Tạo Chỗ Đứng Vững Chắc Cho Trứng Gà Sạch 729 Ba Vì (Hà Nội)
Được chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học với quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, sản phẩm trứng sạch 729 của trang trại 729, xã Yên Bài, huyện Ba Vì (Hà Nội) đang có mặt tại nhiều siêu thị lớn, các cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn TP.
Tuy ra mắt thị trường chưa lâu, song thương hiệu trứng sạch 729 đang dần tạo được chỗ đứng vững chắc và là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Thủ đô.
Sản vật của vùng đồi gò
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đồi gò Yên Bài, xã miền núi nằm ở phía Đông Nam huyện Ba Vì, từ nhỏ anh Đỗ Mạnh Phú đã gắn bó với nghề nông. Ở vùng đất này, ngoài nuôi bò sữa, người dân còn khai thác thế mạnh từ đồi gò để phát triển các trang trại chăn nuôi lợn, gà. Bởi thế, từ cách đây hơn 20 năm, anh Phú đã bắt tay vào xây dựng trang trại chăn nuôi gà đẻ với quy mô nhỏ, chỉ khoảng 500 - 1.000 con. Vừa làm vừa học hỏi, qua nhiều năm tích lũy, anh Phú đã có một "vốn liếng" đáng kể cả về tài chính và kinh nghiệm làm ăn. Trang trại chăn nuôi gia cầm của anh cứ thế lớn dần lên theo năm tháng.
Những năm qua, một trong những vấn đề khiến người chăn nuôi luôn "đau đầu" và lo lắng là tình trạng dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là dịch cúm gia cầm chưa được kiểm soát triệt để, nguy cơ lây nhiễm cao. Bên cạnh đó, sản phẩm chăn nuôi bán ra thị trường bấp bênh, thiếu ổn định, có lúc xuống dưới mức giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi thua lỗ. Điều nghịch lý là, trong khi sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra ngày một nhiều nhưng người tiêu dùng vẫn "đỏ mắt" tìm các loại thực phẩm có chất lượng, đảm bảo ATTP và luôn lo lắng cho chất lượng mỗi bữa cơm gia đình. Đứng trước những vấn đề trên, cùng với khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Đỗ Mạnh Phú đã bắt tay vào chăn nuôi gà lấy trứng theo hướng an toàn sinh học.
Dám nghĩ, dám làm, anh Phú mạnh dạn tìm đến các chuyên gia nông nghiệp và bạn bè đã làm trước, đồng thời tự mày mò học tập, tìm hiểu về phương thức chăn nuôi gà an toàn sinh học qua sách báo, internet. Năm 2010, lứa gà đầu tiên của trang trại được đưa vào nuôi theo hướng mới với sự khấp khởi hy vọng xen lẫn lo âu của anh Phú. Trên khu vực trang trại rộng hơn 3ha, các chuồng nuôi gà đẻ được quy hoạch bài bản, khoa học với đầy đủ hệ thống làm mát, quạt thông gió... Quy mô nuôi đạt bình quân 20.000 gà đẻ/lứa. Anh Phú cho biết, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học phải kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu vào như giống, thức ăn, vật tư thú y... Trong đó, được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, Viện Chăn nuôi và một số đơn vị khác, anh Phú đã áp dụng biện pháp đệm lót sinh học để xử lý phân gà, giảm mùi hôi thối, vừa tăng sức đề kháng cho con gà, vừa tạo ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh, ATTP.
Anh tâm sự, chăn nuôi an toàn sinh học đòi hỏi phải kiên trì, làm dần dần bởi nếu làm ồ ạt rất khó kiểm soát chất lượng. Hơn nữa, mỗi lứa gà sau khi hết chu kỳ khai thác trứng được loại thải đi phải cần có thời gian để vệ sinh chuồng trại, xử lý mầm bệnh mới đưa vào nuôi tiếp lứa mới.
"Chăn nuôi an toàn sinh học mà tham lam là thất bại" - anh Phú chia sẻ. Với nỗ lực không ngừng, những mẻ trứng an toàn sinh học đầu tiên đã "ra lò" trong niềm vui mừng, phấn khởi của anh cùng toàn thể nhân viên trong trang trại. Với anh Phú, đây như một sản vật mới của vùng đất đồi gò này và là hướng đi bền vững cho phát triển chăn nuôi gia cầm tại địa phương.
Vì một thương hiệu
Anh Đỗ Mạnh Phú cho biết, ngay sau khi gà đẻ trứng, nhân viên trực phải thu hoạch luôn, sau đó đưa trứng vào khu vực khử trùng và đóng vỉ hoặc giỏ rồi mới xuất ra thị trường.
Nhờ đó, sản phẩm luôn đảm bảo ATVSTP. Mỗi ngày, trang trại 729 cho thu khoảng 1,2 - 1,4 vạn quả trứng an toàn sinh học. Được sự giúp đỡ của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, sau hơn hai năm làm thủ tục, năm 2013, anh Đỗ Mạnh Phú đã đăng ký thành công thương hiệu cho sản phẩm trứng sạch của mình với tên gọi "trứng sạch 729".
Bên cạnh đó, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội còn là cầu nối giúp xây dựng chuỗi liên kết - tiêu thụ sản phẩm trứng, dán tem nhãn cho sản phẩm. Với cách làm theo chuỗi giá trị, có sự chia sẻ lợi ích và rủi ro nên anh Đỗ Mạnh Phú luôn đề cao chữ tín trong làm ăn. Từ nhiều tháng nay, sản phẩm trứng trên thị trường luôn tăng giá, song anh vẫn cấp hàng cho siêu thị với giá gốc khá ổn định.
