Ương Cá Lăng Nha Trên Bể Lót Bạt
Kỹ sư Trần Phùng Hoàng Tuấn, Trung tâm Giống thủy sản An Giang vừa thực hiện thành công đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng quy trình ương cá lăng nha trên bể lót bạt”.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: Các chỉ tiêu môi trường nằm trong giới hạn phù hợp cho cá lăng nha sinh trưởng và phát triển; tốc độ tăng trưởng về khối lượng cá đạt từ 0,46 - 0,7g, chiều dài cá 0,85 - 3 cm; tỷ lệ sống sau 35 ngày ương dao động từ 73 - 86%.
Lợi nhuận từ hai mô hình thu được 11,4 - 14,35 triệu đồng, tỷ suất lợi nhuận 40 - 53%. Cá rất đều nhau, tỷ lệ phân đàn không đáng kể, cá rất khỏe, không có dịch bệnh trong quá trình ương và phát triển rất tốt. Tỷ lệ sống cao hơn so quy trình ương cá giống trong ao.
Thức ăn sử dụng cho cá từ 3 - 5 ngày tuổi cho ăn trứng nước theo nhu cầu của cá; từ 5-14 ngày tuổi ăn trứng nước và trùn chỉ theo nhu cầu; từ 15 ngày tuổi trở đi cho ăn thức ăn tự chế gồm 70% cá tạp và 30% thức ăn công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng sau thời gian ương cá từ 30 - 35 ngày tuổi đạt chiều dài dao động 2,3 - 3cm, trọng lượng 0,48g - 0,73g (1.400 - 2.000 con/kg).
Theo kỹ sư Tuấn: Những năm trước, cá lăng nha rất được ưa chuộng bởi thịt trắng, thơm ngon, nhưng lượng cá chủ yếu là khai thác tự nhiên, vì vậy nguồn cá tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Đây là loài rất dễ nuôi, dễ thích nghi trong ao đất, lồng bè...
Nghề nuôi phát triển kéo theo nhu cầu con giống tăng cao, do đó đề tài được thực hiện nhằm nâng cao tỷ lệ sống của cá lăng nha, nâng cao năng suất và chất lượng con giống, chủ động cung cấp con giống cho các nông hộ và hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá lăng nha trên địa bàn tỉnh.
Đề tài thực hiện từ tháng 4-2012 đến 1-2013 tại Trại Giống thủy sản Bình Thạnh cơ sở 1 và 3 (với 2 nghiệm thức, 3 lần lặp lại cho mỗi nghiệm thức). Mục tiêu nhằm xây dựng quy trình ương cá lăng nha trên bể lót bạt, tỷ lệ giống kích cỡ 2.000 con/kg đạt 70 - 80%, mật độ ương 2.000 con/m2, lặp lại 3 lần vào mùa nắng và mùa mưa.
Bể ương lót bạt kích thước 21m2, thiết kế vững chắc, nơi thoáng mát, có ống cấp và thoát nước, bố trí sụt khí 24/24 giờ đảm bảo cung cấp lượng oxy cần thiết cho cá. Cá lăng nha đưa vào bể ương là cá bột 5 ngày tuổi, khỏe mạnh. Cách ương nuôi cá bột (3-5 ngày tuổi): Cá bột 3 ngày tuổi sau khi tiêu hết noãn được đưa vào bể 2 ấp 2 ngày, để tập cho cá bắt mồi tiến hành cho ăn trứng nước.
Cá được 5 ngày tuổi đưa vào bể lót bạt để ương lên cá giống, cho cá ăn trùn chỉ; cá 15 ngày tuổi cho ăn cá tạp xay trộn thức ăn viên công nghiệp. Khi ương cá cần lưu ý vệ sinh bể thay nước 2 lần/ngày, định kỳ 5 ngày kiểm tra tăng trưởng cá, không cho cá ăn vào buổi chiều... Ngoài ra, kiểm tra các yếu tố môi trường, phòng trị một số bệnh thường gặp như ký sinh trùng, xuất huyết...
Kết quả nghiên cứu đề tài được Trung tâm Giống thủy sản An Giang chuyển giao cho các tổ sản xuất giống trên địa bàn tỉnh. Theo kỹ sư Tuấn: Cá lăng nha có thể ương mật độ cao trên bể lót bạt cao su và mật độ ương 2.000 con/m2 là hoàn toàn khả thi. Đây là quy trình có khả năng áp dụng cao, có thể tập huấn hướng dẫn các ngư dân nuôi thủy sản.
Qua đó, thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng bền vững, đa dạng đối tượng nuôi và bảo vệ giống loài này trong tự nhiên. Kỹ sư Tuấn kiến nghị mô hình này có thể thực hiện ổn định quanh năm, nên cần Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ Trung tâm Giống thủy sản kinh phí nghiên cứu quy trình sinh sản cá lăng nha trái vụ để cung cấp giống quanh năm; đồng thời, xúc tiến thị trường xuất khẩu cá lăng nha để phát triển ổn định loài cá này.
Có thể bạn quan tâm
Cá lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá trị thương phẩm cao. Trước đây, loại cá này chủ yếu được đánh bắt, khai thác từ tự nhiên. Nhưng hiện nay loài cá này là đối tượng thủy sản được bà con nuôi nhiều và cho năng suất cao
Nuôi vỗ cá bố mẹ theo 3 công thức khác nhau. Sử dụng 3 ao F6 (1030m2), D4 (950m2) và B2 (1020m2) để nuôi vỗ cá bố mẹ. Các ao có mức nước sâu 1,2 – 1,5m, bờ ao lát bê tông có các góc lượn tròn, độ sâu bùn đáy từ 0,25 – 0,30m.
Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá trị thương phẩm cao. Trước đây, loại cá này chủ yếu được đánh bắt, khai thác từ tự nhiên.
Cá lăng nha có tên khoa học là Mystus Wyckiioides, là loài cá nước ngọt, sống nhiều ở các nước châu Á, đặc biệt là các nước thuộc vùng châu thổ sông Mê Kông.
Nuôi cá lăng nha đuôi đỏ trong lồng bè là một mô hình hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho ngư dân vùng sông nước đầu nguồn huyện An Phú. Cá lăng nha đuôi đỏ đặc sản mở ra triển vọng mới trong nghề nuôi thủy sản ở An Giang...