Việt Lâm Đẩy Mạnh Trồng Rau An Toàn
Vụ đông năm nay, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên - Hà Giang) trồng gần 50ha rau, củ, quả các loại, trong đó có 2ha được trồng theo quy trình VietGAP. Việc trồng rau theo hướng VietGAP ngoài cung cấp cho người tiêu dùng rau sạch còn góp phần nâng cao thu nhập, từ đó giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.
Được biết, ở thị trấn Việt Lâm hiện có 14 tổ dân phố tham gia trồng rau vụ đông, trong đó có 4 tổ chuyên canh trồng rau gồm: 7, 8, 10 và 11. Ngoài ra, các tổ khác của thị trấn cũng tích cực đẩy mạnh trồng rau trên những diện tích đất ruộng 2 vụ lúa. Nhờ đó, 1/3 diện tích đất canh tác của thị trấn đã sản xuất 3 vụ/năm.
Đặc biệt, vụ đông năm nay, thị trấn Việt Lâm được Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản Hà Giang triển khai thí điểm sản xuất rau theo quy trình VietGAP trên diện tích 2ha, với 10 hộ dân tham gia. Các hộ được hỗ trợ 100% cây giống, 50% phân bón; tập huấn quy trình, kỹ thuật nhằm đảm bảo sản xuất rau an toàn theo đúng tiêu chuẩn VietGAP.
Bà Lê Thị Ánh Diện, ở tổ 7, một hộ dân tham gia trồng rau theo quy trình VietGAP, cho biết: “Tôi được chính quyền địa phương tuyên truyền sản xuất rau an toàn không những mang lại hiệu quả kinh tế, an toàn cho người trồng và người sử dụng mà còn mở ra cách làm mới, hướng đi bền vững, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Gia đình tôi tham gia trồng 3.000m2 rau theo quy trình này. Khi trồng, chúng tôi được hỗ trợ về giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Kết quả là rau nhìn đẹp hơn rau thường, bán chạy hơn, giá bán cao hơn so với trồng thông thường”.
Thấy được hiệu quả từ mô hình trồng rau theo quy trình VietGAP, cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp, nhiều hộ dân ở thị trấn Việt Lâm đã mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích đất canh tác, góp phần ổn định đời sống người dân.
Bà Bùi Thị Nga, Phó chủ tịch UBND thị trấn Việt Lâm, cho biết, 2ha rau mà thị trấn trồng theo quy trình VietGAP hiện đã cho thu hoạch.Điều đáng mừng là, mặc dù đã hết chính sách hỗ trợ nhưng bà con vẫn tiếp tục duy trì và mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, điều mà người dân nơi đây lo lắng là rau trồng theo quy trình VietGAP so với các loại rau bán ngoài chợ không có sự khác biệt lớn, trong khi người tiêu dùng vẫn chưa phân biệt được đâu là rau sạch, đâu là rau không sạch. Người dân mong muốn các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm… để người tiêu dùng có nhận thức đầy đủ và ủng hộ người trồng rau theo quy trình VietGAP.
Có thể bạn quan tâm
Phần lớn diện tích lúa đông xuân chính vụ đã xuống giống ở Sóc Trăng đang tập trung ở giai đoạn làm đòng đến trổ bông. Theo ghi nhận của chi cục Bảo Vệ Thực Vật trong tuần qua, các loại dịch hại thường xuyên xuất hiện trên lúa như đạo ôn, rầy nâu, sâu cuốn lá đều giảm về diện tích cũng như mật số lây nhiễm. Đang chú ý là bệnh cháy bìa lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt ở giai đoạn đòng trổ.
Nhiều năm qua, sản phẩm mận Bắc Hà đã rất quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để các loại mận trồng ở Bắc Hà (Lào Cai) được “chính danh” trên thị trường trong và ngoài nước luôn là nỗi canh cánh của các cấp, các ngành hữu quan trên “Cao nguyên trắng”.
Đối với các vườn bưởi được trồng hơn 3 năm, năng suất vụ này khoảng 3,5 - 4 tấn/công, sau khi trừ chi phí sản xuất, nhà vườn lời hơn 100 triệu đồng. Với việc bưởi đang được giá và hút hàng như hiện nay, nhà vườn trồng bưởi đang kỳ vọng vào mùa bưởi tết thắng lợi. Huyện Long Mỹ có trên 10ha trồng bưởi, tập trung nhiều ở các xã Long Bình, Long Trị, Long Trị A và Thuận Hưng.
Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, để góp phần hạn chế tình trạng tôm chết lan rộng, ngành nông nghiệp các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục hoàn thiện thêm hệ thống cấp và tiêu nước phục vụ nuôi thủy sản.
Lươn sống ở mương, lạch, nơi đầm lầy, ruộng lúa. Lươn không chỉ là món ăn đặc sản giàu dinh dưỡng mà theo các thầy thuốc đông y, còn là vị thuốc có thể chữa được bệnh suy dinh dưỡng, kiết lỵ, đau nhức xương sống, phong thấp... Vì vậy, lươn trở thành loại thực phẩm có giá trị cao.