Lão nông cho sinh sản nhân tạo thành công nhiều loại thủy sản quý
Chỉ với sự tự học, không có bất kỳ trợ giúp chuyên môn nào nhưng ông Nguyễn Văn Thuần ở thôn Lai Phương (xã Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) đã nghiên cứu, cho sinh sản nhân tạo thành công nhiều giống thủy sản quý.
Ông Thuần giới thiệu một con cá chuối hoa đang độ sinh sản
Gian khổ nhân giống cá chuối hoa
Sinh ra trong gia đình bao đời làm nông, gắn bó với ruộng đồng, ông Thuần đặc biệt say mê loài cá chuối hoa. Đây là giống cá quý hiếm bản địa của miền Bắc nước ta, có sức sống mạnh mẽ và thịt rất ngon, bổ dưỡng.
Nhưng do môi trường sống thay đổi, việc xây nhiều công trình thủy lợi, sản xuất nông nghiệp với nhiều chất hóa học, việc đánh bắt quá mức… khiến loài cá này đang có nguy cơ tuyệt chủng, nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Cùng họ cá quả, ở miền Nam có các loại cá lóc, ở miền Bắc chỉ có 2 loại là cá sộp và chuối hoa. Cá sộp thì thịt nhạt, giá trị kinh tế không cao. Theo ông Thuần, trên thị trường bây giờ, chủ yếu là cá chuối Trung Quốc và cá chuối miền Nam (cá lóc đầu nhím).
Tiếc giống cá quý, ông tìm kiếm thu mua cá chuối hoa về nuôi giữ ở ao nhà mình. Cứ nghe nói ở đâu có người bắt được cá chuối hoa là ông tìm đến, hỏi mua, trả giá cao. Sau mấy năm, ông gom được hơn 300 con cá chuối hoa, dự định nuôi vỗ để nhân giống.
Ông Thuần cho biết: “Là cá hoang dã, cá chuối hoa là một trong những loài khó nhân giống nhất trong các loài cá nước ngọt. Mới đầu, tôi thả tập trung cá trong ao, chúng không đẻ. Với kinh nghiệm nhiều năm nhân giống các loài cá nước ngọt như trắm đen, rô phi, chim trắng…, tôi áp dụng kỹ thuật đó cho cá chuối hoa đều thất bại. Thế là tôi quyết tâm đi tham quan, học hỏi những nơi có nuôi cá lóc bông - một loại cá quả miền Nam gần giống với cá chuối hoa miền Bắc”.
Trang trại của gia đình ông Thuần
Ông vào Thanh Hóa, Đồng Tháp, Cà Mau, học tập nhiều lần trong nhiều tháng trời nhưng trở về, áp dụng kỹ thuật của họ không thành công. Lần thì cá không chịu đẻ, lần thì đẻ rất ít. Không chịu đầu hàng, ông bỏ công tìm hiểu kỹ hơn nữa về loài cá chuối hoa Bắc bộ qua nhiều nguồn thông tin khác nhau như sách báo, mạng internet, kỹ sư khuyến nông, các cụ cao niên ở địa phương… Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng ông cũng đã chinh phục được loài cá này, tìm ra bí quyết kích thích cá đẻ theo ý muốn. Bây giờ ông muốn cho cá đẻ lúc nào cũng được.
Ông Thuần khẳng định, ông là người đầu tiên và duy nhất ở miền Bắc cho sinh sản nhân tạo thành công giống cá chuối hoa. Hiện ông có 5 tạ cá bố mẹ, “đẻ mãi không hết”. Mỗi năm cá đẻ 2 đợt vào tháng 4, 5 và tháng 8, 9 âm lịch. Ông chọn cá bố mẹ tương xứng, cá đực khoảng 2kg, cá cái 1,5 - 1,7kg, ghép đôi chúng trong một tráng. Ghép đôi xong thì thả về môi trường tự nhiên. Sau 3 ngày, con cái sẽ đẻ số lượng 7 - 10 nghìn con, tỷ lệ sống đạt 80 - 90%.
Cá chuối hoa 21 ngày tuổi sẵn sàng được xuất bán
Trong khi đó, cá trong tự nhiên chỉ đẻ chừng vài trăm con/lứa. Cá được ương trong vòng 20 ngày thì có thể xuất bán, giá từ 2 - 4 nghìn đồng/con.
