Vào Nghề Nuôi Cá Chẽm
Nông dân 2 xã An Nhơn và Triệu Hải của huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) đang tiếp cận nghề nuôi cá chẽm với những thành công bước đầu. Đây là giống cá nuôi sống được trong cả 3 môi trường nước mặn, nước lợ và nước ngọt, mang lại những lợi nhuận ổn định cho kinh tế hộ gia đình.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng: Lâm Đồng với điều kiện môi trường sinh thái trong lành, nguồn nước dồi dào, khá thích hợp với nghề nuôi cá nước ngọt. Các loài cá quen thuộc như chép, mè, trắm, rô phi… đã và đang được các cơ quan chuyên ngành nông nghiệp trong tỉnh thường xuyên tổ chức chuyển giao kỹ thuật mới cho người nuôi để tăng năng suất và chất lượng thu hoạch cá thịt.
Nhằm mục tiêu góp phần đa dạng hóa các sản phẩm cá nước ngọt trên địa bàn, vào tháng 5/2013, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã chọn 2 hộ nông dân ở huyện Đạ Tẻh là hộ ông Bùi Tấn An (xã An Nhơn) và hộ ông Lê Hồng Lam (xã Triệu Hải) cùng vào nghề nuôi cá chẽm thử nghiệm, mỗi hộ giành riêng 500m2 diện tích mặt nước để nuôi.
Đầu tháng 7/2013, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng giao giống cá chẽm cùng các loại vật tư, thức ăn, thuốc phòng bệnh để nuôi, mỗi hộ mô hình nuôi 1.000 con, kích thước từ 8 - 10cm/con. Trước ngày chính thức thả nuôi, 2 hộ mô hình được cán bộ kỹ thuật của tỉnh, của huyện và khuyến nông viên địa phương hướng dẫn cải tạo ao nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, đồng thời chuẩn bị sẵn các nguồn nước đạt an toàn để dẫn vào ao nuôi. Đặc biệt đây là giống cá chẽm sản xuất trong môi trường nước lợ, nên trong vòng 10 ngày, các cán bộ kỹ thuật phải thuần hóa cho thích nghi môi trường nước ngọt mới đồng loạt “cho” xuống ao nuôi.
Trong khi mọi yêu cầu kỹ thuật thả nuôi 2 mô hình cá chẽm đều đạt thì vài ngày sau đó, một cơn mưa lớn bất ngờ trút xuống kéo dài đến ngày hôm sau, hậu quả lượng cá giống khoảng 20% bị “chết trôi” tại chỗ; ngày hôm sau nữa thêm 10% bị chết do các loại dịch bệnh phát sinh. “Lúc đó, mọi công đoạn của quy trình phục hồi ao nuôi phải cẩn thận tiến hành lại từ đầu. Cũng may là vẫn còn trong thời gian “bảo hành” nên phía sản xuất, cung ứng từ Sài Gòn đã bù lại hoàn toàn số cá giống đã chết…” - kỹ sư Nguyễn Văn Thành (Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng), người trực tiếp tổ chức triển khai mô hình đã kể lại.
Cũng theo kỹ sư Thành, hàng tuần, hàng tháng sau khi thả nuôi cá chẽm bổ sung lần 2, những cán bộ kỹ thuật chịu trách nhiệm thực hành mô hình đã bám sát cùng với 2 hộ nuôi để “đo đếm” các chỉ tiêu môi trường, các khả năng thích nghi nước ngọt và tiến độ tăng trọng của cá, từ đó áp dụng các chế độ quản lý, chăm sóc phù hợp nhất.
Cụ thể, 2 căn bệnh mắc phải của cá chẽm trong quá trình sinh trưởng là nhiễm nấm ở phần thân và nhiễm khuẩn ở phần mang, đã được phát hiện kịp thời và chữa trị với các biện pháp khá hiệu quả như: dẫn nước mới chảy nhẹ vào ao để tạo thêm ô xy cho cá dễ thở, che ánh nắng mặt trời vào buổi sáng để tắm cá bằng thuốc tím, bổ sung các loại vitamin và chất khoáng trong thành phần thức ăn hàng ngày cho cá…
Với quy trình chăm sóc được tiến hành đồng bộ nêu trên, đến cuối tháng 12/2013 là đúng thời điểm thu hoạch cùng lúc 2 mô hình cá chẽm thực nghiệm. Theo đó, tỷ lệ cá tăng trọng bình quân 1kg/con, nhân với 1,520 con (đạt tỷ lệ 76% cá trưởng thành) thành tổng sản lượng là 1.520kg. Với thời điểm thu hoạch này, giá cá chẽm được thương lái đến tận ao thu mua với 110.000 đồng/kg, đạt tổng doanh thu hơn 167 triệu đồng. Hạch toán thu - chi, mỗi hộ mô hình nuôi 1 lứa cá chẽm trên 500m2 mặt nước đã đạt lãi 26 triệu đồng.
Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi cá chẽm cho 34 hộ nông dân quanh vùng thực hiện mô hình ở huyện Đạ Tẻh. Kỹ sư Thành kết luận: “Ở 3 huyện phía Nam Lâm Đồng khá thuận lợi về nguồn nước để nhân rộng việc nuôi cá chẽm. Tuy nhiên, kinh nghiệm rút ra ở đây cần theo sát diễn biến thời tiết để chủ động bón vôi khử trùng, bảo vệ nguồn nước sạch cho cá chẽm ngay từ lúc thả nuôi cho đến khi thu hoạch mới tránh những rủi ro xảy ra làm cá chết, kéo giảm sút lợi nhuận xuống thấp…”.
Có thể bạn quan tâm
Không đành lòng nhìn giống gà Hre (hay gọi là gà re) mà đồng bào của mình đã thuần hóa và nuôi từ hàng trăm năm nay đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Dễ trồng mà lại không hề tốn kém, tỏi là một trong những loại cây gia vị nhà nào cũng nên trồng.
Chiều 30.9, tại Hà Nội, Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2016-2020, dưới sự chủ trì của Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân.
Không chỉ “hạ nốc ao” trái cây Việt ngay trên sân nhà, trái cây Thái Lan còn chiếm luôn thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Lục Nam, toàn huyện hiện có gần 1,5 nghìn ha dẻ gần trăm năm tuổi. Năm nay sản lượng hạt dẻ ước đạt hơn 1 nghìn tấn, mang về cho người dân khoảng 20 tỷ đồng.