"Do hợp đồng với các siêu thị lâu dài nên đầu ra của sản phẩm khá ổn định, không sợ lên xuống thất thường" - anh Phú cho biết. Hiện nay, trứng sạch 729 đã có mặt tại nhiều siêu thị lớn như Highway, Fivimart, Tmart, Unimart... và hàng chục cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Là người thường xuyên đến siêu thị Highway để mua trứng gà sạch 729 phục vụ bữa cơm gia đình, chị Đỗ Thị Mai Hương (phường Quang Trung, quận Hà Đông) chia sẻ, trứng gà 729 có hình thức đẹp, sáng bóng lại có tem nhãn đầy đủ nên chị rất yên tâm khi sử dụng. Điều đáng mừng, không chỉ phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô, trứng sạch 729 còn được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, TP như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hải Dương...
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, anh Đỗ Mạnh Phú luôn tìm tòi mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm. Hiện sản phẩm trứng sạch 729 khá đa dạng như trứng gà ta, trứng gà so, trứng gà công nghiệp, trứng gà ác, trứng gà ác lộn... Giá xuất trứng cho các siêu thị ở mức 2.200 đồng/quả với trứng gà công nghiệp, 3.800 đồng/quả trứng gà ta...
Bà Phạm Trần Lâm - Trưởng Văn phòng đại diện của trang trại 729 tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm cho biết, hiện nay, khách hàng tìm đến hỏi mua sản phẩm của trang trại ngày càng nhiều, doanh số bán hàng ngày càng tăng lên. Điều đáng ghi nhận là không chỉ làm giàu cho bản thân, trang trại 729 của anh Phú còn tạo việc làm cho gần chục lao động với mức lương 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Nói về dự định trong thời gian tới, anh Đỗ Mạnh Phú bày tỏ mong muốn Nhà nước siết chặt kiểm soát trứng gia cầm nhập lậu, kém chất lượng trên thị trường, tạo điều kiện cho các sản phẩm chất lượng được cạnh tranh lành mạnh.
Đồng thời đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm chăn nuôi để xử lý các sản phẩm kém chất lượng, trôi nổi ngoài thị trường. Bên cạnh đó, theo anh Phú, Sở NN&PTNT, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cần tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ những người chăn nuôi chân chính, nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên địa bàn TP.
Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, đến nay, Trung tâm đã tư vấn, xây dựng được 18 chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm với 3.429 thành viên tham gia. Trong đó có 8 chuỗi liên kết về gia cầm (giống, thịt, trứng gia cầm) với sản lượng tiêu thụ trung bình 392.000 quả trứng/ngày. Trong số các sản phẩm tham gia liên kết chuỗi, đã có một số sản phẩm được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu như sữa Ba Vì, trứng gà Tiên Viên, trứng gà 729, thịt lợn hữu cơ của trang trại Bảo Châu.
Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết quy mô nhỏ, khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm theo hướng cung cấp sản phẩm tại các địa phương. Đồng thời, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các DN, nhất là các sản phẩm chăn nuôi bằng thức ăn sinh học.
Ngoài liên kết chăn nuôi - tiêu thụ trứng sạch 729, còn có chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ gà đồi Ba Vì, chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ gà Mía Sơn Tây, chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ vịt Vân Đình, chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ vịt Đại Xuyên, chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ trứng vịt Liên Châu, chuỗi liên kết - chăn nuôi tiêu thụ trứng gà Tiên Viên.
Có thể bạn quan tâm
Từ nhiều năm nay, người dân ở thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành rất kính trọng ông Bùi Xuân Danh, 55 tuổi, công an thôn bởi ông là người biết tính toán làm ăn, đi lên từ mô hình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn và làm giàu chính đáng ngay tại địa phương vốn nghèo khó này.
Đã có không ít hộ nông dân thất bại khi đầu tư vào phát triển sản xuất, bởi do họ đã áp dụng không đúng quy trình kỹ thuật, thiếu vốn đầu tư, thiếu nơi tiêu thụ sản phẩm hay chưa đổi mới tư duy, cách làm mới... Ở xóm Mỹ Triều xã Thạch (Thạch Hà, Hà Tĩnh) lại có một mô hình phát triển kinh tế theo hướng đa cây cho hiệu quả khá cao.
Người dân quanh vùng đào ao để thả cá, còn bác Dương Văn Lê ở thôn Giã Bàng, xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc lại đào ao thả vịt. Ai cũng nghĩ bác quẩn. Vậy mà chỉ vài năm cách làm này đã giúp gia đình bác thoát nghèo, trở thành triệu phú, được cả làng làm theo.
Đó là mô hình kinh tế vườn của chàng trai dân tộc Nùng Cháng Thừa Lù - một tấm gương sáng điển hình của thôn Thanh Long xã Thanh Vân huyện Quản Bạ trong việc vươn lên thoát nghèo. Mới 27 tuổi Cháng Thừa Lù đã có trong tay hơn 3 ha cây ăn quả gồm hồng không hạt, quýt, chanh và 2 hồ nước rộng nuôi thả cá cùng số lượng lớn đàn ong nuôi lấy mật… báo hiệu một vụ mùa bội thu, khiến mọi người đến thăm thầm cảm phục.
Chi cục Thú y (Sở NN-PTNT Lâm Đồng) cho biết, từ đầu năm 2013 tới nay, lượng sản phẩm chăn nuôi của tỉnh được Chi cục kiểm dịch để xuất ra ngoài tỉnh đã tăng rất nhanh và tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2012.