Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

VietGAP Hướng Phát Triển Tất Yếu Của Nghề Nuôi Tôm Nước Lợ

VietGAP Hướng Phát Triển Tất Yếu Của Nghề Nuôi Tôm Nước Lợ
Ngày đăng: 23/06/2014

Nuôi tôm ở nước ta được xem là một nghề phát triển nhanh, song một số nơi còn mang tính tự phát trong khi hàng loạt các vấn đề phục vụ sản xuất chưa đáp ứng kịp đã dẫn đến tôm nuôi thường xuyên bị bệnh; vì thế để thu được kết quả tốt thì người nuôi phải sử dụng thuốc kháng sinh phòng trị bệnh cho tôm.

Hiện nay các nước nhập khẩu đã sử dụng rào cản kỹ thuật là vấn đề dư lượng kháng sinh trong sản phẩm. Chính vì vậy, muốn sản phẩm tôm xuất khẩu được thì phải thực hiện tích cực các biện pháp đồng bộ từ khâu quản lý đến sản xuất nguyên liệu và thu gom, chế biến sản phẩm để vượt qua rào cản này.

Với áp lực của thị trường, Việt Nam cần phải xây dựng giải pháp kỹ thuật an toàn trong nuôi và chế biến sản phẩm tôm, áp dụng quy trình công nghệ nuôi tiên tiến nhằm đạt được sản phẩm “tôm sạch” an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm giúp cho thị trường xuất khẩu bền vững và ổn định.

Để đáp ứng nhu cầu thực tế đó, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP). Đây là quy phạm thực hành sản xuất tốt được xây dựng dựa trên 4 tiêu chí cơ bản là đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Sự ra đời của VietGAP là bước cần thiết nhằm đưa nghề nuôi trồng thủy sản Việt Nam nói chung và nghề nuôi tôm nước lợ nói riêng đi vào khuôn khổ.

Khi xã hội phát triển ngày càng có nhiều người tiêu dùng hướng đến sử dụng các mặt hàng có nhãn hiệu và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng ngay cả các mặt hàng thủy - hải sản trong các siêu thị lớn của Việt Nam cũng chưa được gắn tem, nhãn, bao bì rõ ràng, chưa được công khai về quy trình kiểm soát chất lượng để có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Vì vậy, việc tuyên truyền để người nuôi tôm áp dụng tiêu chuẩn VietGAP không những đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, mà còn đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất và từng bước xây dựng thương hiệu cho thủy sản Việt Nam trong lòng người tiêu dùng cả trong nước và quốc tế.

Để hỗ trợ cho chương trình này, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 01/2012/QĐ-TTg về “một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản”.

Theo đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ 100% kinh phí về điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí để xác định các vùng sản xuất tập trung áp dụng VietGAP, hỗ trợ không quá 50% tổng vốn đầu tư xây dựng, cải tạo đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm bơm, điện hạ thế...

Với sự hỗ trợ này, chi phí áp dụng cho VietGAP sẽ thấp hơn rất nhiều so với các bộ tiêu chuẩn trước đây, tạo thuận lợi cho các hộ nuôi tôm hướng tới việc sản xuất bền vững.

Mặc dù có nhiều lợi ích thiết thực và sự hỗ trợ của Chính phủ, song việc thực hiện tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi tôm nước lợ gặp không ít khó khăn. VietGAP vẫn chưa được quốc tế thừa nhận, trong khi sản phẩm tôm là loại nguyên liệu chủ yếu phục vụ chế biến xuất khẩu; hơn nữa, các bộ tiêu chuẩn chứng nhận tự nguyện có uy tín khác như BAP, GlobalGAP, ASC lại đang cạnh tranh gay gắt nên người nuôi tôm chưa mạnh dạn áp dụng VietGAP.

Thực trạng hiện nay ngành nuôi thủy sản của Việt Nam chủ yếu tồn tại dưới dạng nông hộ nhỏ lẻ nên hệ thống thủy lợi, ao chứa, ao lắng chưa đáp ứng được yêu cầu; hộ nuôi thường có sản lượng nhỏ nên chi phí tư vấn, chứng nhận VietGAP tính trên đầu tấn sản phẩm sẽ cao trong khi giá bán sản phẩm sau chứng nhận tăng chậm.

Chương trình hỗ trợ của Quốc gia theo Quyết định 01/2012/QĐ-TTg còn vài điểm chưa được hợp lý, ví dụ, theo quyết định, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất được hỗ trợ phải đủ 2 điều kiện: Áp dụng VietGAP trong sản xuất, sơ chế sản phẩm; có hợp đồng tiêu thụ và phương án tiêu thụ sản phẩm.

