Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Về đâu hành tím Vĩnh Châu?

Về đâu hành tím Vĩnh Châu?
Ngày đăng: 19/05/2015

“Nước mắt” hành tím

Khi gần 80% diện tích hành tím được thu hoạch với sản lượng ước khoảng 80.000 tấn, cũng là lúc doanh nghiệp xuất khẩu hành bặt tăm khiến giá hành từ mức trên 10.000 đồng/kg rớt xuống chỉ còn 2.000 – 3.000 đồng/kg, nhưng cũng rất khó bán. Cũng có một số ít thương lái đến thu mua để bán hàng chợ nhưng số lượng không đáng kể.

Lật từng lớp rơm phủ trên ruộng hành đã thu hoạch hơn 1,5 tháng, ông Thạch Kim Thol, khóm 5, phường 1, thị xã Vĩnh Châu, nói với giọng rầu rĩ: “Tôi thu hoạch hành xong, chạy tìm gần 10 lái mua, nhưng họ đều từ chối, với lý do “Giá tôi đưa ra chắc anh không đồng ý bán đâu”. Mà đúng như vậy, mức giá họ mua bèo lắm chỉ 4.000 đồng/kg, làm sao bán cho được. Với lại vụ này hành năng suất chỉ khoảng 2 tấn/công, còn chi phí từ 10 - 12 triệu/công, nếu bán coi như cầm chắc lỗ 2 - 4 triệu đồng/công”.

Cách đám hành nhà ông Thol không xa, cả gia đình ông Tăng Thi chuyển hành từ ruộng đang thu hoạch về phía sau nhà bảo quản. Đổ vội mớ hành trên gánh xuống nền đất đầy cát, ông Thi bộc bạch: “Hành vụ này xem như mất trắng rồi, giá rẻ bèo, lái không thèm ngó, cộng năng suất thấp nữa. Khổ rồi, gia đình chỉ có 3 công hành là nguồn thu nhập chính nuôi mấy miệng ăn, ấy vậy mà 3 năm liên tiếp đều thua lỗ nặng. Bây giờ không biết phải trồng cây gì để kiếm sống nữa đây, vì ngó tới ngó lui cây nào cũng bấp bênh hết”.

Ông Lai Kiến Tuyền, ở khóm 6, phường 1, thị xã Vĩnh Châu, buồn buồn kể: “Tôi trồng được 5,5 công hành, hơn tháng trước, tôi thu hoạch 3,5 công, năng suất 3,1 - 3,2 tấn/công bán được giá 8.000 đồng/kg nhưng chi phí năm nay cao nên cũng không có lời bao nhiêu. Còn lại 2 công hành thu hoạch sau, củ hành nhỏ hơn chút đỉnh, thương lái trả giá chỉ 5.000 đồng/kg tôi quyết định không bán, đem hết 6 tấn hành về nhà dùng rơm ủ hành chờ giá tốt hơn, nhưng cũng tới nay chỉ thấy giá giảm thêm chứ không hề tăng lên”.

Những ngày qua, nhờ chính sách hỗ trợ của các ngành, các cấp trong và ngoài địa phương, nên việc tiêu thụ hành tím được cải thiện, giá thị trường cũng được kéo lên mức 7.000 – 12.000 đồng/kg và lượng hành tồn kho trong dân bắt đầu giảm mạnh. Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, lượng hành tím tồn trong dân hiện khoảng 35.000 – 40.000 tấn, nhưng theo Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Châu - Phan Thanh Hiếu, con số này hiện chỉ khoảng 15.000 – 20.000 tấn trở lại. Ông Phan Thanh Hiếu phân tích: “Trong số 35.000 – 40.000 tấn hành tồn đọng ở Vĩnh Châu hiện tại có khoảng 10.000 – 15.000 tấn được nông dân để lại để trồng hành giống khoảng 7.000 – 10.000 tấn được các hộ kinh doanh hoặc nông dân có khả năng tài chính trữ lại chờ giá. Như vậy, lượng hành tím tồn trong dân ở dạng hàng hóa hiện chỉ còn khoảng 15.000 – 20.000 tấn trở lại”.

