Vân Sơn giỏi giảm nghèo

Trước ngày chuẩn bị đón bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM, từ đầu xã đến cuối xã Vân Sơn tràn ngập cờ hoa.
Nhà nhà chỉnh trang lại vườn tược để đón chờ khoảnh khắc “hái quả” sau 5 năm nỗ lực, cố gắng.
Ngày 24/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền đã trao bằng và số tiền thưởng 1 tỷ đồng của tỉnh cho Đảng bộ và nhân dân xã này.
Vừa xúc động vừa tự hào, ông Đặng Minh Ân, Phó Bí thư Đảng ủy xã, cũng là một trong những người cầm tay chỉ việc những ngày đầu triển khai Chương trình nói: “Khoảnh khắc được công nhận xã đạt chuẩn NTM hôm nay chúng tôi đã chờ đón từ lâu lắm rồi.
Đáng lẽ năm ngoái Vân Sơn hoàn thành 19 tiêu chí nhưng do hạng mục công sở vướng phải thời tiết bất thuận nên bị chậm mất mấy tháng.
Dù sao mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2015 đến nay xã cũng đã hoàn thành”.
Theo ông Ân, đầu năm 2011 xã Vân Sơn được chọn là 1 trong 8 xã của huyện Triệu Sơn và 117 xã của tỉnh Thanh Hóa hoàn thành 19 tiêu chí giai đoạn 2011-2015.
Thời điểm mới triển khai, xã chỉ mới đạt 9/19 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người đạt 9,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao (16,7%).
Xác định xong xuất phát điểm của địa phương, đến tháng 11/2011 những Nghị quyết đầu tiên triển khai Chương trình NTM được BCH Đảng bộ xã ban hành, tạo thành phong trào thi đua mạnh mẽ trong từng chi bộ, khu dân cư, thôn xóm…
“Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền để người dân hiểu họ chính là chủ thể xây dựng NTM, Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ.
Đồng thời, vận động các ban ngành, đoàn thể khuyến khích hội viên gương mẫu đi đầu trong các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây đựng đời sống văn hóa” gắn với “Chung tay xây dựng NTM”.
Phát động phong trào “Nông dân SX, kinh doanh giỏi”; “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; phong trào “5 không, 3 sạch” của Hội Phụ nữ, giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, làm tốt 3 công trình hợp vệ sinh; phong trào “5 xung kích, 4 đồng hành” của Đoàn Thanh niên lập thân, lập nghiệp…”, ông Đặng Minh Ân nhấn mạnh.
Sau khi tạo được sự đồng thuận từ xã đến thôn xóm và người dân, Vân Sơn vận động các DN đóng trên địa bàn và con em thành đạt làm ăn xa để tăng thêm nguồn lực.
Kết quả sau 5 năm phân công các đoàn cán bộ xã, thôn vào Nam, ra Bắc, Vân Sơn kêu gọi được hơn 25 tỷ đồng từ các DN, HTX và vốn xã hội hóa, góp phần xây dựng khang trang, bề thế các công trình xây dựng cơ bản cấp xã, thôn xóm.
Đối với đề án phát triển SX, nâng cao thu nhập cho người dân, Vân Sơn quy hoạch thành công các vùng đất chuyên canh quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa, đưa giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao vào SX.
Nhiều diện tích đất hoang hóa, đồi bãi được đầu tư xây dựng trang trại vườn rừng, nông lâm kết hợp; trang trại tổng hợp VAC; chăn nuôi lợn tập trung
Bộ mặt nông thôn Vân Sơn đổi thay rõ rệt sau khi thực hiện Chương trình NTM
Hiện toàn xã đã có 53 trang trại gia trại; đang xúc tiến xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô 2.000 con do Cty Vinamilk đầu tư; xây dựng NM may xuất khẩu Tiên Sơn, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động.
Đặc biệt, với cây mía chủ lực, xã đã liên kết với Cty CP Mía đường Lam Sơn thành lập Cty CP Nông, công nghiệp - Dịch vụ thương mại Vân Sơn, xây dựng vùng chuyên canh mía quy mô gần 100 ha theo phương thức hộ nông dân cho Cty thuê đất trồng mía với giá 6 tấn lúa/ha/năm, nông dân được làm việc trong Cty.
Với mô hình này, Cty có điều kiện SX theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cây mía, góp phần đưa năng suất đạt 80 - 100 tấn/ha.
Cơ cấu kinh tế, hình thức tổ chức SX hợp lý cộng với nguồn thu ngân sách từ các DN trên địa bàn đã đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của xã đạt 12 - 14%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 tăng lên gần 24 triệu đồng/người/năm; hộ khá, giàu chiếm tỷ lệ trên 70%; hộ nghèo giảm còn 4,3%.
Đánh giá về tính bền vững xã NTM Vân Sơn, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh: “Tỉnh đánh giá rất cao kết quả Vân Sơn đạt được trong 5 năm qua.
Xã triển khai phong trào xây dựng NTM khá bài bản, huy động được cả hệ thống chính trị, toàn dân và con em xa quê vào cuộc.
Đặc biệt, trong phát triển kinh tế, dù ở quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế nhưng xã rất mạnh dạn tiên phong du nhập, phát triển nhiều mô hình mới, trong đó có mô hình liên kết với DN, vận động dân góp đất xây dựng cánh đồng mẫu lớn mía, ngô… Hướng đi này rất đúng định hướng của tỉnh.
Đối với huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng, ngoài vận động tốt sức dân, Vân Sơn còn tận dụng được lợi thế có nhiều DN hoạt động trên địa bàn chung tay xây dựng công trình phúc lợi, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Tất nhiên, ngoài những nét nổi bật đạt được, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân toàn xã cần tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí để đạt chuẩn theo hướng bền vững”.
Được biết, với việc hoàn thành 19 tiêu chí vượt kế hoạch, Vân Sơn nhận được 2 tỷ tiền thưởng của tỉnh Thanh Hóa và huyện Triệu Sơn.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm tận dụng nguồn đất vườn đồi bị bỏ hoang, những năm qua, bà con nông dân xã Nam Dong huyện Cư Jút tỉnh Đắk Nông đã tìm ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi thích hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần từng bước xóa đói giảm nghèo, trong đó phải kể đến thành công của mô hình trồng cây nhãn trên đất vườn đồi của bà con nông dân nơi đây.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có khoảng 2.000ha mãng cầu (ta) chất lượng tốt, tập trung tại: Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc và TP.Vũng Tàu. Bình quân mỗi năm, sản lượng thu hoạch gần 9.000 tấn/năm. Nếu được quy hoạch bài bản, mãng cầu sẽ là cây ăn quả đầy sức cạnh tranh của BR-VT.

Trong niên vụ cà phê 2012 - 2013, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) sẽ cung cấp miễn phí gần 300.000 cây cà phê giống cho những hộ dân muốn tái canh vườn cà phê già cỗi. Số cây này đủ tái canh cho khoảng 270 héc ta.

Cửa biển Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, Đức Phổ) bị bồi lấp, hàng loạt tàu cá phải dạt đến những cảng biển khác trong và ngoài tỉnh làm cho nhiều cơ sở chế biến hải sản đang ăn nên làm ra tại địa phương điêu đứng vì khan hiếm nguyên liệu.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ nhiệm HTX Thới An, TP Cần Thơ, từng nuôi gia công để tránh rủi ro, so sánh: “Giá thu vô của công ty là 23.000 - 23.500 đồng/kg cá theo hợp đồng là bằng với chi phí giá thành, do đó người nuôi bán trôi nổi 20.000 đồng/kg, làm sao không lỗ 3.000 - 4.000 đồng/kg."