Việt – Úc bắt tay thúc đẩy phát triển ngành mắc ca
Hiệp hội Mắc ca Việt Nam (VMA) và Hiệp hội Mắc ca Úc (AMS) vừa ký kết Thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp mắc ca của hai quốc gia Úc - Việt Nam và thế giới.
Trong ảnh: Lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội mắc ca VN và Hiệp hội mắc ca Úc tại thành phố Sunshine Coas (bang Queensland, Úc). Ảnh Phương Liên.
Lễ ký kết giữa VMA và AMS được thực hiện vào cuối tuần qua, là một hoạt động trong khuôn khổ Hội thảo Ngành Mắc ca Úc năm 2016, tổ chức từ ngày 18 đến 20.10.2016 tại thành phố Sunshine Coast bên bờ biển phía Đông Nam bang Queensland, Úc. Hội thảo này là sự kiện lớn nhất từ trước đến nay của ngành mắc ca hai nước, là nơi kết nối những người đại diện trên toàn bộ chuỗi cung ứng – những đơn vị trồng, chế biến, các nhà nghiên cứu, tiếp thị, nhà đầu tư, đại diện thương mại và các tổ chức nghề quốc tế.
Theo thỏa thuận hợp tác này, hai bên sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực từ việc lựa chọn giống, sản xuất tại vườn ươm đến quản lý trang trại, thu hoạch và các khâu xử lý sau thu hoạch. Bên cạnh đó, AMS cũng hỗ trợ VMA trong việc xây dựng các tiêu chuẩn về kỹ thuật canh tác, chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, trao đổi thông tin về thị trường, xây dựng môi trường thương mại tự do, cạnh tranh công bằng, thượng tôn pháp luật giữa hai quốc gia. Hai bên cũng sẽ triển khai các nội dung hoạt động khác có liên quan nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp mắc ca của hai nước và thế giới.
Giáo sư Hoàng Hòe, Phó Chủ tịch VMA cho biết: Trong hơn 10 năm qua, ngành mắc ca Úc đã hợp tác và giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong việc xây dựng ngành mắc ca Việt Nam ngay từ những bước đầu tiên. Với sự kiện ký kết thỏa thuận chính thức ngày hôm nay, sự hợp tác giữa hai hiệp hội sẽ đánh dấu thêm bước phát triển mới, nhằm đưa ngành mắc ca Việt Nam có vị trí xứng đáng trên bản đồ mắc ca thế giới.
Đặc biệt, mối quan hệ hợp tác với AMS sẽ giúp VMA có thêm các kinh nghiệm và bài học về ngành mắc ca, bao gồm: Khâu nghiên cứu, sản xuất giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, thương mại, cũng như tăng cường xây dựng thương hiệu mắc ca Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Với mong muốn đồng hành phát triển cây mắc ca trở thành cây công nghiệp chiến lược mới tại khu vực Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung, trong 2 năm qua, LienVietPostBank và Công ty Cổ phần Him Lam -Cổ đông sáng lập chủ chốt của ngân hàng này, đã và đang đóng vai trò doanh nghiệp đầu tàu triển khai nhiều công việc quan trọng nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu trên. Công ty Cổ phần Him Lam và LienVietPostBank đã trở thành Thành viên Hiệp hội mắc ca Úc lần lượt vào tháng 2.2015 và tháng 6.2016.
Mới đây, vào đầu tháng 10.2016, LienVietPostBank đã chính thức ra mắt sản phẩm tín dụng mắc ca thông qua 2 hội thảo “Tư vấn vay vốn và đào tạo canh tác cây mắc ca” tại xã Tân Hà và xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham gia của hàng trăm hộ nông dân đã, đang và có ý định trồng mắc ca tại Lâm Đồng. Được biết, tong thời gian tới, LienVietPostBank và VMA sẽ triển khai hội thảo này tại nhiều địa phương khác trên cả nước.
Có thể bạn quan tâm
Từ sau đổi mới, khối lượng xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam tăng liên tục, đến năm 2012 đạt gần 8 triệu tấn. Tuy nhiên, từ đó đến nay xu hướng XK giảm giá trị
Ông Nguyễn Bá Đào đang nuôi đàn hươu, nai lấy nhung lên đến gần 20 con. Nhung nai bán ra thị trường với giá khoảng 1 triệu đồng/lạng
Nhiều người trẻ đã quay trở lại với nông nghiệp theo hướng hữu cơ.Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, an toàn với con người và môi trường.