Vào tổ hợp tác để trồng rau an toàn
Vận động nông dân sản xuất an toàn
Năm 2013, nhận thấy bà con sản xuất rau màu còn nhỏ lẻ, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế thấp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường do sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chưa đúng, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư kết hợp Hội ND tỉnh đã hướng dẫn Hội ND cấp cơ sở vận động ND tham gia tổ hợp tác trồng rau an toàn. Tổ hợp tác trồng rau an toàn ấp Đại Ân (xã Đại Tâm) được thành lập từ đó với 16 thành viên.
Ông Chung Kim Hoàng- Tổ trưởng tổ hợp tác đang chăm sóc ruộng cải bắp của gia đình. Ảnh: Chúc Ly
Ông Chung Kim Hoàng – Tổ trưởng tổ hợp tác rau an toàn ấp Đại Ân cho biết: “Khi tham gia vào tổ hợp tác, các thành viên được Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn, trong quá trình sản xuất được sự hỗ trợ của các cán bộ kỹ thuật và Hội ND…”.
Cũng theo ông Hoàng, thời gian đầu, các thành viên tổ hợp tác cũng như nhiều bà con khác rất e dè do thói quen canh tác truyền thống đã hình thành từ lâu. Hội ND đã cử cán bộ xuống từng hộ, phân tích cho bà con biết sản xuất rau sử dụng phân bón, thuốc BVTV bừa bãi sẽ dẫn đến hậu quả lớn, ảnh hưởng môi trường sống, sức khỏe của người tiêu dùng và cả người sản xuất. Từ đó, nhiều hộ bắt đầu tham gia vào tổ, tham dự các lớp tập huấn do các ngành chức năng tổ chức.
Hiệu quả thấy rõ
"Ngoài những hộ đã được bao tiêu sản phẩm từ các công ty, bắt buộc tuân thủ quy trình sản xuất thì các hộ còn lại đều tự nguyện tuân thủ các kỹ thuật trồng rau an toàn, bảo vệ môi trường…”. |
Ngoài vai trò là tổ trưởng tổ hợp tác, ông Hoàng cũng là 1 nông dân có thâm niên mấy chục năm theo nghề trồng rau màu.
Ông bộc bạch: “Từ khi tham gia vào tổ hợp tác, đa số các thành viên đều nhận thấy hiệu quả thiết thực mà mô hình mang lại. Trước tiên là giảm được chi phí sản xuất do giảm lượng phân và không sử dụng thuốc BVTV hóa học. Trước kia, trung bình 1.000m2 cải bông tốn 1,4 triệu đồng tiền phân, thuốc BVTV, nhưng khi sản xuất theo hướng an toàn thì chỉ mất khoảng 800.000 đồng”.
Là 1 trong những hộ tích cực ủng hộ mô hình tổ hợp tác trồng rau an toàn, ông Trần Cường cho biết: “Hiện tôi đang sản xuất theo đặt hàng của một đơn vị bao tiêu đầu ra, mỗi tuần xuất ra khoảng 800kg -1 tấn ngò rí (rau mùi). Tôi đã có hợp đồng mua bán như vậy 3 năm nay rồi, cảm thấy rất an tâm vì không lo lắng vấn đề đầu ra.
Với giá bao tiêu 15.000 đồng/kg, nếu giá thị trường có lên họ sẽ lên giá còn nếu xuống thấp thì vẫn giữ nguyên giá trong hợp đồng. Ngoài ra, đơn vị này còn cung cấp hạt giống, cho thành viên ứng trước tiền vốn với mức 2 triệu đồng/công nếu mình có nhu cầu”.
Gia đình ông Cường có 3.000m2 trồng rau an toàn, chủ yếu trồng ngò rí. Mỗi vụ ngò rí khoảng 60 ngày, trung bình 1.000m2 có thể thu được khoảng 1 tấn ngò rí, chi phí sản xuất chiếm khoảng 30% doanh thu, mỗi tấn ngò rí có thể lãi hơn 10 triệu đồng.
Theo ông Trần Bảo Lương-Phó Chủ tịch Hội ND xã Đại Tâm, với thành công của tổ hợp tác trồng rau màu an toàn ấp Đại Ân, sắp tới, Hội ND xã sẽ hỗ trợ, hướng dẫn thêm nhiều hộ tham gia, hướng tới mở rộng mô hình thành hợp tác xã...
Có thể bạn quan tâm
Bà Nguyễn Thị Kiều – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ đánh giá QĐ 580 là một chính sách hay nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, phù hợp với chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp.
Sau khi có dự án xóa bỏ cây thuốc phiện, đồng bào vùng rẻo cao thuộc xã Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An) đã chuyển sang trồng đào và mận tam hoa từ chục năm nay. Cây đào là nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ gia đình nơi đây, nhưng năm nay do nở sớm nên bà con có nguy cơ bị mất trắng vụ đào này.
Ông Huỳnh Thành Vinh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai cho biết như vậy khi trao đổi với NTNN về kêu gọi hợp tác với Nhật Bản phát triển lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn.