Vải Thiều Chờ Visa Vào Australia
Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, Chính phủ Australia đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để sớm đưa trái vải thiều Việt Nam NK vào thị trường này.
Phá vỡ thế phụ thuộc 1 chợ
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, đến hết mùa vụ năm 2014, sản lượng vải thiều tại hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương ước đạt gần 200 nghìn tấn quả tươi. Cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, Trung Quốc là thị trường NK vải thiều truyền thống lớn nhất của Việt Nam.
Việc quá phụ thuộc vào một thị trường sẽ không thể tránh khỏi những rủi ro nhất định. Do vậy, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xúc tiến XK trái vải thiều sang nước thứ ba là hết sức cần thiết. Với nhu cầu khá lớn về hoa quả tươi, Australia là một trong những thị trường trong mục tiêu đa dạng hóa thị trường XK trái vải thiều của Việt Nam
Mặc dù có nhu cầu lớn nhưng theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, nước này có các quy định về kiểm dịch thực vật ngặt nghèo nhất thế giới. Đến nay, Australia chưa chấp nhận cho NK bất cứ một loại trái cây tươi nào của Việt Nam mà mới chuẩn bị thí điểm cho NK trái vải.
Để thúc đẩy XK trái vải tươi vào thị trường này, trong nhiều năm gần đây, Bộ NN-PTNT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương nhằm làm việc với Bộ Nông, Lâm và Thủy sản Australia để tiến hành dỡ bỏ hàng rào kỹ thuật đối với trái vải tươi của Việt Nam.
Theo quy định của phía Australia, trước khi cho phép NK, phía Việt Nam phải tiến hành kiểm tra, khảo sát vùng trồng vải, cơ sở đóng gói, cũng như làm việc với các đơn vị quản lý tại địa phương về các nội dung liên quan đến quản lý dịch hại tại vườn trồng vải thiều và tiềm năng XK sản phẩm.
Việc đưa trái vải thành công vào Australia không những giúp đa dạng hóa thị trường cho trái vải thiều, giúp nông dân tránh tình trạng “được mùa mất giá” mà còn mở ra cơ hội cho một số loại trái cây khác của Việt Nam như thanh long, nhãn, xoài… được XK sang thị trường này.
Đến nay, Australia đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để đưa trái vải Việt Nam sang. Dự kiến, đến mùa vải thiều năm 2015, trái vải Việt Nam sẽ được phép chính thức vào thị trường Australia.
Doanh nhân Việt kiều làm cầu nối
Để góp phần đưa nhanh trái vải thâm nhập thị trường Australia ngay sau khi được Chính phủ Australia cấp phép, Đại diện thương mại - Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, Thương vụ đang xây dựng Đề án “Nghiên cứu và tổ chức các hoạt động xúc tiến XK trái vải Việt Nam sang thị trường Australia”.
Mục đích nhằm nghiên cứu tình hình sản xuất và tiêu thụ trái vải của thị trường Australia, nghiên cứu các quy định về kiểm dịch đối với trái vải, kênh phân phối cũng như thị hiếu tiêu dùng, để từ đó đưa ra những đề xuất thiết thực, góp phần đẩy mạnh XK trái vải sang Australia.
Bên cạnh đó đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về trái vải của Việt Nam. Đồng thời, Thương vụ cũng sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT và các địa phương xây dựng một bộ thông tin chuẩn về trái vải Việt Nam, lựa chọn một số vườn quả đáp ứng được tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Australia để quảng bá.
Để tận dụng tốt nhất vai trò của người Việt Nam tại Australia làm “cầu nối” cho trái vải, trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng sẽ phối hợp với Hội Doanh nhân Việt kiều Australia tổ chức hội thảo với nội dung “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhằm trước mắt vận động các DN Việt kiều đưa trái vải Việt Nam tiêu thụ trong hệ thống chợ do người Việt và người Á Đông tại Australia làm chủ, sau đó mở rộng đến người tiêu dùng Australia.
Về lâu dài, Thương vụ sẽ tổ chức đoàn DN trong nước sang kết nối giao thương ngay sau khi Australia cho phép NK trái vải Việt Nam. Với những hoạt động này, trái vải Việt Nam đang có khả năng lớn thâm nhập vào một trong những thị trường không quá lớn nhưng có sức mua tốt nhất thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Bác Nhân luôn được bà con trong thôn tin yêu, kính trọng, 12 năm qua, Bác được nhân dân trong thôn bầu làm trưởng thôn. Lũng Tao là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Đổng Xá, những năm trước đây, gia đình bác Nhân cũng như các gia đình khác còn nghèo đói, có năm gia đình thiếu ăn vài ba tháng.
Những ngày đầu tháng 1 đến nay, bà con ngư dân 2 xã Quảng Công, Quảng Ngạn(Thừa Thiên Huế) trúng đậm mùa ruốc. Sau mỗi ngày ra khơi, trung bình mỗi tàu khai thác trên 3 tạ ruốc.
Đối với người nuôi thủy sản tỉnh, thành công của mô hình nuôi cá chình do Công ty TNHH Hưng Biển thực hiện từ tháng 7-2011 đến tháng 11-2012 trên vùng cát Bảo Ninh đã giúp họ có cái nhìn mới đối với việc đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi, trong đó có việc tìm đến những đối tượng thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Ông Võ Văn Hưng, 61 tuổi (tổ 28, Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) có thâm niên 23 năm nuôi cá lóc. Năm nay mô hình nuôi cá lóc trong lưới của ông cho thu nhập trên 1 tỷ đồng.
Về thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên (Bắc Giang), hỏi thăm đến nhà ông “vua gấc” Trần Sĩ Quảng, bà con trong thôn từ già đến trẻ nhỏ ai nấy đều cho biết, ông Quảng là một nông dân cần cù, chịu khó, làm giàu và nổi danh từ nghề trồng cây gấc.