Vì sao cá sủ vàng Việt Nam có giá 1 tỷ/con
Trước thông tin ngư dân Ngô Văn Đấu (51 tuổi), phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, Bình Định trong lúc đánh bắt ngoài vùng biển thuộc tỉnh Phú Yên đã bắt được một con cá lạ, nghi là loài cá sủ vàng đặc biệt quý hiếm có giá trị lên đến hàng tỷ đồng đang được dư luận chú ý.
PV đã có cuộc trao đổi nhanh với GS. TS. Mai Đình Yên, Hội Sinh thái học Việt Nam để lý giải vì sao loài cá này lại được rao bán với mức giá “đắt hơn vàng” như vậy.
Cá lạ nghi cá Sủ vàng được ngư dân Bình Định đánh bắt ở vùng biển Phú Yên.
GS. TS. Mai Đình Yên cho biết, cá sủ vàng có bong bóng rất đặt biệt, được các nước phát triển sử dụng trong y học như một công cụ rất hữu hiệu. Cụ thể, bong bóng cá sủ vàng chính là nguyên liệu hữu cơ để sản xuất ra một loại chỉ tự tiêu có khả năng tự hủy sau khi phẫu thuật cho bệnh nhân, không gây tổn thương đối với mô, giảm thiểu nguy cơ viêm nhiễm.
“Cá sủ vàng được xếp vào loại cá vô cùng đắt đỏ vì những tính năng đặc biệt từ bong bóng cá như vậy. Thịt cá sủ vàng ăn tươi cũng có mùi vị thơm ngon, bóng cá nếu phơi khô là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao”, GS. TS. Mai Đình Yên nhấn mạnh.
Cũng theo GS Yên, thực tế loài cá sủ vàng được phân bố khá rộng trong khu vực cửa sông ở một số vùng trên lãnh thổ Việt Nam như vùng cửa sông châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long. Các nước khác cũng xuất hiện loài cá này là Trung Quốc, Ấn Độ …
Tuy nhiên, loài cá này rất hiếm gặp và có giá trị đặc biệt về mặt y học nên có giá thành rất cao. Loài cá này sinh sống ở biển nhưng có tập tính đến mùa đẻ sẽ vào các vùng cửa sông nước lợ cặp đôi và đẻ. Cá con ngược lên vùng nước ngọt sâu trong đất liền sống và sau khoảng 1 - 2 năm sẽ dần tìm ra biển.
Theo GS. TS. Mai Đình Yên, loài cá sủ vàng có tên khoa học là Otolithoides biauritus, còn được gọi là cá sủ vây vàng, cá sủ vàng kép hoặc cá thủ. Đây là loại cá lớn nhất trong họ cá Đù thuộc bộ cá Vược, kích thước có thể đạt đến 160cm, nặng trên 120 kg.
Cá sủ là loài cá lớn, mõm nhọn, miệng rộng, hàm dưới kéo dài đến phía dưới sau hốc mắt, răng khoẻ, vây lưng dài.
Cá có màu trắng bạc và trắng phớt hồng, phần đầu và lưng có màu xanh xám hoặc xám sáng tuỳ vào môi trường sinh thái nơi cá sống, miệng cá màu vàng nghệ đặc trưng.
Hiện nay, vì nhiều lý do khác nhau mà loài cá này không còn sản lượng khai thác và gần như tuyệt chủng nên thuộc loại quý hiếm.
GS. TS. Mai Đình Yên, Hội Sinh thái học Việt Nam.
Trước đó, vào khoảng 21h đêm 28.9, trong lúc thả lưới tại vùng biển thuộc huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, ông Đấu đã cùng người nhà tình cờ bắt được cá lạ. Nghĩ rằng đây là loại cá Sủ bình thường nên ông Đấu tiếp tục đánh bắt đến sáng hôm sau mới quay về nhà thì thấy cá có nhiều điểm đặc biệt.
Theo ghi nhận, con cá có hình dạng giống như cá sủ biển, nặng 9,7 kg, dài khoảng 0,9 m, toàn thân cá có màu vàng, đặc biệt vây cá có màu vàng óng ánh rất đẹp. Nhiều ngư dân có thâm niên đánh bắt hải sản hàng chục năm ở địa phương cho biết trong cuộc đời đánh bắt họ chưa bao giờ thấy con cá có hình dạng như vậy.
Khi so sánh với những mô tả trên mạng internet, một số người cho rằng con cá trên rất có thể là cá sủ vàng đặc biệt quý hiếm, được thương lái Trung Quốc thu mua với giá rất cao, khoảng 1 tỷ đồng/con, dùng để làm chỉ khâu vi phẫu thuật.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 7/8, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Tiền Giang tổ chức thả 80 ngàn con cá sặc rằn, 20 ngàn con cá rô và mè vinh trên diện tích 1 ha thuộc 7 hộ dân ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Trung. Đây là mô hình nuôi luân canh cá - lúa, đối tượng sặc rằn là chính được đưa vào nuôi thí điểm ở huyện Cái Bè.
Ngày 03/4/2013, tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh, Bộ trưởng Bộ Công Thương-Vũ Huy Hoàng đề nghị lãnh đạo tỉnh Long An tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn cho người trồng thanh long sử dụng bóng đèn Compact chống ẩm trên cây thanh long nhằm ứng phó với tình hình thiếu điện trầm trọng hiện nay.
Chỉ chọn nuôi ong ta, lấy chất lượng mật ong làm trọng và chủ động trong việc xây dựng và hình thành thương hiệu của riêng hội mình, “Hiệp hội nuôi ong ta” của các CCB xã Thái Hòa (Hàm Yên) khiến cho nhiều người trẻ giật mình trong cách làm ăn..
Trong khi các trang trại nuôi lợn nhà xuất hiện như "nấm mọc sau mưa" ở cả miền ngược lẫn miền xuôi thì tại thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), một số hộ dân lại đầu tư hàng trăm triệu đồng để nuôi lợn rừng. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Đến xã Triệu Đông (Triệu Phong, Quảng Trị), hỏi anh Nguyễn Thọ Biền thì ai cũng biết, vậy nhưng gặp được anh lại không dễ, bởi anh luôn bận rộn với trang trại nuôi hơn 1.400 con vịt của mình. Đứng trước khu chuồng trại với hàng nghìn con vịt đẻ và 2 lò ấp trứng quy mô, anh Biền cho chúng tôi biết, cách đây gần chục năm, khi chưa có điều kiện chăn nuôi rộng rãi như hiện nay, gia đình anh đã tận dụng vườn ao của nhà để nuôi vịt đẻ. Nhận thấy việc chăn nuôi thuận lợi, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình anh đã mạnh dạn đề xuất với địa phương cho chuyển đổi đất trồng lúa kém năng suất sang mô hình trang trại để đầu tư nuôi vịt đẻ với số lượng lớn.