cũng lao đao.
Những người nuôi ong ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đã bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng khi các trại ong của họ bị phá, các tủ nuôi bị xịt thuốc diệt côn trùng khiến ong chết. Nhiều người nuôi ong vì muốn yên thân đã phải tháo chạy khỏi những địa bàn này vì không muốn đối mặt nguy cơ sạt nghiệp.
Việc nông dân đốn quýt trồng gừng là cách làm tự phát, thiếu quy hoạch, dễ rơi vào tình trạng rớt giá, thậm chí lập lại cảnh 2.000 đồng/kg như năm 2012.
Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có rất nhiều diện tích lúa ở xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) đang xanh tốt, bỗng dưng chuyển sang héo úa rồi chết. Cho rằng, lúa bị chết do nguồn nước ô nhiễm, rất nhiều nông dân đã làm đơn kiến nghị gửi các nơi, song cho đến nay vẫn chưa có cơ quan nào vào cuộc giải quyết.
Ngày 25.8, đại diện Sở NNPTNT Bình Định cho biết, trên địa bàn tỉnh ghi nhận đã có 14 hộ nông dân trồng khoảng 14ha cây mắc ca tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh.