Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Vì sao nông dân ồ ạt chặt bỏ cây ca cao?

Vì sao nông dân ồ ạt chặt bỏ cây ca cao?
Tác giả: NGÔ THANH
Ngày đăng: 21/07/2016

3 năm, diện tích ca cao giảm hơn 2500ha

Giai đoạn 2011-2013, cây ca cao - trồng xen canh với loại cây trồng khác - phát triển mạnh tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành. Đến năm 2013, tổng diện tích ca cao trên địa bàn tỉnh là 3.000ha, tăng 2.000ha so với năm 2011. Tuy nhiên, từ năm 2014, nông dân lại bắt đầu chặt bỏ ca cao. Hiện nay, diện tích ca cao của tỉnh chỉ còn khoảng 300 - 400ha.

Theo các hộ dân trồng ca cao, trong thời gian 2 năm đầu, loại cây này cho sản lượng khá, năng suất bình quân 1,6 tấn hạt/ha. Giá hạt ca cao thời điểm đó từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, nhờ đó mỗi héc-ta ca cao có thể mang đến lợi nhuận 70 triệu đồng. Tuy nhiên, sau 2 năm thu hoạch, cây ca cao chậm phát triển, vườn cây èo uột, năng suất thấp. Thậm chí, nhiều vườn ca cao bị bệnh thối trái, không thu hoạch được. Thêm vào đó, bắt đầu từ năm 2014, giá ca cao bấp bênh, có thời điểm xuống còn 35.000 đồng/kg nên nhiều hộ nông dân đã chặt bỏ, chuyển sang trồng tiêu, cà phê.

Từng có 5 năm gắn bó với cây ca cao, nhưng đầu năm 2014, ông Tăng Văn Sơn (ấp Liên Đức, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) đã chặt bỏ để trồng cà phê. Ông Sơn cho biết, những năm đầu, 1ha ca cao xen canh của gia đình thu hoạch được 4-5 tạ hạt khô. Đến cuối năm 2013, cây ca cao bắt đầu bị bệnh thối trái, không thu hoạch được. “Trong khi cà phê giá cao hơn, năng suất cao gấp 2-3 lần nên tôi chặt bỏ hết ca cao để trồng cà phê”, ông Sơn cho biết.

Tương tự, từ năm 2014, gia đình ông Nguyễn Văn Thịnh (xã Sông Xoài, huyện Tân Thành) cũng đã chặt bỏ 1,5ha cây ca cao để tập trung trồng tiêu. Ông Thịnh cho biết, vườn ca cao thu nhập không đến 30 triệu đồng nên gia đình không đủ sức duy trì.

Vì sao năng suất ca cao xuống nhanh?

Các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, nguyên nhân có phần do nông dân chỉ coi ca cao là cây trồng phụ, xen canh với các cây tiêu, điều, cà phê để tận dụng diện tích đất trống, vì thế, ít chăm sóc. Trong khi cây ca cao đòi hỏi phải chăm sóc đúng kỹ thuật và đầu tư phân bón, nước tưới đầy đủ mới cho năng suất cao.

Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đã tìm đến vườn ca cao của ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức). Ông Thành khẳng định, cây ca cao hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở các vùng Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành. “Nếu được trồng theo đúng kỹ thuật, bón phân, tưới nước hợp lý thì năng suất vẫn rất ổn định. Như vườn ca cao 1,7 ha của chúng tôi (trồng tại xã Xà Bàng, huyện Châu Đức) năm nào cũng cho năng suất hơn 2 tấn hạt khô. Năm nay, dự kiến năng suất của vườn ca cao có thể lên tới 2,5 tấn. Với giá ca cao hiện tại là 69.000 ngàn đồng/kg hạt khô, trong khi chi phí chưa đến 30 triệu đồng thì lợi nhuận mỗi năm cũng đạt hơn 120 triệu đồng”, ông Thành khẳng định.

Cũng tại xã Xà Bang, chúng tôi đã gặp ông Trần Ngọc Chính (ấp Liên Lộc) - một hộ nông dân trồng khá nhiều ca cao. Ông Chính cho biết: năm 2013, gia đình đã định chặt bỏ ca cao do năng suất thấp. Nhưng nhờ liên hệ và nhận được sự hướng dẫn của các kỹ sư nông nghiệp, ông Chính bắt đầu cải tạo lại vườn, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên vườn ca cao cho hiệu quả trở lại. Từ diện tích chưa đến 1ha, nay gia đình ông đã quyết định mở rộng vườn ca cao lên 1,5ha, mỗi năm cho thu hoạch 2 tấn, thu nhập khoảng 80-90 triệu đồng.

Liên quan đến tiềm năng phát triển của cây ca cao, ông Trịnh Văn Thành cho biết, hiện nay nhu cầu ca cao của thị trường trong nước và thế giới rất lớn. Mỗi năm nước ta vẫn phải nhập gần 10.000 tấn bột ca cao để sản xuất thực phẩm. Chưa kể, ca cao Việt Nam được xếp vào loại ca cao có chất lượng, được xếp vào nhóm nước có chất lượng sản phẩm cao như Ghana, Bờ Biển Ngà, Brazil (vượt qua Indonesia, nước có sản lượng xuất khẩu ca cao đứng thứ 3 thế giới). Ngoài ra, nhu cầu đặt mua ca cao của các thị trường lớn như Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng tăng… Do đó, nếu được quy hoạch bài bản, nông dân nắm vững kỹ thuật trồng và được bảo đảm về đầu ra thì cây ca cao vẫn rất tiềm năng.


Có thể bạn quan tâm

Huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) gần 1.500ha lúa thu đông bị nhiễm đạo ôn Huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) gần 1.500ha lúa thu đông bị nhiễm đạo ôn

Do ảnh hưởng của thời tiết, gần 1.500ha lúa thu đông ở huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đã bị nhiễm bệnh đạo ôn, trong đó nhiễm nặng 30ha.

21/07/2016
Vụ lúa phá huề! Vụ lúa phá huề!

Vụ lúa hè thu 2016 ở TP Cần Thơ có hơn 77.800ha, đạt 100% kế hoạch sản xuất, tương đương diện tích vụ hè thu năm 2015. Đến nay, phần lớn diện tích lúa đã thu hoạch xong. Năng suất ước đạt 6 tấn/ha, cao hơn mức năng suất bình quân chung lúa hè thu của các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, nông dân làm lúa phải bán giá thấp, do thị trường lúa gạo chậm tiêu thụ, tính ra chỉ "phá huề", lúa mới đổi lúa cũ!

21/07/2016
Thổn thức với cao su Thổn thức với cao su

Đầu tháng 6, giá cao su trong nước tăng nhẹ khi mùa thu hoạch mủ cao su 2016 vừa bắt đầu. Thế nhưng, nông dân chưa kịp mừng thì giá mủ lại giảm, bằng với thời điểm thu hoạch năm trước. Vậy là hàng ngàn hécta cao su ở vùng Đông Nam bộ, “thủ phủ” cao su của cả nước, tiếp tục bị người dân đốn hạ.

21/07/2016