Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vải Lục Ngạn Vẫn Trông Chờ Thương Lái Trung Quốc

Vải Lục Ngạn Vẫn Trông Chờ Thương Lái Trung Quốc
Ngày đăng: 20/06/2014

Thương lái Trung Quốc mua với số lượng lớn, tại vườn, vì vậy mà người trồng vải thiều ở Bắc Giang vẫn trông chờ vào kênh tiêu thụ này dù biết rủi ro.

Vắng khách Trung Quốc, công ty lữ hành tìm thị trường mới / Nhiều ngành sản xuất tìm cách giảm lệ thuộc Trung Quốc

Những ngày giữa tháng 6, màu vải chín bắt đầu phủ đỏ từng khoảng vườn, ngọn đồi tại huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang). Vải được xếp đầy sân những ngôi nhà làm điểm tập kết tại thị trấn Kép, Chũ hay xã Phượng Sơn (huyện Lục Ngạn). Tại đây, sản phẩm sẽ được phân loại, đóng thùng xốp rồi đưa lên xe chở qua biên giới Trung Quốc. Chỉ một phần nhỏ được dành tiêu thụ trong nước.

Ông Bùi Văn Cánh, chủ một đại lý tại Phố Kép (xã Hồng Giang) cho biết năm nay được mùa hơn hẳn mọi năm. Từ đầu tháng 6, trung bình mỗi ngày gia đình ông thu mua khoảng 30 tấn, ngày cao điểm có thể cả trăm tấn. "Tôi nhận làm đầu mối thu mua cho các thương lái Trung Quốc.

Họ gửi tiền gom hàng rồi cho xe tải đưa lên biên giới", ông cho biết. Hiện tại giá vải tương đối cao nhưng khác biệt theo thời gian trong ngày, buổi sáng thu mua có thể đạt 18.000 đồng một kg, mức trung bình là 15.000-16.000 đồng, nhưng tới đầu giờ chiều giá có thể chỉ còn 8.000-10.000 đồng.

Ở khoảng sân trước nhà, hàng chục nhân công cả nam lẫn nữ thay nhau đóng xếp vải vào thùng để đưa lên xe container. Người nông dân sau khi thu hoạch tại vườn sẽ chở bằng xe máy (thường từ một đến 1,5 tạ mỗi xe) tới các điểm đại lý thu mua như nhà ông Cánh.

Sau đó sản phẩm sẽ được cân lại rồi nhúng qua nước đá có pha chất giữ tươi lâu trước khi được xếp vào thùng xốp có chứa đá lạnh để vải không bị hỏng trong suốt hơn 4 tiếng đồng hồ chuyển từ Kép lên cửa khẩu Tân Thanh để xuất sang Trung Quốc.

Nhận định việc kinh doanh phụ thuộc hết vào người Trung Quốc là bấp bênh, nhưng vì khách hàng thường đánh vải với số lượng rất lớn nên dù có những lần thua lỗ, ông Cánh vẫn tiếp tục công việc của mình. "Buôn bán có lời có lỗ, lúc này lúc kia nên khi chọn sống bằng nghề này rồi thì mình không bỏ". Những ngày này, nhà ông Cánh luôn có mặt những thương nhân từ Trung Quốc sang, thậm chí có người còn ngủ luôn tại nhà.

Không chỉ ông Cánh, một số đại lý người Việt Nam tại đây cũng cho biết quả vải Lục Ngạn đang trông đợi nhiều thương nhân Trung Quốc. "Có lúc họ ép giá, ép cân vải nhưng vẫn là khách thu mua chính, có thể nhập nhiều tấn hàng của người dân", chủ một vựa quy mô nhỏ chia sẻ.

Bà Ngô Thị Nhung, thương nhân đến từ tỉnh Phú Yên cho biết một chuyến hàng chỉ nhập về khoảng 200 thùng để bán. "Ít vậy nên một lần phải rủ thêm ba bốn người nữa đi cùng, đánh hàng về các tỉnh khác nhau dọc đường đi cho đủ một xe 15 tấn", bà chia sẻ. Khi không đủ người đi, bà Nhung lấy hàng từ các xe nhập vào TP HCM khi chạy qua địa phận Phú Yên thay vì phải ra tận Lục Ngạn.

"Vào trong kia bán giá có thể gấp đôi so với ở đây, nhưng chi phí sinh hoạt trong thời gian đi đánh hàng, cước vận chuyển và nhiều thứ khác khiến chúng tôi lãi chẳng bao nhiêu. Nhà buôn vải mà đâu phải lúc nào cũng dám bỏ tiền túi mua để ăn đâu", nữ thương nhân tâm sự.

Là một trong những đại lý lớn nhất tại Kép, chủ vựa Bùi Văn Cánh cho biết năm nay buôn bán không mấy thay đổi so với các năm trước. "Giá cả vẫn vậy, có chênh lệch đôi chút thì cũng không đáng kể. Tuy nhiên doanh thu sẽ không bằng, một phần vì thương lái bên kia biên giới sang ít hơn", ông chia sẻ. Bên cạnh đó, việc siết tải trọng cũng khiến chi phí cho các chuyến hàng tăng lên do lượng sản phẩm được phép chở thấp đi, trong khi mỗi chuyến xe lên cửa khẩu giá gần 20 triệu đồng, không giảm so với các năm trước.

