Vì Sao Tiêm Phòng Cho Đàn Vật Nuôi Vụ Xuân Tỷ Lệ Đạt Thấp?
Năm 2012, trên địa bàn tỉnh xảy ra khá nhiều dịch bệnh trên đàn vật nuôi như tai xanh, lở mồm long móng… đã làm ảnh hưởng phần nào đến phát triển chăn nuôi của toàn tỉnh. Bước sang năm 2013, để tránh tình trạng dịch bệnh bùng phát trên diện rộng có thể nhanh chóng phát hiện, khống chế và xử lý kịp thời, Chi cục Thú y đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các Trạm Thú y hướng dẫn bà con phun khử trùng tiêu độc, tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn vật nuôi.
Trong đợt tiêm phòng vụ xuân 2013, Chi cục đã cung cấp cho các địa phương tổng cộng 1.642.000 liều vắc xin cúm gia cầm (cả 2 mũi); hơn 95.000 liều vắc xin LMLM gia súc; gần 39.000 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò; gần 3.800 liều vắc xin tụ huyết trùng lợn; 9.150 liều vắc xin tụ dấu lợn; 21.550 liều vắc xin dịch tả lợn; 37.000 liều vắc xin dại chó, mèo… và các loại vật tư khác.
Kết thúc đợt tiêm phòng thứ nhất trong năm nay tỷ lệ tiêm phòng cúm gia cầm đạt hơn 98% (chỉ tiêm ở 37 xã thuộc 10 huyện, thành phố, thị xã có nguy cơ cao) trong đó mũi 1 đạt gần 99% kế hoạch, mũi 2 đạt trên 97%; tiêm vắc xin LMLM trâu, bò, dê đạt xấp xỉ 73%; vắc xin LMLM lợn đạt trên 61%; vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò đạt gần 60%; tụ huyết trùng lợn đạt gần 79%; vắc xin dịch tả lợn đạt gần 82%; vắc xin dại chó, mèo đạt trên 46%.
Theo báo cáo của Chi cục Thú y thì một số mũi tiêm đạt tỷ lệ thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012 như LMLM trâu, bò; tụ huyết trùng lợn, dịch tả lợn. Nguyên nhân là do 6 tháng đầu năm nay, giá thực phẩm trên thị trường có nhiều biến động, ảnh hưởng đến người chăn nuôi như: Giá thức ăn tăng trong khi giá lợn hơi, giá gia cầm liên tục sụt giảm.
Có những thời điểm, giá thịt lợn hơi xuống dưới 30.000 đồng/kg; giá gà, vịt còn khoảng 40 – 50.000 đồng/kg. Trước việc giá cả sụt giảm nhiều hộ chăn nuôi đã tạm thời thu hẹp quy mô hoặc giữ nguyên không tăng đàn, cá biệt có một số hộ còn tạm dừng khiến tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh có sự sụt giảm về số lượng. Do đó, nhiều hộ chăn nuôi không muốn tiêm phòng, chỉ đợi được giá là bán. Một nguyên nhân khác khiến tổng đàn giảm là do ngày càng nhiều các loại máy móc phục vụ nông nghiệp được đưa vào sản xuất, nhu cầu về chăn nuôi trâu bò ngày càng giảm, số hộ chăn nuôi đơn lẻ phục vụ cày kéo giảm.
Còn một số nguyên nhân nữa tỷ lệ tiêm phòng thấp hơn so với cùng kỳ là do một số hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại hoặc quy mô từ vài trăm con gia cầm, vài chục con lợn trở lên đã chủ động tiêm phòng. Ngược lại, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ hoàn toàn của Nhà nước, trong khi công tác tiêm phòng hiện nay chỉ được hỗ trợ một phần tiền vắc xin.
Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác tiêm phòng; khoán việc này cho đội ngũ thú y cơ sở. Một vấn đề rất quan trọng là do phụ cấp cho đội ngũ thú y cơ sở quá thấp, nhiều thú y viên đã bỏ nghề, chuyển sang làm nghề khác, có những địa phương vài năm nay không có cán bộ thú y nên việc tiêm phòng phải nhờ sự giúp đỡ của địa phương khác dẫn đến không hoàn thành kế hoạch được giao.
Rút kinh nghiệm từ công tác tiêm phòng vụ xuân năm nay để đợt tiêm phòng vụ thu đông hoàn thành được kế hoạch đề ra, góp phần tích cực vào vấn đề chủ động phòng chống dịch bệnh, hạn chế thiệt hại cho ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Tất Thành- Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Đợt tiêm phòng vụ thu đông, Chi cục sẽ đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các xã, thị trấn cần quan tâm chỉ đạo hơn nữa đến công tác tiêm phòng; tăng cường tuyên truyền cho người chăn nuôi, đặc biệt là ở vùng cao để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc tiêm phòng và quy chế hỗ trợ của Nhà nước; vận động và có chính sách hỗ trợ thêm cho một số người có trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm trong công tác tiêm phòng tham gia vào công tác thú y tại cơ sở; thống kê sát số lượng gia súc, gia cầm trong diện bắt buộc tiêm phòng; khuyến khích người chăn nuôi chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi…
Có thể bạn quan tâm
Trước diễn biến phức tạp của tình trạng khô hạn dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới cho các vùng sản xuất, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên một số diện tích trồng lúa thiếu nước kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn, đặc biệt là cây bắp.
Sâm Ngọc Linh mọc chủ yếu trên đỉnh núi Ngọc Linh thuộc xã Trà Linh huyện Nam Trà My ở độ cao 1.200 - 2.100m. Đây là loại dược liệu cực kỳ quý hiếm nên sau 5 năm trồng và chăm sóc cho lợi nhuận hơn 30 tỷ đồng/ha. Vì thế, đây là cây thoát nghèo của người dân địa phương.
Vụ hè thu 2015, huyện Phước Sơn tổ chức sản xuất trên khoảng 40% diện tích so với tổng diện tích đông xuân 2014 - 2015. Tuy không bị áp lực cao bởi nắng hạn do vụ hè thu thường xuất hiện mưa dông, song do quản lý vận hành một số công trình thủy lợi, hồ chứa chưa tốt đã tác động không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp.
Những năm qua, bên cạnh việc các hợp tác xã (HTX) phát huy vai trò “bà đỡ” thì nông dân nhiều địa phương cũng rất năng động liên kết với doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Ngày đầu thành lập, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng sau gần 4 năm đi vào hoạt động, Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đã thực sự trở thành “phao cứu sinh: đối với ngư dân. Ngay đầu năm 2015 đã có 2 gia đình ngư dân trong tỉnh nhận được nguồn hỗ trợ lớn để hiện thực hóa ước mơ đóng tàu vỏ thép vươn khơi bám biển để làm ăn hiệu quả hơn.