Vụ đông xuân 2016-2017: Giảm trồng lúa, tăng liên kết trồng rau
Trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tục, sản xuất vụ hè thu và vụ mùa 2016 vẫn có nhiều điểm sáng như năng suất và giá bán tăng, hình thành nhiều vùng chuyên canh quy mô lớn... Đó là những đánh giá, nhận định chung của lãnh đạo Bộ NNPTNT.
“Chạy đua” với thời tiết
Ngày 29.11, Bộ NNPTNT đã phối hợp Công ty CP Phân bón Cà Mau tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất vụ hè thu, vụ mùa năm 2016. Ông Nguyễn Như Hải – Trưởng phòng Cây lương thực và Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) cho biết, vụ mùa 2016, toàn miền Bắc gieo cấy 1,147 triệu ha lúa, giảm khoảng 13.000ha so với vụ mùa 2015. Do diện tích giảm, nên sản lượng lúa toàn miền Bắc cũng giảm khoảng 56.000 tấn so với cùng kỳ, đạt trên 5,7 triệu tấn. Đáng chú ý là năng suất lúa trung bình của các tỉnh phía Bắc vẫn tăng 0,1 tạ/ha so với cùng kỳ, đạt trung bình 50,5 tạ/ha. Việc sử dụng các giống lúa chất lượng có giá trị hàng hóa cao tiếp tục tăng cao, trong đó tổng diện tích lúa chất lượng cả 2 vụ hè thu và vụ mùa đạt khoảng 513.000ha, chiếm 40% tổng diện tích lúa gieo cấy.
Trong ảnh: Thu hoạch lúa vụ mùa tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ảnh: I.T
“Để đảm bảo sản xuất vụ đông xuân tới, đề nghị các tỉnh hạn chế tối đa lúa xuân sớm và lúa dài ngày. Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương chỉ tập trung chọn 3-4 giống chủ lực để dễ chỉ đạo sản xuất, đảm bảo chất lượng lúa đồng đều. Ngay cả vùng ĐBSCL, Bộ cũng sẽ chỉ đạo “gút” lại chỉ sản xuất 3-5 giống lúa chủ lực chứ không làm tràn lan”. Ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NNPTNT
Đối với rau màu, diện tích gieo trồng toàn miền Bắc vụ hè thu, vụ mùa ước đạt 635.000ha, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2015 nhưng giá bán lại cao hơn từ 10 – 15%, do vậy giá trị cây rau màu vẫn tăng hơn năm trước từ 5 – 10%.
Cũng theo báo cáo của Cục Trồng trọt, đến nay hầu như tất cả các tỉnh miền Bắc đã có quy hoạch vùng cho khu vực sản xuất hàng hóa tập trung quy mô từ vài chục ha đến hàng trăm ha trở lên, với nhiều cây trồng khác nhau như lúa, ngô, rau đậu...
Các tỉnh phía Bắc đã xây dựng được 859 mô hình cánh đồng lớn, diện tích trên 42.000ha, tăng hơn 2.600ha so với năm 2015. Nhiều tỉnh còn thành lập cả Ban chỉ đạo, ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cánh đồng lớn như Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương…
Về nguyên nhân diện tích sản xuất lúa giảm, ông Hải cho biết chủ yếu là do các tỉnh chuyển đổi một số diện tích gieo cấy lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, một phần diện tích chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp. Trong đó vùng đồng bằng sông Hồng giảm khoảng 9.000ha, Bắc Trung Bộ giảm khoảng 2.000ha, Đông Bắc giảm gần 3.000ha…
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Vang – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nam cho rằng: “Năm nay sản xuất nông nghiệp khó quá, nhất là trồng trọt. Hà Nam cũng như một số tỉnh đều không đạt chỉ tiêu tăng trưởng về sản lượng, diện tích do thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tục”.
Chuyển đổi sang trồng các cây rau, màu
Theo Cục Trồng trọt, dự kiến vụ đông xuân 2016 – 2017 toàn miền Bắc gieo cấy trên 1,1 triệu ha lúa, giảm khoảng 18.000ha so với vụ đông xuân 2015 – 2016, năng suất trung bình đạt 63 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha so với năm trước; sản lượng ước đạt hơn 7,1 triệu tấn, giảm 93.000 tấn so với vụ đông xuân 2015 – 2016.
Ông Bùi Sĩ Doanh – Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết thêm, vụ đông xuân tới dự báo tình hình sâu bệnh trên cây trồng vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2016 không có lũ lớn nên nhiều khả năng chuột tiếp tục phát sinh gây hại nặng; sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu và rầy lưng trắng có khả năng phát sinh sớm trên cây lúa… Do vậy các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn bà con ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp. Ví dụ, tại các vùng thường bị đạo ôn, rầy hại nặng nên hạn chế giống dài ngày, bố trí thời vụ hợp lý để né các đợt cao điểm dịch hại…
Trước tình hình sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế không cao, một số địa phương thuận lợi về thị trường đã đẩy mạnh chuyển đổi sang trồng rau củ, cây ăn trái, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất nông sản xuất khẩu trong cánh đồng mẫu lớn… Bà Nguyễn Thị Vang cho biết, năm 2016 tỉnh Hà Nam đã chuyển đổi từ đất 2 vụ lúa sang trồng rau màu khoảng 530ha, năm nay dự kiến chuyển đổi tiếp 537ha. Hiện trên địa bàn tỉnh đang có rất nhiều doanh nghiệp lớn liên kết với nông dân sản xuất lúa, rau màu chất lượng cao như Công ty CP An Phú Hưng, Công ty VinEco, Công ty CP Giống cây trồng T.Ư…
Bà Đoàn Thị Chải – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hưng Yên cũng cho biết, năm 2016, tỉnh Hưng Yên đã chuyển đổi khoảng 1.373ha đất lúa, trong đó chuyển sang cây trồng hàng năm là 945ha, mô hình lúa - cá là 428ha. “Việc chuyển đổi chủ yếu diễn ra ở những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả. Tuy nhiên, nếu cho cơ chế, bà con nông dân sẽ lựa chọn chuyển sang trồng nhãn, chuối, cam, hoặc làm trang trại tổng hợp chứ không trồng rau màu vì đạt hiệu quả kinh tế cao hơn… Do đó Bộ NNPTNT cần nghiên cứu giải pháp để các địa phương có thể áp dụng linh hoạt chủ trương chuyển đổi cơ cấu sao cho phù hợp với đặc thù của vùng” – bà Chải nói.
Có thể bạn quan tâm
Hàng chục năm nay, phân bón Lâm Thao đã gắn bó với bà con nông dân chúng tôi, nhờ thế mà ngay cả khi trồng trọt trên đất dốc, chúng tôi vẫn có mùa màng tươi tốt
Đó là nhận xét của ông Ngô Ngọc Đại - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội tại hội nghị tổng kết đề án phát triển cơ giới hóa nông nghiệp TP.Hà Nội đến năm 2016
Sở đã chỉ đạo 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn – nơi được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý Mật ong bạc hà Đồng Văn sớm rà soát và có quy hoạch vùng hoa hợp lý