Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vẫn còn đường ra cho nuôi tôm nước lợ

Vẫn còn đường ra cho nuôi tôm nước lợ
Ngày đăng: 04/08/2015

* Điểm sáng lạc quan

Dạo quanh những diện tích nuôi tôm sú trên 3 tháng tuổi, điều ghi nhận của chúng tôi là phần lớn đều đang phát triển tốt, tôm đạt kích cỡ khá lớn. Tại ao tôm của bà Tiêu Thị Tiễn, ở xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, khi chài tôm lên xem thử cho thấy, kích cỡ bình quân khoảng 30 con/kg. Bà Tiễn hớn hở, cho biết: "Lúc bắt giống về, tôi không thả ngay ra ao lớn mà cho hết vô ao dưỡng. Sau 45 ngày, tôi mới chài sang qua ao lớn này, đến nay tôm đã được hơn 4 tháng, con nào cũng bự như nhau hết.

Nếu thu hoạch lúc này ít gì cũng bán được giá 165 – 170 ngàn đồng/kg". Ông Lâm Quốc Tuấn, Tổ hợp tác Nông ngư ấp Nhơn Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, cho biết: "Ở đây nếu nuôi tôm thẻ mật độ thưa (40 con/m2) chỉ sau 2 tháng là tôm vô cỡ 100 con/kg. Nhưng giá tôm thẻ quá thấp trong khi chi phí đầu tư thì cao. Nếu nuôi không khéo rất dễ bị lỗ nặng, nên hầu hết chuyển qua nuôi tôm sú cho an toàn".

Tại trang trại nuôi tôm rộng hơn 10ha của anh Huỳnh Khánh Lượng ở xã Trung Bình, huyện Trần Đề, những dãy ao dưỡng, ao nuôi, ao lắng… cùng các trang thiết bị phục vụ nuôi tôm hoạt động liên tục tạo cho mọi người cảm giác vụ tôm ở đây vẫn đang rất an toàn. Anh Lượng chia sẻ: "Phải chọn mua loại con giống chất lượng tốt của những công ty có uy tín, nuôi ở độ mặn trung bình khoảng 10‰, pH khoảng 7,5; mật độ từ 80 - 100 con/m2, nhưng tốt nhất là 60 con/m2 và phòng bệnh cho tôm bằng các biện pháp tổng hợp... Riêng năm nay, do khó khăn về thời tiết và giá cả nên tôi chỉ thả nuôi mật độ 100 con/m2 và chỉ sau 3 tháng tôm đã đạt trọng lượng 50 con/kg".

Quy mô hơn trang trại của anh Lượng là trại nuôi của Công ty TNHH Phú Thành, với 50ha đang thả tôm, gần kề với rừng ngập mặn ven biển, thuộc xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu. Anh Nguyễn Hoàng Kiếm, Giám đốc Công ty TNHH Phú Thành, cho biết: Tất cả diện tích nuôi tôm của trại đều áp dụng công nghệ an toàn sinh học, dưới sự tư vấn kỹ thuật của TS Trần Hữu Lộc, giảng viên Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh. Đúng là kỹ thuật cao có khác, tôm nuôi ở đây có màu sắc rất đẹp và kích cỡ khá đồng đều. Anh Kiếm cho biết: "Chỉ khi tôm vô cỡ 30 - 50 con/kg tôi mới thu hoạch vì giá tôm cỡ nhỏ hiện đang rất thấp".

Cách trang trại Phú Thành khoảng 30km về phía Bạc Liêu, thuộc địa bàn xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu là trang trại nuôi tôm theo quy trình Biofloc của Công ty Sao Ta. Hôm chúng tôi đến, trại đang có 50 ao nuôi được hơn 100 ngày, với trọng lượng tôm bình quân trên dưới 100 con/kg, dù mật độ thả nuôi lên đến 200 con/m2. Theo cán bộ quản lý trại nuôi, năm 2013 – 2014, đơn vị đạt sản lượng 600 tấn và dự kiến năm 2015 sẽ đạt 1.000 tấn. Trong những lần trò chuyện trước đó, Tổng Giám đốc Công ty Sao Ta Hồ Quốc Lực cho biết: Đây là khu vực nuôi rất khó khăn, vì độ mặn rất cao. Tuy nhiên, sau 2 năm thử nghiệm với nhiều quy trình nuôi khác nhau, đến năm 2015, công ty quyết định nuôi mật độ cao theo quy trình Biofloc.

* Kiểm soát kỹ con giống, môi trường, dịch bệnh

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Sóc Trăng, trong khi diện tích tôm thu hoạch đến nay chỉ 5.234,3 ha (tôm sú 1.769,8 ha; tôm thẻ 3.464,5 ha), với tổng sản lượng đạt ước đạt 15.243,5 tấn, thì diện tích thiệt hại đã gần 7.353ha, chiếm 23,7% diện tích thả nuôi; trong đó: tôm sú thiệt hại 3.701,3 ha; tôm thẻ thiệt hại 3.652,4 ha. Đặc biệt, ở vùng có diện tích nuôi lớn của tỉnh là thị xã Vĩnh Châu mấy năm gần đây, diện tích thiệt hại luôn đứng ở mức cao so với các địa phương khác trong tỉnh. Đây mới là vấn đề cần được quan tâm, nghiên cứu tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục để vực dậy vùng nuôi có diện tích lớn này.

Để có vụ nuôi thành công, người nuôi và một số nhà khoa học đã đúc kết bằng công thức: "Nhất giống, nhì môi (môi trường), tam mồi (thức ăn), tứ kỹ (kỹ thuật)", nên vấn đề chất lượng con giống hiện nay là rất đáng quan tâm. Trở lại với diễn biến tình hình nuôi tôm nước lợ trong 6 tháng đầu năm sẽ thấy, hầu hết các địa phương đều giảm mạnh diện tích nuôi, khiến lượng con giống (post) dư thừa, doanh nghiệp sản xuất giống thua lỗ. Từ đây, rất dễ phát sinh tình trạng con giống kém chất lượng khi các tỉnh đều tập trung thả nuôi trở lại.

Theo một cán bộ thú y, có tình trạng do không bán được con giống lúc đầu vụ nên một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất con giống không tiếp tục nhập tôm bố mẹ về sinh sản, mà sử dụng lại tôm bố mẹ đã cho sinh sản từ đầu năm, nhằm giảm chi phí. Với việc sử dụng tôm bố mẹ cho sinh sản nhiều lần chắc chắn sẽ không có đàn tôm post khỏe mạnh theo đúng tiêu chuẩn, trong khi việc kiểm soát nguồn gốc tôm post tại tỉnh là hầu như không thể. "Tỉnh chỉ có thể kiểm dịch tôm post bằng cảm quan hoặc làm test một số loại bệnh, còn tôm post được sinh sản như thế nào chỉ có đơn vị kiểm dịch tại gốc mới biết được" – cán bộ này cho biết thêm.

Trong chuyến tham quan mô hình nuôi tôm an toàn dịch bệnh tại Sóc Trăng vào trung tuần tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhận định: Năm 2015 đúng là khó khăn, thời tiết nắng nóng, dịch bệnh và cả sự tác động của giá tôm nên diện tích thả nuôi tại hầu hết các địa phương đều giảm. Tuy nhiên, hiện nay nuôi tôm ở Sóc Trăng và vùng bán đảo Cà Mau đang phục hồi nên khả năng vẫn đạt chỉ tiêu diện tích, sản lượng. Bộ trưởng Cao Đức Phát chia sẻ: "Tôi đi thăm các trang trại và trò chuyện với người dân nuôi tôm trúng, họ đều cho biết là nhờ giám sát dịch bệnh chặt chẽ. Như vậy, vấn đề hiện nay không chỉ là diện tích nuôi mà quan trọng hơn là phải giám sát tốt dịch bệnh. Có như vậy, chúng ta mới đạt được sản lượng như mong muốn, người nuôi mới có hiệu quả và các nhà máy mới có đủ nguyên liệu chế biến, xuất khẩu. Đối với Sóc Trăng, nếu các trại nuôi đều thực hiện tốt như các điểm trên, tôi tin chuyện đạt sản lượng là không khó".

Với giá tôm hiện tại, nếu nuôi đạt năng suất, người nuôi vẫn có lời. Nên vấn đề hiện nay là làm sao giải quyết tốt công tác quản lý con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, môi trường và đặc biệt là công tác phòng chống dịch bệnh.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Nuôi Nai Mới Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao Mô Hình Nuôi Nai Mới Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Thời gian qua, xã Phú Thuận B (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao giúp nhiều nông dân thoát nghèo và làm giàu chính đáng như: mô hình nuôi cá lóc, nuôi bò, nuôi thỏ kết hợp nuôi cá... đặc biệt mô hình nuôi nai của ông Nguyễn Thành Nam cho lợi nhuận 40 - 50 triệu đồng từ bán nhung và nai giống.

20/01/2014
Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Chim Trĩ Đỏ Ở TP Hạ Long Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Chim Trĩ Đỏ Ở TP Hạ Long

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm mới có giá trị tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là ở thành phố du lịch như Hạ Long.

20/01/2014
Ồ Ạt Xây Nhà Nuôi Chim Yến Ồ Ạt Xây Nhà Nuôi Chim Yến

Gần đây, ở huyện Thoại Sơn (An Giang) và một vài nơi khác mọc lên những ngôi nhà mới cao tầng, không để ở mà xây “lâu đài” cho chim yến trú ngụ với mục đích lấy tổ bán làm giàu.

20/01/2014
10.000 Con Gà 9 Cựa Xuất Ra Thị Trường Tết 10.000 Con Gà 9 Cựa Xuất Ra Thị Trường Tết

Gà chín cựa tưởng như chỉ tồn tại trong truyền thuyết nhưng năm nay, con vật này có thể sẽ xuất hiện trong mâm cỗ Tết của nhiều gia đình.

20/01/2014
Các Địa Phương Tăng Cường Phòng Chống Dịch Cúm Gia Cầm Các Địa Phương Tăng Cường Phòng Chống Dịch Cúm Gia Cầm

Trước tình hình dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang bùng phát mạnh và hàng loạt dịch cúm A khác: A/H5N1, H1N1, H10N8, H9N2… có chiều hướng gia tăng và tiến sát biên giới Việt Nam. Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết nguyên đán, các địa phương đang triển khai cấp bách biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch xâm nhập và bùng phát dịch.

20/01/2014
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.