“Ông đỡ” mát tay
Ngoài cá chuối hoa, trong trang trại rộng gần 2ha, ông Thuần còn cho sinh sản nhân tạo cá rô đồng, ếch, ba ba.
Cá rô đồng ông cũng mua gom, nhặt nhạnh mỗi nơi một vài con, đem về nuôi vỗ trong ao làm cá bố mẹ. Theo ông, cá rô đồng cho đẻ rất dễ, chỉ có điểm khó là làm sao để chúng đẻ đồng loạt. Cách xử lý của ông là cho cá ăn đầy đủ, khi các con cái có hàm lượng trứng như nhau thì kích dục cùng lúc, chúng sẽ đẻ tập trung vào cùng một thời điểm. Cá rô cái 1 năm tuổi bắt đầu đẻ được. Ông Thuần chỉ cho cá đẻ 2 năm là thay mẹ, vì theo ông, “cá già đẻ kém, không bằng cá non”. Mùa cá đẻ từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Đến nay, ông Thuần đã có 6 năm nhân giống loài cá này. Mỗi năm, ông xuất bán 2 triệu con cá rô đồng giống, với giá 600 nghìn đồng/vạn cá hương 20 ngày tuổi.
Mùa cá rô đồng đẻ cũng trùng với mùa ếch đẻ. Cứ bắt đầu từ tháng 3 âm lịch là ông Thuần lại tất bật với đàn cá, ếch. Ông chia sẻ kinh nghiệm: “Nếu không dùng biện pháp kích dục thì chỉ cần để khô ếch khoảng 1 tuần, cho con đực và cái vào bể, mỗi bể 10 cặp, rồi bơm nước mới vào, chúng sẽ tự bắt cặp với nhau để đẻ. Hôm sau, bắt ếch bố mẹ ra, nuôi nòng nọc trong 2 - 3 ngày, thay nước và cho ăn mỗi ngày một lần. Đến khi rụng đuôi, ếch con được 7 - 10 ngày là bán được, giá 1.000 - 1.200 đồng/con”. Mỗi năm, trang trại ông Thuần cung cấp khoảng 30 vạn ếch giống, 3 tấn ếch thịt.
Ao nuôi ếch thịt
Trang trại còn nuôi số lượng lớn ba ba lai Việt - Thái và ba ba gai. Hai giống này dễ nuôi, nhanh lớn. Với ba ba gai, ông nhập giống từ Yên Bái, Sơn La, về nuôi gột lên, một phần bán con giống, một phần dành nuôi thịt. Ông không nhân giống được loài ba ba này vì theo ông, khí hậu, nguồn nước ở khu vực này không phù hợp cho ba ba gai sinh sản. Còn đối với ba ba lai Việt - Thái, ông cũng làm chủ được kỹ thuật sinh sản nhân tạo. Hằng năm, gia đình ông bán hàng vạn con ba ba giống và khoảng 500 con ba ba thịt.
Ông Thuần say mê với việc nhân giống các loài vật nuôi này đến mức nhiều bữa quên cả ăn. Con giống từ trang trại của ông có chất lượng tốt, uy tín ngày càng lan xa. Nhiều khách ở các tỉnh khác như Thanh Hóa, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Giang… thường xuyên mua giống của trang trại. Chủ nhân thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm từ trang trại, tạo việc làm thường xuyên cho 2 - 3 lao động địa phương.
Ông Dương Thanh Đẹp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Thanh cho biết: Ông Thuần đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất chiêm trũng một vụ lúa sang nuôi trồng thủy sản, tự học hỏi mà nhân giống được nhiều loài đặc sản. Nhờ thế, phát triển kinh tế gia đình đồng thời cung cấp được các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao cho bà con địa phương cũng như nhiều nơi khác.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình do nhóm kỹ sư Trường ĐH Nha Trang khởi xướng trước thực trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan hiện nay.Nhóm đã thành lập Cty TNHH Sala Việt Nam để điều hành
Nghề chăn nuôi thú rừng ở xã Tam Lãnh (Phú Ninh) đến nay đã phát triển khá mạnh, quy mô về con giống. Mô hình nuôi kết hợp giữa chồn hương và chim công hiệu quả
Sau nhiều lần thất bại tưởng không thể vực dậy, sau 9 năm, anh Hoàng Quang Đông (Hưng Yên) kiếm được 3 tỷ mỗi năm nhờ nông sản quê hương.