Ở Hải Dương, do thời tiết bất thường nên sản lượng vải sớm giảm 50% so với năm ngoái. Giá hiện cũng giảm 50% so với đầu mùa, người trồng vải thua lỗ...
Xã Thanh Bính vào những ngày này tấp nập xe máy chở vải. Từng gánh vải chín đỏ được vặt lá gọn gàng đưa lên bờ. Dọc đường 390 có nhiều điểm cân vải, giúp cho việc mua bán thuận lợi hơn. Thế nhưng, mùa vải sớm năm nay cho thu hoạch muộn, “mất mùa nhưng không được giá” khiến người dân không vui. Bà Lê Thị Thiện ở thôn Phúc Giới cho biết: “Tôi trồng 7 sào vải, chủ yếu là vải sớm nhưng năm nay vải không sai quả. Nguyên nhân là do thời tiết bất thường, vào thời điểm vải có hoa gặp gió bấc khiến hoa rụng, khi quả vải bắt đầu có cùi thì lại gặp dịch ruồi vàng làm cho quả bị hư hại. Nhà tôi chỉ thu được 2,5 tấn, giảm 50% so với năm ngoái. Hiện nay tôi chỉ bán được 15 nghìn đồng/kg tại vườn, giảm 50% so với giá vải đầu mùa (bình quân hơn 30 nghìn đồng/kg)”. Ông Hoàng Minh Phương ở thôn Hạ Vĩnh có hơn một mẫu vải sớm. Mọi năm, ông Phương thu được hơn 5 tấn nhưng năm nay chỉ được khoảng 2,5 tấn. Xã Thanh Bính có 213 ha trồng vải, trong đó có hơn 100 ha trồng vải sớm. Những năm trở lại đây, có nhiều nhà chặt vải nhưng cũng chỉ thay thế bằng cây vải sớm chứ không có hướng trồng các loại cây khác.
Xã Thanh Cường có 150 ha trồng vải sớm. Năm nay, sản vượng vải sớm đạt bình quân 7 - 8 tạ/sào. Ông Đặng Văn Hùng cho biết: "Tôi trồng hơn một mẫu vải, trong đó có 50% vải sớm, chủ yếu là u hồng. Với giá 17 - 20 nghìn đồng/kg như hiện nay chúng tôi không có lãi”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, toàn huyện hiện có hơn 1.000 ha trồng vải sớm gồm u trứng, u thâm, u hồng, tập trung nhiều nhất ở khu Hà Đông. Tỉnh và huyện đã có nhiều biện pháp hỗ trợ để người dân bớt khó khăn trong sản xuất như: nâng cấp đường giao thông nông thôn, hỗ trợ phân bón Neb 26 cho một số hộ dân tham gia ký cam kết không bán vải xanh… Tuy nhiên, đầu mùa có nhiều hộ dân bán vải được 40 - 50 nghìn đồng/kg nên nhiều hộ khác cũng bẻ vải xanh để bán theo. Vì vậy, vải dần xuống giá, chất lượng vải không bảo đảm. Bên cạnh đó, đầu ra cho vải cũng gặp nhiều khó khăn. Đầu mùa, xe ô-tô về cân vải tấp nập do vải ít nhưng khi vải thu hoạch rộ như hiện nay thì lượng mua giảm dần, giá bán cũng giảm khiến cho bà con lo lắng cho mùa vải thiều sắp tới.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, giá vải không ổn định, một phần do kinh tế khó khăn nên sức mua của thị trường giảm; mặt khác là do vải Thanh Hà chưa thực sự có thương hiệu. Năm 2011, huyện mới thực hiện dự án trồng vải thiều theo hướng VietGAP trên 20 ha ở xã Thanh Sơn nhưng chỉ có hộ nào bảo đảm chất lượng vải, được cấp giấy chứng nhận mới được đóng bao bì, tem, mác VietGAP. Đối với vải sớm, huyện tập trung nâng cao chất lượng, tích cực mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, giới thiệu phân bón hữu ích cho cây vải. Năm nay, vải sớm ở Thanh Hà không bị sâu cuống, mã vải đẹp nhưng giá cả không ổn định khiến cho bà con không yên tâm sản xuất. Để cây vải sớm có hiệu quả, cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành về kỹ thuật trồng vải, nhất là hỗ trợ để ổn định thị trường tiêu thụ và giá cả.