Vì sao nuôi thủy sản năm 2015 vẫn tăng trưởng tốt?
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết năm 2015 diễn biến không thuận lợi, nắng nóng, mưa nhiều, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn làm ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của các đối tượng nuôi.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch chi tiết các vùng nuôi thủy sản tại một số địa phương đang trong quá trình hoàn thiện, trình UBND tỉnh Nam Định phê duyệt; hệ thống thủy lợi tại nhiều địa phương còn dùng chung sản xuất nông nghiệp và làm muối, nuôi thủy sản; kênh cấp thoát nước chưa tách biệt hoặc mới tách biệt từng phần. Do đó, điều tiết nước phục vụ cho việc nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn. Hầu như các khu nuôi tôm tập trung chưa có hệ thống kênh cấp nước ngọt nên ảnh hưởng đến việc điều chỉnh kỹ thuật khiến cho nguy cơ bùng phát bệnh cao. Ngoài ra, ý thức của người nuôi cũng còn hạn chế.
Ở nhiều hộ nuôi vẫn còn hiện tượng lạm dụng hóa chất, kháng sinh, xả nước thải bừa bãi ra môi trường mà không qua xử lý. Tuy nhiên, theo báo cáo tổng kết năm 2015 của Sở NN và PTNT, nuôi thủy sản vẫn đạt mức tăng trưởng nhanh. Toàn tỉnh đã đưa 15.933ha diện tích mặt nước vào nuôi thủy sản; trong đó, diện tích nuôi thủy sản nước mặn lợ là 6.469ha và nuôi thủy sản nước ngọt là 9.464ha.
Tổng sản lượng cả năm đạt 76.962 tấn, tăng 14,99% so với năm 2014, đạt 101,4% kế hoạch đã đề ra. Diện tích nuôi thủy sản mặn - lợ năm 2015 là 6.469ha, tăng 1,46% so với năm 2014. Sản lượng nuôi mặn - lợ năm 2015 đạt 38.912 tấn, tăng 17,24% so với năm 2014. Nuôi thủy sản nội đồng tiếp tục phát triển với tổng diện tích nuôi là 9.464ha.
Tổng sản lượng đạt 38.050 tấn, tăng 12,77% so với năm 2014. Đối với các con nuôi nước ngọt chủ lực như cá trắm đen, cá rô phi, cá lóc bông, công tác tập huấn cải tạo ao đầm, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh được các hộ thường xuyên triển khai tạo điều kiện phát triển tốt, an toàn dịch bệnh. Dịch bệnh xuất hiện rải rác như bệnh thối mang trên cá trắm đen tại hộ nuôi của ông Trần Ngọc Hiền ở xóm Kim, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc).
Tuy nhiên nhờ luôn theo dõi sát tình trạng của cá để đưa ra những phương pháp chăm sóc phù hợp nên ông đã phát hiện và điều trị kịp thời, kết quả vẫn đạt năng suất cao, thu về hơn 10 tấn cá. Ngoài ra các đối tượng như ba ba, ếch, lươn, chạch đồng… đang được người dân các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Mỹ Lộc quan tâm và đầu tư đưa vào nuôi thả nhiều. Cá diêu hồng tiếp tục là con nuôi chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao được người dân nhân rộng và phát triển. Năm 2015, diện tích nuôi cá diêu hồng là 210ha, sản lượng đạt 1.050 tấn. Tại CLB nuôi cá diêu hồng xã Hải Châu (Hải Hậu) có nhiều hộ nuôi đạt năng suất trên 10 tấn/ha.
Bên cạnh đó, nhiều vùng nuôi cá lóc bông tập trung cũng được hình thành tại các xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi, Nghĩa Bình huyện Nghĩa Hưng… Năm 2015, sản lượng cá lóc bông toàn tỉnh đạt 800 tấn, tăng 15,94% so với năm 2014. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 728ha, tăng 107ha so với năm 2014, sản lượng đạt 3.850 tấn, tăng 18,46% so với năm 2014. Diện tích nuôi ngao là 1.656ha, tăng 119ha so với năm 2014.
Để đạt được kết quả nuôi thủy sản cao như vậy trong điều kiện bất lợi về thời tiết và còn nhiều hạn chế về hạ tầng kỹ thuật không thể không kể đến sự quản lý, chỉ đạo sát sao của Sở NN và PTNT, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản về kế hoạch sản xuất, định hướng đối tượng nuôi phù hợp, chủ động kiểm soát nguồn giống nhập về tỉnh.
Ngay từ đầu vụ nuôi, Chi cục Thú y, Thanh tra Sở NN và PTNT đã chủ động phối hợp với các phòng, ban liên quan, Phòng NN và PTNT các huyện, thành phố thực hiện kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y của các trại giống, các cơ sở kinh doanh thức ăn, hóa chất, thuốc thú y, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi thủy sản; tiến hành kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống sản xuất trong tỉnh cũng như giống nhập vào tỉnh, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng.
Sở NN và PTNT đã có những chỉ đạo hướng dẫn người nuôi về khung thời vụ thả giống tốt nhất, làm tốt công tác thú y thủy sản nên dịch bệnh đã được ngăn chặn và khống chế.
Trong năm, Chi cục Thú y phối hợp với các ngành, các huyện thực hiện kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, phát hiện cơ sở không đủ điều kiện vệ sinh thú y; đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y cho 5 cơ sở. Công tác phòng trừ dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ. Chi cục Thú y luôn cử cán bộ giám sát các vùng nuôi. Mặc dù dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng, ngao… vẫn xảy ra nhưng bệnh ít xuất hiện hơn, không xảy ra trên diện rộng và không phát triển thành dịch.
Năm 2015, bằng các biện pháp đồng bộ từ công tác chỉ đạo, kỹ thuật đến giám sát chặt chẽ hoạt động các vùng nuôi nên nuôi thủy sản đã đạt được những kết quả nổi bật, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển chung của ngành Nông nghiệp tỉnh, xứng đáng với sự nỗ lực của những người nuôi thủy sản, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp quản lý. Năm 2016, toàn tỉnh phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng, sản lượng thuỷ sản nuôi đạt 80 nghìn tấn.
Có thể bạn quan tâm
Nhằm khuyến khích người nuôi tôm trong tỉnh xây dựng một mô hình nuôi tôm với mật độ cao, hạn chế dịch bệnh, nâng cao năng suất, hướng đến xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh bền vững trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu đã triển khai trình diễn “Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong nhà kính”.
Thôn Sơn Trà (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có 23 hộ dân đang nuôi 25 lồng cá bớp (mật độ khoảng 120 con/lồng), đều bị hiện tượng ghẻ, lác trên mình, vết loét xuất hiện trên thân cá, sau một thời gian bị bệnh thì cá chết.
Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, môi trường sống của các loài thuỷ sinh, các loài thuỷ sinh quý hiếm có nguy bị tuyệt chủng trên địa bàn tỉnh Cà Mau, ngày 15/12/2015, UBND tỉnh Cà Mau ban hành quy định về quản lý các hoạt động khai thác thuỷ sản trên vùng biển ven bờ. Các quy định về vùng cấm, nghề cấm khai thác, góp phần bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trong thời gian tới.