Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Vẫn cho nuôi ong ngoại ngoài 4 huyện cao nguyên đá

Vẫn cho nuôi ong ngoại ngoài 4 huyện cao nguyên đá
Tác giả: Minh Huệ (thực hiện)
Ngày đăng: 01/12/2016

Ông Nguyễn Hữu Vinh – Giám đốc Sở NNPTNT Hà Giang cho biết, sau khi có các hướng dẫn từ Bộ NNPTNT, Sở đã chỉ đạo 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn – nơi được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý Mật ong bạc hà Đồng Văn sớm rà soát và có quy hoạch vùng hoa, mật độ nuôi ong hợp lý...

Thưa ông, cụ thể sau khi Cục Chăn nuôi có văn bản hướng dẫn, tư vấn cho địa phương về giải pháp kỹ thuật liên quan đến chỉ dẫn địa lý Mật ong bạc hà Đồng Văn (xem NTNN ra ngày 29.11), tỉnh Hà Giang đã triển khai những giải pháp như thế nào?

-Tôi cho rằng đó là những tư vấn rất kịp thời cho Hà Giang, trong đó có những lưu ý về quy hoạch vùng hoa, quy mô phát triển đàn ong gắn với chỉ dẫn địa lý… Theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2020, tỉnh Hà Giang sẽ bảo tồn và phát triển khoảng 40.000 – 41.000 đàn ong nội, trên cơ sở đó 4 huyện trong vùng chỉ dẫn địa lý sẽ xây dựng diện tích vùng hoa phù hợp. Hiện nay, 4 huyện này cũng đã tự bỏ ngân sách ra để xây dựng vùng hoa bạc hà, nhằm giúp đồng bào phát triển nghề nuôi ong thuận lợi.

Trong ảnh: Một hộ nuôi ong lấy mật hoa bạc hà tại xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, Hà Giang. Ảnh: Kim Tiến

Tôi cho rằng khi Nhà nước ban hành các thông tư, chính sách, chế độ… cũng phải phù hợp với trực trạng tại địa phương. Chính sách đó phải đi vào cuộc sống, tạo thuận lợi cho người dân sản xuất và được người dân đồng thuận”.  Ông Nguyễn Hữu Vinh

Chúng tôi coi việc mật ong bạc hà được cấp chỉ dẫn địa lý là cơ hội tốt để xây dựng thương hiệu sản phẩm và có trách nhiệm phải giữ gìn chỉ dẫn địa lý. Theo đó, Sở đã tích cực tuyên truyền cho người dân chăm sóc, bảo vệ tốt đàn ong nội; thực hiện đúng quy trình khai thác mật, tuyệt đối không cho ong ăn đường, đồng thời xây dựng đề án bảo tồn nguồn gen của ong quý và dự kiến sẽ triển khai vào năm 2017.

Như ông nói có nghĩa là Hà Giang chỉ phát triển duy nhất giống ong nội?

- Nói như vậy là chưa chuẩn. Chúng tôi cố gắng giữ gìn và phát triển đàn ong nội với số lượng 40.000 – 41.000 đàn ở 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn. Những vùng khác không thuộc 4 huyện này, bà con vẫn có thể phát triển đàn ong ngoại cũng như các giống ong khác.

Cũng phải nói thêm rằng, nghề nuôi ong đang mang lại thu nhập khá cao cho đồng bào dân tộc 4 huyện vùng cao nguyên đá, với tổng sản lượng mật ong hơn 100 tấn/năm, giá bán trung bình trên 500.000 đồng/lít. Sản phẩm mật ong bạc hà đã có thương hiệu, được nhiều người biết tới và có giá bán cao hơn nhiều các loại mật ong khác nên chúng tôi luôn tuyên truyền bà con phải giữ ổn định chất lượng. Trong quá trình khai thác mật, hộ này phải kiểm soát hộ kia, tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất.

Mọi nỗ lực của ngành nông nghiệp địa phương cũng là nhằm giúp bà con yên tâm gắn bó với nghề, từ đó tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh xã hội vùng biên giới.

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng việc Hà Giang ban hành văn bản cấm người dân đưa ong ngoại từ nơi khác vào nuôi là trái với Thông tư 25 của Bộ NNPTNT?

- Ở đây tôi không nói về đúng – sai. Cực chẳng đã Hà Giang mới phải ra văn bản để nhằm bảo vệ đàn ong nội cũng như sản xuất tại chỗ của người dân địa phương. Tôi cho rằng khi nhà nước ban hành các thông tư, chính sách, chế độ… cũng phải phù hợp với trực trạng tại địa phương. Chính sách đó phải đi vào cuộc sống, tạo thuận lợi cho người dân sản xuất và được người dân đồng thuận. Để bảo vệ thương hiệu mật ong bạc hà, Hà Giang sẽ xây dựng cơ chế giám sát để 100% sản phẩm mật ong đảm bảo chất lượng. Chúng tôi cũng cam kết không riêng gì mật ong, mà tất cả các loại nông sản khác của Hà Giang đều phải đảm bảo an toàn, chất lượng.

Xin cảm ơn ông!


Có thể bạn quan tâm

Lệnh cấm đưa ong ngoại vào địa bàn của Hà Giang là trái luật Lệnh cấm đưa ong ngoại vào địa bàn của Hà Giang là trái luật

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, trong các quyền nêu trên, quyền của chủ sở hữu là cần chống lại hành vi vi phạm và đảm bảo chất lượng của sản phẩm

01/12/2016
Dùng phân Lâm Thao “trị” đất dốc, nông dân Sơn La lợi lớn Dùng phân Lâm Thao “trị” đất dốc, nông dân Sơn La lợi lớn

Hàng chục năm nay, phân bón Lâm Thao đã gắn bó với bà con nông dân chúng tôi, nhờ thế mà ngay cả khi trồng trọt trên đất dốc, chúng tôi vẫn có mùa màng tươi tốt

01/12/2016
Cơ giới hóa nông nghiệp đang chững lại Cơ giới hóa nông nghiệp đang chững lại

Đó là nhận xét của ông Ngô Ngọc Đại - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội tại hội nghị tổng kết đề án phát triển cơ giới hóa nông nghiệp TP.Hà Nội đến năm 2016

01/12/2016