Vụ Khai Thác, Đánh Bắt Thủy Sản Chính Sau Niềm Vui Là Nỗi Lo
Rủi ro rình rập, chi phí sản xuất tăng cao, giá cả bấp bênh hay có lúc “khát” lao động đi biển nhưng vụ khai thác, đánh bắt thủy sản chính trong năm 2014, ngư dân trong tỉnh vẫn bội thu. Có điều, “quả ngọt” ấy cũng chưa mang lại cho họ niềm vui trọn vẹn khi mà tình trạng ép giá, cửa biển bồi lấp... vẫn xảy ra.
9 tháng năm 2014, sản lượng khai thác thủy sản trên biển ước đạt 118.687 tấn (tăng 7,1 % so với cùng kỳ năm 2013). Trong đó, các nghề dẫn đầu về số tàu lẫn sản lượng đánh bắt là kéo 35,7%, rê 21,85%, câu 13,7% và vây 13%. Điều đáng bàn là dù đứng đầu danh sách trên nhưng nghề kéo (gọi là giã cào) và nghề rê lại nằm trong diện “cần ưu tiên tinh giảm” mà “Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” do Bộ NN&PTNT phê duyệt theo Quyết định 2760. Trong đó, riêng nghề kéo phải được giảm còn 15% vào cuối năm 2015.
Biển yên, ngư dân “no”...
9 giờ sáng ngày 21.10, con tàu của ngư dân Lê Văn Minh ngụ xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) ì ạch cập cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu (Bình Sơn) vì nặng cá. “25 ngày ra khơi, anh em chúng tôi kiếm được 13 tấn cá chuồn. Nhìn mà sướng”, vừa thả dây neo, bạn tàu Trần Văn Diễn vừa nói. Lúc này, phía dưới cảng đã có hơn 20 lao động cùng 2 chiếc xe đông lạnh loại lớn trong tư thế sẵn sàng “đón” cá từ con tàu.
Thế nên ngay khi neo tàu xong, chủ tàu Lê Văn Minh liền cho mở nắp hầm. Lập tức những thùng cá chuồn nhanh chóng qua cân, rồi chuyển lên xe để xuôi vào Nam. “Nghe chủ nậu bảo mẻ cá này xuất đi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, họ mua với giá 10.000 đồng/kg”, anh Minh cho hay.
Nói đoạn, anh Minh giao việc dọn dẹp, bán mua cho vợ con và anh em bạn, còn mình thì tất tả đi đặt dầu, đá, lương thực, thực phẩm để tiếp cho con tàu ngay khi nó được “giải phóng” cá. Lý giải sự khẩn trương này, anh Minh nói: “Trừ chi phí, phiên biển này anh em cũng bỏ túi được ít nên ai cũng vui. Thế nên tranh thủ biển còn yên, chúng tôi quyết đi chuyến nữa; chứ không mai mốt mưa bão, khó lắm!”.
Trước đó, vào sáng 20.10, nhiều ngư dân ở Bình Châu cũng trở về với con tàu nặng cá ngừ và các loại thủy sản khác. Trong đó, chủ tàu Lê Thanh Quang được mọi người rỉ tai nhau là trúng đậm cá ngừ, thu về tiền tỷ. Tuy nhiên, theo tiết lộ của anh Quang thì “không được nhiều thế đâu. Chỉ là sau hơn một tháng ở Hoàng Sa, tàu mình may mắn trúng “lộc” cá ngừ nên cả chủ lẫn bạn đều “no”, khỏi lo phí tổn cho phiên kế tiếp. Vậy là may rồi!”.
... nhưng vẫn khắc khoải
Dù không lỗ tổn, bản thân cũng bỏ túi được vài chục triệu đồng nhưng ngư dân Lê Văn Minh bảo “anh em mình vẫn buồn vì đầu nậu ép giá quá”. Đây là mẻ cá chuồn đầu mùa nhưng đầu nậu chỉ trả 10.000 đồng/kg. Điều oái ăm là chỉ qua công đoạn chuyển từ tàu lên xe, giá cá đã vọt lên 14.500 đồng/kg.
Đã thế, điều khiến anh Minh cũng như những ngư dân Nghĩa An rầu lòng là cửa sông Phú Thọ lại dở chứng, khiến nhiều tàu công suất lớn chưa thể ra vào. “Lẽ ra, mình cho tàu về Nghĩa An để cân bán cá rồi tiếp nhiên liệu, dầu, đá, thức ăn... cho tiện. Vì dù sao về đó cũng gần nhà, lại có bạn hàng quen mua – bán lâu nay nên giá cả cũng dễ chịu hơn ở đây”, anh Minh chia sẻ.
Trong khi ngư dân chưa tìm được niềm vui trọn vẹn thì, các ngành chức năng cũng khắc khoải với kết quả: Cả hai nghề kéo và rê nằm trong diện “tinh giảm” thì lại dẫn đầu về số tàu, sản lượng cũng như hiệu quả khai thác, đánh bắt! Cụ thể, trong số 5.404 tàu cá toàn tỉnh, hai nghề trên đã có đến 3.113 chiếc (chiếm gần 58%), còn sản lượng đánh bắt thì chiếm đến 2/3.
Vậy nên Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phùng Đình Toàn lo lắng: “Nếu tinh giảm tàu hai nghề này, đặc biệt là nghề kéo từ 35,7% về 15% vào cuối năm 2015 theo Đề án của Bộ NN&PTNT thì cả chúng tôi cũng như ngư dân không biết xoay xở thế nào”. Lo lắng trên hoàn toàn có cơ sở khi mà hiện giờ, lượng tàu hành nghề kéo ở Quảng Ngãi đứng thứ nhì cả nước nên nó được đưa vào diện “ưu tiên” của Bộ NN&PTNT.
Quả thật dù bội thu trong vụ khai thác, đánh bắt thủy sản chính của năm nhưng với những khó khăn đang vấp phải, ngư dân đang rất mong nhận được sự tiếp sức từ nhiều phía để họ yên tâm vững tin bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Có thể bạn quan tâm
Cá rô phi nuôi lồng thường bị một số bệnh như: bệnh xuất huyết, bệnh viêm ruột, bệnh nấm thủy mi, bệnh trùng bánh xe...
Năm 1995, xã Sơn Vi thực hiện chính sách giao khoán các diện tích đất đồi hoang hóa, đất ruộng sình lầy và mặt nước ao hồ lâu nay khai thác kém hiệu quả kinh tế, để giao cho các hộ nhận khoán xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.
Bất kỳ ai muốn thành công đều phải hội tụ được 3 yếu tố là: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Soi với các yếu tố đó, có thể nói người nông dân Việt Nam hiện đang có cả 3, đó là nông nghiệp đang đi vào giai đoạn phát triển hàng hóa, hội nhập quốc tế;
Để đảm bảo chất lượng và mùi vị đặc trưng, các nhà rang xay thế giới khuyên doanh nghiệp Việt Nam không nên trộn lẫn cà phê vụ mới và cũ với nhau.
Nếu da gà có màu vàng ươm, đồng đều toàn thân gà có màu vàng bắt mắt là loại gà chứa hóa chất. Hoặc có thể nhận biết bằng cách nặn chanh hay một ít nước muối vào, nếu là màu hữu cơ, màu khoáng sẽ có sự thay đổi.