Vắng Vẻ Chợ Nông Thôn Mới

Được đưa vào sử dụng chưa lâu, ngôi chợ xây theo Chương trình nông thôn mới tại xã Phước Chánh (Phước Sơn) đang trong tình trạng đìu hiu, vắng khách.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chương trình nông thôn mới tại xã điểm Phước Chánh, UBND huyện Phước Sơn đã ưu tiên đầu tư xây dựng chợ vùng cao Phước Chánh từ nguồn vốn Chương trình 30a với tổng mức đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng. Chợ tọa lạc ngay trục đường chính đi lên các xã vùng cao Phước Sơn, nhưng vẫn ít người đến mua bán dù đang giữa buổi sáng - buổi chính của chợ. Trong chợ chỉ lèo tèo vài hộ kinh doanh áo quần, nhưng vắng khách hàng.
Cách chợ vài chục mét có rất nhiều hàng quán buôn bán. Chị Hồ Thị Vân, tiểu thương ở xã Phước Chánh cho biết: “Có chợ mới, buôn bán cũng sướng, nhưng chưa có ai vào, một mình mình vào thì bán cho ai. Nhà sát mặt đường, mở hàng bán tại nhà vừa bán vừa trông nhà. Để hàng trong chợ không có ai trông coi, tôi rất sợ mất”.
Ông Hồ Văn Thịnh làm bảo vệ khu chợ Phước Chánh này, nói: “Dân không vào họp chợ là cũng có lý do cả. Trước đây, khi chưa có chợ, một số hộ đã làm ki - ốt, lán kinh doanh ổn định tại nhà, hoặc dùng xe máy đi rao bán, dần dần người dân quen mua bán kiểu phục vụ tận nơi nên ở đây người ta cũng không cần chợ nữa”.
Ông Trần Thanh Tân, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Phước Sơn cho biết, huyện xây dựng chợ vùng cao Phước Chánh rất khang trang, và đã bàn giao lại cho xã quản lý.
Những ngày mới khai trương, không khí buôn bán khá tấp nập, đã có 11 hộ tiểu thương đăng ký vào họp chợ, có nhiều người tới mua bán hàng hóa. Thế nhưng qua một năm đi vào hoạt động, chợ lại trong tình trạng đìu hiu, vắng khách. UBND xã có trách nhiệm phải kêu gọi tiểu thương vào chợ buôn bán, vận động cho người dân có thói quen mua bán tại chợ để phát huy hết hiệu quả của một chợ nông thôn mới. Hiện tại chợ đang càng ngày càng xuống cấp do thiếu sự quan tâm, bảo vệ.
Ông Võ Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chánh cho biết, việc xây dựng khu chợ vùng cao Phước Chánh xét từ nhu cầu cấp thiết của hơn 3.000 người dân của xã và các xã vùng cao của Phước Sơn, với mục tiêu xây dựng chợ ở miền núi để phát triển giao thương, tạo thuận lợi cho bà con mua bán hàng hóa. Theo đánh giá của xã thì chợ mới này sẽ phát huy hiệu quả vì bám mặt đường, thuận lợi cho giao thương ngày càng tăng. Thế nhưng thực tế lại chưa thu hút được tiểu thương và người mua.
Nguyên nhân chủ yếu là thói quen mua bán nhỏ lẻ, không tập trung của người dân. Để thay đổi nhận thức của đồng bào vùng cao là một quá trình lâu dài. “Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức tuyên truyền, họp dân, đồng thời thay đổi cách quản lý, miễn nộp thuế và đóng sạp hàng sẵn để người dân vào kinh doanh buôn bán, tạo không khí tấp nập, có người bán ắt sẽ có người mua” - ông Hưng nói.
Nguồn bài viết: http://baoquangnam.com.vn/kinh-te/thoi-su-kinh-te/201412/vang-ve-cho-nong-thon-moi-568611/
Có thể bạn quan tâm

Từ 40 cặp chim giống ban đầu, sau 2 năm chăm sóc đến nay đàn chim bồ câu của ông Huỳnh Thắng ở thôn Tây Yên, xã Tam Đàn (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) đã lên tới hơn 400 con. Ông được xem là người nuôi chim bồ câu Pháp thành công ở vùng quê nhiều khó khăn này.

Những này gần đây giá ớt đứng ở mức cao từ 48.000 - 50.000 đồng/kg, đem lại thu nhập khá cho người trồng ớt ở các xã Bình Ninh, An Thạnh Thủy, Tân Thuận Bình, Đăng Hưng Phước... của huyện Chợ Gạo.

Đối với củ hành tím lẫn artemia, thế mạnh lớn nhất chính là nguồn giống được sản xuất tại địa phương và điều kiện về đất đai, nguồn nước phù hợp cho sự phát triển. Vì thế, sau cây lúa ST5, hành tím và artemia Vĩnh Châu được “Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng” chọn xây dựng nâng cấp chuỗi giá trị từ nay đến năm 2016.

Những ngày qua ở Hà Nội, thời tiết nắng nóng kéo dài đan xen những trận mưa khiến cho việc sản xuất rau của người dân các vùng rau ngoại thành gặp nhiều khó khăn. Không những vậy, giá rau lên xuống thất thường và giảm mạnh so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái nên thu nhập của người trồng rau giảm rõ rệt.

Anh Đặng Văn Cẩn trú tại xóm 2, thôn Tân Thuận, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, sau một lần tình cờ xem một chương trình nông nghiệp giới thiệu về mô hình nuôi bồ câu trên đài truyền hình, nhận thấy đây là một mô hình mới mẻ, có nhiều triển vọng và có thể làm giàu, nên anh đã quyết định tiến hành nuôi thử nghiệm 10 cặp chim bồ câu đầu tiên.