Nếu buộc người nuôi tôm vừa áp dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP vừa phải có hợp đồng tiêu thụ mới được hưởng hỗ trợ thì thật sự rất khó khăn cho họ và không khuyến khích được đại đa số hộ nuôi tôm áp dụng VietGAP.

Tuy việc xây dựng VietGAP đang gặp không ít khó khăn bước đầu, nhưng VietGAP vẫn là hướng phát triển tất yếu phải có của nghề nuôi tôm nước lợ nói riêng và cả ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung. Phải thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của VietGAP nhằm phát triển bền vững nghề nuôi tôm, nâng cao uy tín mặt hàng tôm nước lợ trên thị trường, giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Để áp dụng thành công VietGAP trong nuôi tôm nước lợ cần: xúc tiến hoạt động ngoại giao kỹ thuật để tạo niềm tin và sự thừa nhận bộ tiêu chuẩn VietGAP trên các thị trường thế giới, làm cho VietGAP có thể ngang tầm với các tiêu chuẩn GlobalGAP, ASC...

Có thông tư hướng dẫn cụ thể Quyết định 01/2012/QĐ-TTg nhằm tạo điều kiện thuận lợi để triển khai hỗ trợ tới được các hộ sản xuất quy mô vừa; đồng thời vận động việc liên kết các hộ nuôi nhỏ lẻ tạo sản lượng đủ lớn cho việc áp dụng VietGAP.

Có khung pháp lý và chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng vùng nuôi đồng bộ về cơ sở hạ tầng vùng nuôi (hệ thống thủy lợi, kinh mương cấp thoát nước, hệ thống ao nuôi, lắng lọc, xử lý chất thải), hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng trừ dịch bệnh.

Đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật có năng lực để tham gia hoạt động tư vấn, đánh giá và chứng nhận VietGAP để đảm bảo chất lượng của quá trình áp dụng và chứng nhận VietGAP. Có chế độ hỗ trợ hợp lý cho việc tiêu thụ sản phẩm được chứng nhận, tạo sự khác biệt về giá cho sản phẩm chứng nhận nhằm thu hút các hộ nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP.


Có thể bạn quan tâm

Thất Bại Vẫn Không Bỏ Cuộc Thất Bại Vẫn Không Bỏ Cuộc

Với mô hình nuôi lợn, trồng thanh long, từ một hộ nghèo, đến nay gia đình chị Trần Thị Điều (dân tộc Cao Lan) ở thôn Gò Danh, xã Lưỡng Vượng, TP.Tuyên Quang đã có của ăn của để.

04/03/2014
Sức Hút Của... Dong Riềng Sức Hút Của... Dong Riềng

Không chỉ ở các huyện sản xuất dong riềng truyền thống như Điện Biên, TP.Điện Biên Phủ, mà giờ đây cây trồng này còn phát triển mạnh ở những huyện khác như Điện Biên Đông, Mường Chà, Nậm Pồ… với diện tích hàng ngàn ha.

04/03/2014
Sớm Khai Thông Tín Dụng Cho Tam Nông Sớm Khai Thông Tín Dụng Cho Tam Nông

Việc Chính phủ ủng hộ đề xuất mới đây của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về một chương trình hỗ trợ tín dụng lớn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn được các ngân hàng đánh giá là dấu hiệu tích cực để sớm khai thông nguồn vốn cho khu vực này.

04/03/2014
Trung Quốc Mua Gom Gạo Việt Nam, Đó Là Điều Tốt? Trung Quốc Mua Gom Gạo Việt Nam, Đó Là Điều Tốt?

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, nếu có việc Trung Quốc gom gạo Việt thì đó là thông tin đáng mừng vì đến thời điểm này chúng ta đang không có hạn chế gì về xuất khẩu gạo.

04/03/2014
2 Tháng Đầu Năm, Nhiều Nông Sản Chủ Lực Xuất Khẩu Giảm Mạnh 2 Tháng Đầu Năm, Nhiều Nông Sản Chủ Lực Xuất Khẩu Giảm Mạnh

Bộ NN&PTNT cho biết, xuất khẩu nông lâm thủy sản 2 tháng đầu năm ước đạt 4,33 tỷ USD, tăng 9% so cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng nông sản chủ lực đang giảm mạnh, trung bình trên 20% so cùng kỳ năm 2013.

04/03/2014