Có mặt hơn 10 ngày nay tại vựa vải Phố Kép, ông Nông Đức Sẹc, thương nhân từ Bằng Tường (Trung Quốc) cho biết đã chuyển xong 50 xe hàng về nước, mỗi xe từ 12-15 tấn. "Gần chục năm buôn vải tại Kép, có ngày tôi mua tới 15 xe, bây giờ trung bình 5-6 xe để đưa về nước. Đợt này giá vải cao hơn, mấy hôm trước chỉ 10.000 đồng một kg, nay lên tới 15.000-18.000 đồng", ông nói. Theo ông, giá tăng vì thương nhân tranh nhau mua cho đủ xe hàng.

Người đàn ông 50 tuổi cũng chia sẻ, dù giữa hai quốc gia đang có một số bất đồng, ông vẫn qua lại thường xuyên để buôn bán và mong tình hình sẽ tốt hơn. "Năm nay người Trung Quốc về đây không đông bằng các năm trước. Mấy người ở Phúc Kiến xa quá nên họ cũng chẳng qua", ông chia sẻ.

Ngoài vải, ông Sẹc còn thu mua dưa hấu, xoài và nhiều loại nông sản khác của Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. "Người nước tôi thích ăn hoa quả, mà của Việt Nam thường ngon hơn. Như quả vải, Trung Quốc cũng có, cũng nhiều nhưng ăn không bằng dù mẫu mã rất đẹp", vị thương lái chia sẻ.

Anh Trần Đại Hải (38 tuổi, người Hồ Nam, Trung Quốc) lần đầu sang Việt Nam buôn vải vì người dân nước anh chuộng loại vải Lục Ngạn. Tại Bắc Kinh, Thượng Hải vải được giá nhất nhưng đánh xe lên các điểm đó có thể mất hơn 2 ngày. Một thương nhân khác có mặt tại Phố Kép tên Trương Chính Hào (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) khẳng định vải Việt Nam mang về bao nhiêu cũng bán hết, công việc kinh doanh của anh rất thuận lợi.

Trao đổi với VnExpress, ông Bùi Huy Tình, Chủ tịch UBND xã Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết hiện tại trên địa bàn có 36 thương nhân Trung Quốc sang đăng ký hoạt động thu mua. Theo ông, vụ vải năm nay bên kia biên giới thu hoạch muộn, thương lái còn lo mua hết hàng bên đó rồi mới sang Việt Nam. "Bây giờ mới có một số họ chuẩn bị làm hộ chiếu để sang nên năm nay họ sang muộn hơn bình thường", ông nhận định.

Lãnh đạo xã cũng khẳng định: "Mối quan hệ lúc này vẫn tốt, đôi bên tạo điều kiện thuận lợi cho nhau để kinh doanh. Năm nay sản lượng toàn xã tăng hơn năm ngoái, đạt trên 5.000 tấn vải, hai phần ba trong số này sẽ xuất sang thị trường Trung Quốc, số còn lại tiêu thụ trong nước".

Cùng nỗi lo với người nông dân khi vải cho doanh thu tốt, ông Tình cho biết nhiều khả năng nay giá sẽ không còn cao như năm ngoái. "Chuyện được mùa mất giá thì không có gì lạ. Năm ngoái trung bình mỗi kg vải đạt 20.000 đồng thì vụ 2014 dù chưa có con số cụ thể, tôi nghĩ chỉ khoảng 15.000-16.000 đồng".


Có thể bạn quan tâm

Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi Gà Đẻ Siêu Trứng Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi Gà Đẻ Siêu Trứng

Trong những năm qua nhờ chính sách của tỉnh trong việc khuyến khích người dân chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa một vụ kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp với thả cá và đã giàu lên nhanh chóng. Điển hình là gia đình anh Nguyễn Văn Dũng thôn Thiện Dũ, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành.

25/06/2013
Nắng Nóng, Nhiều Loại Sâu Bệnh Phát Sinh Nắng Nóng, Nhiều Loại Sâu Bệnh Phát Sinh

Ông Đặng Quang Tám - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Định, cho biết: Thời gian gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm cho một số đối tượng sâu bệnh đang có nguy cơ phát sinh mạnh gây hại lúa vụ hè thu.

03/06/2013
Xây Dựng Vùng Nuôi Thủy Sản Tập Trung Xây Dựng Vùng Nuôi Thủy Sản Tập Trung

Huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) nằm giữa hai con sông lớn là sông Ninh Cơ và sông Đáy, lại có 12km bờ biển nên thuận lợi cho việc phát triển nuôi thủy sản. Để đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, huyện đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, từ quy hoạch vùng sản xuất, xác định cơ cấu con nuôi phù hợp với trình độ thâm canh của các hộ nuôi và đặc điểm tự nhiên của từng vùng.

04/06/2013
Khởi Sắc Nghề Nuôi Trăn Khởi Sắc Nghề Nuôi Trăn

Vào những năm 1990, phong trào nuôi trăn ở Cà Mau rất phát triển, đem lại thu nhập khá cao và ổn định cho người nuôi. Tuy nhiên, về sau giá trăn bấp bênh, thị trường tiêu thụ yếu, khó bán, có người phải mang trăn con thả vào rừng, nhiều hộ đã nghỉ nuôi hoặc nuôi cầm chừng. Trong 2 năm trở lại đây, phong trào nuôi trăn thịt và trăn đẻ đã phát triển trở lại trên địa bàn tỉnh.

26/06/2013
Triển Vọng Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Triển Vọng Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến

Những năm qua, nhất là từ khi triển khai thực hiện Đề án tôm - lúa, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến trong huyện Phú Tân (Cà Mau) không ngừng tăng lên. Phát triển nuôi tôm quảng canh cải tiến góp phần đáng kể trong việc tăng sản lượng tôm nuôi, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

04/06/2013