Hành rẻ do đâu?

Ông Trịnh Đức Vinh, Giám đốc DNTN Đức Vinh, cho biết: Sau nhiều ngày vất vả đàm phán với các nhà nhập khẩu và ngành chức năng Indonesia, cuối cùng ông buộc phải trở về nước, chấp nhận một mùa hành “trắng tay” vì không ký kết được một hợp đồng nào, cho dù là nhỏ nhất. “Năm nay hành Indonesia không trúng mùa, nhưng do chính sách bảo hộ của chính phủ họ, nên không chỉ có hành của Việt Nam, mà cả Thái Lan, Philippines… đều không được cấp quota vào thị trường này” - ông Vinh chia sẻ.

Đây có lẽ là thông tin đáng thất vọng nhất đối với người trồng hành tím ở Vĩnh Châu vì nó gần như “bịt kín” lối ra cho sản phẩm của họ trong vụ này. Sở dĩ chúng tôi nói “bịt kín” là vì hành tím của Vĩnh Châu hầu như chỉ được tiêu thụ ở thị trường Indonesia, chỉ một lượng nhỏ được tiêu thụ nội địa. Một khi thị trường xuất khẩu bế tắc, sản lượng hành tồn kho lớn, giá hành nội địa cũng sẽ xuống đáy. Tôi cố hỏi ông Vinh xem liệu có cách nào “lách qua cửa hẹp” được hay không thì được anh ngao ngán, trả lời: “Một khi chính phủ của họ quyết tâm bảo hộ sản phẩm trong nước thì những doanh nghiệp như chúng tôi cũng đành “bó tay””.

Hiện tại vốn đã khó, còn tương lai, cũng cho thấy không có đường đi cho hành tím. Bởi, như lời ông Ngô Minh Trạng, Giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng: “Tới đây, hành tím Vĩnh Châu nhiều khả năng sẽ không còn xuất khẩu được nữa do nước nhập khẩu chính là Indonesia đã sản xuất được hành tím gần như quanh năm. Vì vậy, việc quy hoạch lại diện tích sản xuất là cần thiết, nhằm cân đối cung - cầu trong nước và đặc biệt cần có giải pháp kỹ thuật để kéo dài thêm thời gian bảo quản”.

Lối rẽ nào cho người trồng hành

Trong khi tương lai xuất khẩu của hành tím Vĩnh Châu không mấy sáng sủa thì việc đa dạng hóa sản phẩm và thị trường tiêu thụ vẫn chưa cho thấy sự khả quan nào. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng Vũ Thị Hiếu Đông, cho biết: “Thực tế cho thấy, ngay cả hành tím sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cũng khó tiêu thụ, nên sự bế tắc ở vụ hành tím năm nay chủ yếu nằm ở thị trường xuất khẩu. Vấn đề tạo ra sản phẩm hành tím có giá trị gia tăng cao là cần thiết, nhưng việc thực hiện là không dễ vì ngay cả những đơn vị khoa học đầu ngành cũng chưa có nhiều công trình nghiên cứu cho sản phẩm này”.

Con số chưa đầy 7.000ha và sản lượng 100.000 tấn hành thoạt nhìn có vẻ không lớn, nhưng chỉ cần lấy mức giá thành bình quân 10.000 đồng/kg sẽ thấy giá trị của cây hành ở Vĩnh Châu không hề thua kém giá trị sản lượng lúa của một huyện có diện tích lớn nhất trong tỉnh.

Thế nhưng, chuyện tiêu thụ hành hàng năm hầu hết chỉ là “thuận mua, vừa bán”, chứ gần như không hề có hợp đồng tiêu thụ. Phải nói thật lòng rằng, hàng năm, không chỉ có nông dân, mà cả doanh nghiệp và ngành chức năng hầu như không hề biết nhu cầu thị trường hành tím là bao nhiêu, tiêu chuẩn chất lượng như thế nào, sản lượng hành các nước trong khu vực nhiều hay ít…? Cũng có một đôi lần, tỉnh Sóc Trăng tổ chức đoàn xúc tiến thương mại sang Indonesia, nhưng xem ra kết quả mang lại không như mong đợi.

