Vải Thiều Trên Cao Nguyên
Từ TP Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk), chúng tôi vượt qua 52 km đường nhựa, chạy về hướng đi Nha Trang quanh co đồi núi uốn lượn. Được chỉ dẫn tận tình của bà con, chúng tôi đến ngôi nhà ba tầng của hộ trồng vải đầu tiên ở xã Ea Kaly, huyện Krông Păk.
Chủ nhà là ông Nguyễn Duy Tiên, quê ở tỉnh Hải Dương, nơi nổi tiếng có đặc sản vải thiều. Ông vào đây lập nghiệp từ năm 1981. Năm 1996 ông Tiên về Hải Dương đem 10 cây vào trồng thử nghiệm. Do chưa có kinh nghiệm, cây chết gần hết. Không nản chí, ông lại quay về mua thêm 80 cây vào trồng lại.
Sau 3 năm vun trồng, cây bắt đầu cho thu bói, niềm vui chưa kịp hé nở đã vội tắt. Cây nào cũng tốt um, lá xanh rì, nhưng chỉ một số ít có quả; lại một lần nữa thất bại. Lúc đó mọi người đi qua cứ lắc đầu: “Ở đây trồng cà phê chẳng ăn ai, huống chi lại trồng vải thiều làm sao được?”.
Ai nói ngược nói xuôi mặc ai, ông vẫn quyết theo tới cùng. Năm 2003 ông Tiên phá bỏ 1 ha cà phê già cỗi chuyển sang trồng 235 cây vải thiều, lần này thì khá hơn, số cây có quả nhiều hơn một chút nhưng vải lại chín muộn, cùng với mùa thu hoạch vải ở miền Bắc, cho nên giá rất thấp, bán cả vườn chẳng được bao nhiêu tiền.
Năm 2006 ông được mời tham gia dự án “Phát triển cây vải thiều ở Tây Nguyên”. Trong quá trình trồng thử nghiệm, được các chuyên gia ngoài Hà Nội vào hướng dẫn. Nhờ chịu khó cần cù, áp dụng TBKT vào SX, năm đó cả vườn của ông đều ra quả, tuy nhiên vải vẫn chín muộn, chưa theo ý muốn.
Năm 2008 ông tiến hành ghép cải tạo những giống vải chín sớm ở Hải Dương vào vườn vải của gia đình. Sau gần 4 năm đổ biết bao mồ hôi công sức, đất đã trả công cho người, vụ vải năm 2011 kết quả thu được ngoài sự mong đợi.
Đặc biệt là ông đã xử lý được cả vườn vải chín trái vụ, thu hoạch sớm hơn so với vải miền Bắc 30 ngày, cây nào cây nấy nặng trĩu quả, đỏ rực, thu hoạch được 19 tấn quả/ha, giá bán trung bình tại vườn từ 30.000 - 40.000 đ/kg. Năm đó thu về khoảng 760 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng 660 triệu.
Nhờ lợi nhuận từ cây vải thiều, ông xây được nhà khang trang, mua sắm các tiện nghi đắt tiền, con cái đều học đại học và có việc làm ổn định.
Nhận thấy cách làm hiệu quả từ vườn vải của ông Tiên, hàng trăm hộ dân trong tỉnh đã mạnh dạn phá bỏ diện tích cà phê kém năng suất chuyển sang trồng vải thiều thành công. Điển hình là anh Nguyễn Văn Hòa ở xã Ea Sô, huyện Ea Kar, người chính gốc huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, nơi nổi tiếng với “vải thiều Thanh Hà”.
Anh Hòa cho biết, gia đình trồng được 600 cây, hầu hết đã cho thu hoạch, còn lại một số trồng mới. Một năm, chỉ tính riêng tiền bán vải cũng thu được khoảng 1 tỷ đồng, chưa kể tiền bán cây giống.
Trồng vải thiều trên cao nguyên so với vải thiều ở quê cũng không kém cạnh, cho năng suất cao, quả to, màu sắc đẹp, ăn ngọt, mùi vị không khác nhiều. Năng suất trung bình đạt từ 15 - 20 tấn/ha, nếu thời tiết tốt và áp dụng đúng TBKT đạt trên 30 tấn/ha.
Mùa vụ thu hoạch vải ở Đăk Lăk trái vụ, sớm hơn 30 ngày so với vải ở miền Bắc, chính vì vậy giá bán cũng cao hơn. Thị trường tiêu thụ rất mạnh, sản lượng không đủ cung cấp cho TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) và TP.HCM.
Những hộ nông dân trồng vải tại Đăk Lăk đã thành lập “Câu lạc bộ vải cao nguyên” để thường xuyên gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Nhật Lệ, GĐ Trung tâm Khuyến nông Đăk Lăk cho biết, nông dân đang mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phá bỏ một số diện tích cà phê già cỗi, chuyển sang trồng vải thiều. Toàn tỉnh có 234 ha đất trồng vải, tập trung tại các huyện Eaka, Krông Păk, Krông Năng, Krông Ana, M’drak…, trong đó 184 ha đã cho thu hoạch.
Nhờ đó nhiều gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Trồng vải còn thúc đẩy nghề nuôi ong phát triển với 1.200 hộ nuôi trên 170.000 đàn, sản lượng mật lớn nhất nước, 10.600 tấn/năm.
Có thể bạn quan tâm
Gạo, cà phê, cao su tiếp tục giảm cả lượng và giá trị xuất khẩu, duy nhất mặt hàng điều giữ tăng trưởng trong 8 tháng.
Sau một thời gian đứng ở mức cao, gần đây giá nhiều loại thực phẩm tươi sống tại thị trường TP Cần Thơ đã "hạ nhiệt" so với trước. Nguồn hàng dồi dào, giới kinh doanh dự đoán nhiều loại thủy sản, thịt gia cầm và thịt heo sẽ còn tiếp tục giảm giá hoặc bình ổn trong thời gian tới.
Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên tôm đã xảy ra ở 12 xã, phường của 4 huyện, gồm Vĩnh Linh, Triệu Phong, Gio Linh, Hải Lăng và thành phố Đông Hà với tổng diện tích bị bệnh là hơn 223 ha, chiếm trên 20% tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh Quảng Trị. Trong đó có đến 144 ha các hộ nuôi tự xử lý mà không báo cho cơ quan chức năng lấy mẫu tìm nguyên nhân. Năm nay dịch bệnh bùng phát liên tục nên tôm chết hàng loạt khiến người nuôi thiệt hại hàng tỷ đồng.
Trong những ngày này, giá cà phê vẫn chưa lên như mong mỏi của người còn trữ hàng. Xuất khẩu niên vụ này sẽ không đạt chỉ tiêu. Cà phê chất lượng càng tốt càng “ế”. Đó là những trục trặc trong cách kinh doanh cà phê hiện nay cần được xem lại.
“Để giải quyết khó khăn và thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo, chúng ta nên thí điểm lập sàn giao dịch cho mặt hàng này”, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ đề xuất như vậy tại phiên thảo luận về “Giải pháp nâng cao giá trị và thúc đẩy tiêu thụ nông sản”.