Phú Yên: Phát triển nuôi tôm xen ghép ở Đông Hòa
Huyện Đông Hòa đã triển khai một số mô hình nuôi tôm xen ghép với đối tượng nuôi khác như tôm thẻ chân trắng nuôi ghép với cua xanh, cá rô phi… đem lại hiệu quả cao cho người dân.
Nuôi tôm xen ghép đem lại hiệu quả bền vững Ảnh: CTV
Theo nhiều hộ dân ở huyện Đông Hòa, trước đây, để hạn chế ô nhiễm, người dân nuôi thủy sản đã chia ao nuôi ra thành hai ao nhỏ gồm ao nuôi tôm và ao xử lý nước. Còn hiện nay, họ không chia thành hai ao nhỏ nữa mà thả cá rô phi trực tiếp vào ao nuôi tôm. Kết quả mấy vụ nuôi gần đây, tình trạng ô nhiễm trong ao nuôi đã được cải thiện, tôm cá nuôi đều phát triển tốt. Vụ nuôi tôm năm 2017, nhiều hộ vẫn tiếp tục áp dụng mô hình này.
Ông Lê Thanh Hải, một hộ nuôi tôm ở xã Hòa Hiệp Nam chia sẻ, từ năm 2014, nhờ sự hỗ trợ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và Trạm Khuyến nông TP Tuy Hòa, gia đình ông đã triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ Semi-biofloc trên 2 ao nuôi với diện tích 9.660 m2. Sau 3 tháng nuôi, ao thứ nhất có diện tích 5.960 m2 thu hơn 5,6 tấn, bình quân tôm cỡ 81 con/kg; ao thứ hai có diện tích 3.700 m2 thu gần 2,4 tấn, tôm cỡ 70 con/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi hơn 660 triệu đồng. Hiện gia đình ông vẫn triển khai mô hình này và có thu nhập tương đối ổn định. Mô hình này đòi hỏi kỹ thuật rất cao, đầu tư trang thiết bị lớn, nhất là khâu quạt nước phải thường xuyên. Để mô hình này phát huy hiệu quả, vùng nuôi cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng như hệ thống kênh mương, điện và quy hoạch riêng vùng chuyên canh…
Ông Huỳnh Hùng, xã Hòa Hiệp Nam cho biết, gia đình ông nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với cua xanh. Lúc tôm mới thả, ông dùng cám ủ men vi sinh làm thức ăn cho tôm nên đường ruột tôm rất tốt. Sau hơn nửa tháng, tôi mới cho tôm ăn thức ăn công nghiệp. Tất cả quy trình nuôi đều sử dụng vi sinh nên tôm phát triển tương đối tốt.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Đông Hòa, năm 2016, địa phương đã hỗ trợ 600 kg cá rô phi giống cho người nuôi tôm ở các xã Hòa Hiệp Nam, Hòa Tâm, Hòa Xuân Đông và thị trấn Hòa Hiệp Trung để nuôi xen ghép. Kết quả ở các ao này, tôm phát triển tốt, cá rô phi đã giúp xử lý thức ăn thừa, hạn chế ô nhiễm môi trường. Hầu hết ao nuôi tôm xen ghép cá rô phi đều có lãi từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Năm nay, huyện Đông Hòa tiếp tục triển khai các mô hình nuôi tôm xen ghép, chủ yếu là ghép với cá rô phi.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Đông Hòa, diện tích nuôi tôm nước lợ năm 2016 trên địa bàn huyện khoảng 1.010 ha; trong đó, tại vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch khoảng 810 ha.
Có thể bạn quan tâm
Lạm dụng thuốc BVTV, không chỉ gây khó khăn lớn cho XK nông sản, mà XK thủy sản cũng đang bị ảnh hưởng, nhất là những loại thủy sản nước ngọt như cá tra.
Tổ hợp tác nuôi tôm - lúa có 4 hộ nông dân tham gia, tổng diện tích 8ha, sản lượng tôm sú cung ứng ra thị trường hàng năm đạt khoảng 8 tấn.
Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh ven biển miền Trung đưa lại lợi nhuận cao cho người nông dân, trong đó có mô hình đạt lợi nhuận 3 tỷ đồng/ha/năm.