Việc giảm diện tích để giảm sản lượng nhằm cân đối cung cầu là không khó, nhưng vấn đề là ở quy trình, kỹ thuật canh tác như thế nào để vừa đạt năng suất, chất lượng, vừa kéo dài thời gian bảo quản. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Vân, giải thích: “Chất lượng hành tím giảm, chủ yếu là do nông dân lúc nào cũng muốn đạt năng suất, nên sử dụng nhiều phân bón hóa học, nhất là phân đạm, nên làm cho thời gian bảo quản không được lâu và tăng chi phí sản xuất. Vì vậy, tới đây, ngành nông nghiệp sẽ tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật trong canh tác hành tím, để giúp đạt năng suất và kéo dài được thời gian bảo quản”.

Như vậy, cho đến thời điểm hiện nay, người trồng hành tím ở Vĩnh Châu gần như không có nhiều chọn lựa, nếu muốn có thu nhập ổn định ngay trên đồng đất của mình. Việc “đi” hay “ở” với cây hành tím và “đi” ra sao, “ở” cách nào cũng chính là đoạn kết của loại cây trồng đặc sản xứ biển này.


Có thể bạn quan tâm

Hàng Chục Ngàn Tấn Sò Lông Đến Kỳ Thu Hoạch Nhưng Chưa Được Khai Thác Ở Kiên Giang Hàng Chục Ngàn Tấn Sò Lông Đến Kỳ Thu Hoạch Nhưng Chưa Được Khai Thác Ở Kiên Giang

Hiện nay, tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, khoảng 15.000 tấn sò lông đến kỳ thu hoạch nhưng chưa được khai thác, còn nằm dưới bãi nuôi vì không có thương lái mua, khiến nhiều hộ dân nuôi sò gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho loài thủy sản hai mảnh vỏ này.

23/04/2013
Gà Ta Gò Công Được Bao Tiêu Với Giá Cao Gà Ta Gò Công Được Bao Tiêu Với Giá Cao

Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi – Thủy sản Gò Công (Thị xã Gò Công, Tiền Giang) đã được Công ty TNHH San Hà (Tp. Hồ Chí Minh) ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm gà ta “Gò Công” chăn nuôi theo quy trình an toàn với giá 60.000 đồng/kg đối với gà trống và 75.000 đồng/kg đối với gà mái. Với mức giá trên, hộ xã viên nuôi 1.000 con gà ta Gò Công sẽ thu lãi 30 triệu đồng sau chu kỳ 3 tháng nuôi.

05/08/2013
Hiệu Quả Từ Chuyển Dịch Cơ Cấu Cây Trồng Ở Chư Pah (Gia Lai) Hiệu Quả Từ Chuyển Dịch Cơ Cấu Cây Trồng Ở Chư Pah (Gia Lai)

Tác động của thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm gần 190 ha cây trồng vụ Đông Xuân 2012-2013 trên địa bàn huyện Chư Pah (Gia Lai) bị hạn; trong đó 30 ha bị mất trắng, số còn lại đang dần phục hồi. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah - ông Phạm Minh Châu, diện tích cây trồng bị hạn vụ sản xuất năm nay giảm nhiều so với năm 2010 trở về trước.

23/04/2013
Triển Vọng Nghề Nuôi Dế Ở Thái Bảo Triển Vọng Nghề Nuôi Dế Ở Thái Bảo

Khi áp lực về việc làm tăng cao, cùng với các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh khó kiểm soát, các hộ dân của xã Thái Bảo, huyện Gia Bình đã đưa con dế vào nuôi thử nghiệm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh tế của nông dân.

18/06/2013
Gần 800 Hécta Bắp Không Hạt Gần 800 Hécta Bắp Không Hạt

Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai cho biết, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Đồng Nai đã phát hiện ra gần 800 héc ta bắp không hạt, tập trung chủ yếu ở các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Long Thành và TX. Long Khánh với mức độ thiệt hại từ 30 - 60%.

05/08/2013