Nhiều quy định mới về khai thác thuỷ sản
Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Cà Mau Đỗ Chí Sĩ cho biết, theo Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND ngày 15/12/2015 của UBND tỉnh ban hành các quy định về quản lý các hoạt động khai thác thuỷ sản trên vùng biển tỉnh Cà Mau, đối với vùng biển ven bờ, chỉ các tàu khai thác thuỷ sản có công suất máy chính dưới 20 CV hoặc không lắp máy mới được khai thác. Đồng thời, không được thực hiện các hoạt động khai thác thuỷ sản dưới mọi hình thức trong khoảng thời gian từ ngày 1/5-1/7 hằng năm. Không được khai thác thuỷ sản bằng nghề lưới kéo, trừ nghề lưới moi ruốc ở tầng mặt nước; nghề kết hợp ánh sáng, trừ nghề rớ, câu tay mực. Đối với nghề rớ, câu tay mực kết hợp ánh sáng phải tuân thủ về độ sáng theo Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ Thuỷ sản (nay là Bộ NN&PTNT) hướng dẫn thực hiện nghị định của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thuỷ sản.
Đối với vùng lộng, chỉ các tàu có công suất từ 20-90 CV được hoạt động khai thác thuỷ sản tại vùng lộng bằng các nghề khai thác nhuyễn thể, khai thác bằng nghề lưới vây cá nổi. Ngoài ra, còn được khai thác thuỷ sản bằng nghề kết hợp ánh sáng không vượt quá quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Mục II của Thông tư 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ Thuỷ sản.
Ông Đỗ Chí Sĩ cho biết thêm, quyết định của UBND tỉnh còn quy định, không cho phát triển mới tàu khai thác thuỷ sản có công suất máy dưới 50 CV và không được phát triển mới các nghề khai thác thuỷ sản kết hợp với ánh sáng như các nghề te, trủ, xiệp, đáy, nghề khai thác banh lông và các nghề khai thác thuỷ sản sử dụng ngư lưới cụ có kích thước lưới nhỏ hơn quy định, nghiêm cấm sử dụng chất nổ, điện, công cụ kích điện, hoá chất, chất độc… để đánh bắt thuỷ sản.
Ngoài ra, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản trong phạm vi vùng biển ven bờ, vùng lộng, vùng cấm khai thác và các khu bảo tồn biển. Thành lập những mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng đối với việc quản lý vùng biển ven bờ, thả con giống về biển tái tạo nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên. Phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng, nhất là phổ biến những quy định về phân vùng khai thác, vùng và ngành nghề cấm khai thác, hoạt động đánh bắt mang tính huỷ diệt đến tận hộ ngư dân để biết và nghiêm chỉnh thực hiện; xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về thuỷ sản.
Thời gian tới, Chi cục Thuỷ sản tỉnh tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị, lực lượng có liên quan như: Cục Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Cảnh sát môi trường và các địa phương ven biển kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để kịp thời quản lý, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.
Có thể bạn quan tâm
Ngay sau Tết, Trung tâm sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm hải sản của Công ty CP Thực phẩm BIM tại thôn Đồng Bí, xã Đại Bình, Đầm Hà (Quảng Ninh) đã tập trung chuẩn bị mọi điều kiện để bước vào vụ sản xuất mới năm 2016.
Nhằm khuyến khích người nuôi tôm trong tỉnh xây dựng một mô hình nuôi tôm với mật độ cao, hạn chế dịch bệnh, nâng cao năng suất, hướng đến xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh bền vững trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu đã triển khai trình diễn “Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong nhà kính”.
Thôn Sơn Trà (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có 23 hộ dân đang nuôi 25 lồng cá bớp (mật độ khoảng 120 con/lồng), đều bị hiện tượng ghẻ, lác trên mình, vết loét xuất hiện trên thân cá, sau một thời gian bị bệnh thì cá chết.