Ương nuôi tôm giống theo quy trình Biofloc
Áp dụng mô hình này tôm ương khỏe mạnh, sức đề kháng cao, có khả năng chống chịu tốt hơn với những biến động của môi trường và dịch bệnh, nhất là bệnh hoại tử gan tụy cấp.
Tôm ương của Đắc Lộc nuôi đạt năng suất cao
Những năm gần đây tình hình biến đổi khí hậu và dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng diễn biến phức tạp, nhất là bệnh hoại tử gan tụy cấp. Mầm bệnh này thường xuất hiện khi tôm thả nuôi dưới 1 tháng do sự thay đổi môi trường và sức đề kháng của tôm kém dẫn tới vi khuẩn dễ tấn công gây chết hàng loạt, khiến người nuôi trắng tay.
Đứng trước tình hình trên, doanh nghiệp tư nhân thủy sản Đắc Lộc đã hợp tác với Cty Aquaculture Promotion Co., Ltd (thuộc Tập đoàn C.P tại Thái Lan) xây dựng thành công mô hình “Ương nuôi tôm giống Green House" theo quy trình Biofloc” tại khu SX giống thủy sản công nghệ cao ở xã Xuân Hải, TX Sông Cầu, Phú Yên.
Doanh nghiệp triển khai 2 hệ thống Green House, với tổng số ao ương là 32 ao nuôi trong nhà lưới. Ao ương được thiết kế với diện tích 500m2, bạt HPDE có độ dày 0,5mm, phủ bờ và đáy ao nhằm ngăn chặn sự thấm, thoát nước ra ngoài môi trường, đồng thời đầu tư xây dựng hệ thống cấp thoát nước riêng biệt. Trong đó, hệ thống nước cấp được thiết kế cao trình chỉ cần mở van nước tự động cấp vào các ao, giúp giảm điện năng, máy móc trong quá trình SX. Riêng ao ương Green House được thiết kế hệ thống ống dẫn tới ao nuôi để sang tôm, giúp cho tôm di chuyển một cách tự nhiên, tránh gây stress và giảm tỷ lệ hao hụt.
Ông Lê Hữu Tình, PGĐ Cty Đắc Lộc cho biết, áp dụng mô hình Green house, toàn bộ hệ thống ương nằm trong nhà lưới, giảm thiểu sự tác động của môi trường, giúp biên độ dao động nhiệt và các yếu tố khác giữa ngày và đêm không chênh lệch nhiều, từ đó giảm sự phát triển của tảo, tạo ra môi trường ổn định để tôm phát triển. Bên cạnh đó, việc sử dụng lưới có thể ngăn các địch hại trung gian gây bệnh như chim, cò hay cua, còng qua ao nên đảm bảo an toàn sinh học trong quá trình ương.
Mô hình "Ương nuôi tôm giống Green House" theo quy trình Biofloc và SX khép kín của Đắc Lộc đã được tổ chức Bureau Veritas của Pháp đánh giá cao và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP từ năm 2013.
Hiện Đắc Lộc chủ yếu ương tôm giống từ PL12 thành PL40. Thời gian ương từ 25 - 30 ngày tôm sẽ đạt kích cỡ tương đương 1,5 - 2gr/con. Tôm giống PL40 có nhiều ưu điểm vượt trội như đề kháng tốt với sự thay đổi đột ngột thời tiết, môi trường và rút ngắn thời gian nuôi từ 95 - 100 ngày xuống còn 65 - 70 ngày. Nhờ đó đã giảm chi phí thức ăn từ 15 - 20% (tương đương 140 - 160 triệu đồng/ha/vụ). Hơn nữa tôm tăng trưởng nhanh, tăng năng suất nuôi lên 20 - 30% (tương đương 400 - 600 triệu đồng/ha/vụ).
“Tôm ương khi thả ra ao nuôi có tốc độ tăng trưởng nhanh, đồng đều, tỷ lệ sống cao, rút ngắn thời gian nuôi thương phẩm, hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi, giảm chi phí nuôi giai đoạn đầu, tăng vụ nuôi và sản lượng…”, ông Tình chia sẻ.
Thực tế cho thấy tôm ương của Đắc Lộc cung cấp cho người nuôi ở các vùng lân cận đều cho hiệu quả cao và ổn định. Riêng Đắc Lộc hàng năm bộ phận nuôi tôm thực nghiệm thả từ 4 - 5 vụ, cho năng suất đạt từ 140 - 160 tấn/ha, sản lượng 1.200 - 1.500 tấn tôm nguyên liệu.
Ao nuôi ương của Đắc Lộc
Ngoài cung cấp tôm giống, Đắc Lộc còn tiến hành chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao mô hình ương nuôi cho khách hàng trên cả nước, giúp người nuôi ứng dụng và làm chủ công nghệ nhằm giảm bớt diện tích nuôi bỏ hoang phí.
Với những kết quả thành công trong việc nuôi ương tạo con giống tôm sạch bệnh, chất lượng, trong thời gian tới Đắc Lộc sẽ tạo chuỗi liên kết với người nuôi tôm từ việc cung cấp tôm ương giống, thuốc, thức ăn hóa chất… chuyển giao công nghệ và quy trình kỹ thuật đến bao tiêu sản phẩm. Và trong tương lai, Đắc Lộc sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản theo chuỗi giá trị gia tăng, đạt chuẩn quốc tế, đưa sản phẩm thủy sản của Phú Yên nói riêng và thủy sản Việt Nam ra thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh ven biển miền Trung đưa lại lợi nhuận cao cho người nông dân, trong đó có mô hình đạt lợi nhuận 3 tỷ đồng/ha/năm.
Huyện Đông Hòa đã triển khai một số mô hình nuôi tôm xen ghép với đối tượng nuôi khác như tôm thẻ chân trắng nuôi ghép với cua xanh, cá rô phi… đem lại hiệu quả
Việt Nam giàu tiềm năng phát triển sản xuất đối tượng này, nhưng để thành công, cần phải giải quyết “bài toán” cung cấp đủ giống có chất lượng tốt.