Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Úa Mùa Cau, Đau Mùa Dưa

Úa Mùa Cau, Đau Mùa Dưa
Ngày đăng: 22/04/2014

Những ngày giữa tháng 4 này đang là chính vụ thu hoạch cau ở miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) và dưa hấu tại các huyện đồng bằng. Thế nhưng, trên những ngọn cau sai trái, quả chín đã chuyển vàng rụng hay dưới những thửa ruộng, dưa hấu đã nứt toác nhưng chẳng được thu hoạch bởi giá rẻ như bèo.

Xóa sổ cây xóa nghèo

Cau từng một thời là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo của huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi). Thế nhưng, khoảng 5 năm trở lại đây, khi mà giá cau ở huyện miền núi heo hút này bị thương lái Trung Quốc thâu tóm thì có lúc lên rất cao, có lúc lại rớt thảm hại mà rớt thì nhiều hơn lên nên cau rơi vào ế ẩm, diện tích cứ thu hẹp lại dần khiến lãnh đạo huyện Sơn Tây cuống cuồng tìm giải pháp giữ diện tích trồng cau nhưng cũng chẳng được.

Đang nhặt những quả cau chín rụng đỏ dưới những gốc cau, chị Đinh Thị Trên ở xã Sơn Dung cho biết: “Gia đình tôi trồng khoảng 1.000 cây cau, những năm trước cau tươi được giá, mỗi mùa thu hoạch gia thu về tiền triệu. Tuy vậy, năm nay giá cau xuống thấp, số tiền thu về chẳng được bao nhiêu”.

Theo chị Trên, trước đây thương lái thu mua cau tươi, nhưng những năm gần đây thương lái chỉ mua cau hạt với giá từ 4.000 đồng- 5.000 đồng/kg. “Ngày trước người ta mua cau tươi thì mình chỉ việc hái cau về bán thôi, nhưng bây giờ mình hái cau về còn phải tách bỏ vỏ lấy hạt mới bán được rất mất thời gian.

Cứ khoảng 2-3kg quả tươi mình tách bỏ hết vỏ thì được khoảng 1kg hạt tùy theo quả cau nhỏ hay lớn mà giá thì thấp nên chẳng có ai muốn làm” – chị trên nói thêm. Chỉ tay về phía những hàng cau trĩu quả, anh Đinh Văn Xinh ở xã Sơn Dung lắc đầu: Cau thì sai quả đấy nhưng giá cả như thế này nhiều khi không muốn thu hoạch, bởi có khi tiền bán cau không đủ tiền công hái.

Anh Xinh tính, vừa công hái cau và bóc vỏ cau, một người làm giỏi lắm một ngày chỉ được khoảng 10kg cau hạt. Với giá bán hiện nay, bình quân chỉ được khoảng trên 50 nghìn đồng. Trong khi đó, tiền công đi phát rẫy keo, chặt keo, lột vỏ keo... cũng từ 120.000 đồng- 150.000 đồng/ngày.

Cau không được hái, chủ các lò sấy cau cũng thất thu. Chị Nguyễn Thị Kim Ánh ở thôn Huy Măng (xã Sơn Dung), chủ cơ sở chế biến cau lớn nhất vùng, cho biết: Giá cau ruột tươi (quả cau chín, bổ bỏ vỏ) hiện có giá từ 5.000-5.200 đồng/kg.

Thế nhưng lượng cau mà người dân đem bán giảm rất nhiều. “Mấy năm trước thì sau 4 tháng thu hoạch (bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 4), lượng cau tươi mà tôi mua ước gần 200 tấn. Tuy nhiên năm nay, dù vụ cau đã đi qua nửa thời gian, nhưng mới chỉ mua được khoảng 1/4 lượng đó” – chị Ánh tính toán.

Được xem là xứ sở của cau, ở Sơn Tây, cây cau phủ kín khắp các vườn nhà, vườn đồi và hầu như người dân nơi đây, nhà nào cũng có trồng cau. Theo thống kê, toàn huyện Sơn Tây hiện có khoảng hơn 1.400 ha cau, trong đó có khoảng 80% diện tích cho quả. Vậy nhưng, cây xóa đói giảm nghèo một thời nay có nguy cơ bị xóa sổ dưới sự bất lực của chính quyền địa phương bởi đầu ra do tư thương nước ngoài nắm giữ.

Dưa - năn nỉ người mua

Dọc theo những con đường làng dẫn về các xã Tịnh Trà, Tịnh Hiệp, Tịnh Thọ… (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) là mảnh của những quả dưa hấu được vứt đầy hai bên đường.

Đến nỗi, người dân đem hái dưa về cho bò ăn, nhưng bò ăn mãi rồi cũng ngán. Vậy nên, ở những hộ trồng nhiều dưa, hái về không bán được để lâu ngày dưa hư hỏng bốc lên mùi chua ngai ngái. Dưa bỏ trắng đồng, đồng nghĩa với việc người nông dân không những trắng tay mà ôm theo cục nợ vì số tiền bỏ ra đầu tư trồng dưa quá lớn.

Bà Nguyễn Thị Cúc (67 tuổi) ở xã Tịnh Hiệp đang hì hụi “vác” những quả dưa to tròn vo cho vào võng để khiêng về nhà, chẳng thèm ngước nhìn người đối diện, nói luôn một hồi: “dưa với chả dây, đổ mồ hôi mấy tháng trời, mát lòng mát dạ khi thấy dưa lớn phổng phao chỉ chờ ngày hái về bán.

Ai dè, đến kỳ thu hoạch, giá thấp thê thảm. Để ngoài ruộng thì mưa xuống nứt toác, đem về nhà thì chẳng có ai đến hỏi mua. Kiểu gì cũng chết”. Cạnh nhà bà Cúc, là ông Phạm Văn Anh cũng đang méo mặt vì vụ dưa này lỗ chỏng gọng.

“Tôi bỏ ra 80 triệu đồng để trồng 2 ha dưa. Đầu vụ, vì 1 ha dưa chín sớm nên chịu lỗ gần 30 triệu đồng để bán cho thương lái với giá 800 đồng/kg. Giờ còn 1 ha đang chín rộ, đi năn nỉ nhiều thương lái đến mua giùm nhưng ai cũng từ chối. Để lâu ngoài đồng, nhiều trái dưa đã nứt toác, chín úng mà bất lực không biết làm sao”.

Một số hộ hái về chất đống cho trâu, bò ăn dần. “Nhưng dưa nhiều quá, trâu, bò ăn hoài không hết. Đến 2 con bò của gia đình cũng chẳng thèm ăn nữa. Chắc đành bỏ thúi cả trăm triệu đồng đầu tư trồng dưa mất thôi!”- Chị Nguyễn Thị Lên, ngụ xã Tịnh Trà than thở.

Dọc đường về Sơn Tịnh, chỉ duy nhất bắt gặp một chiếc xe tải mang biển số Quảng Nam đang thu mua dưa của người dân. Dừng lại hỏi mấy nhân viên đang chất dưa lên xe, nói là gom dưa giùm cho chủ chứ không biết hai bên (chủ dưa và người mua) mua bán thế nào. Lái xe Nguyễn Văn Thanh cho biết đầu vụ, hàng chục xe nhộn nhịp về Sơn Tịnh mua dưa, nhưng do cả nửa tháng nay bị “tắc” tại cửa khẩu Tân Thanh qua Trung Quốc nên chẳng có xe nào về được để thu mua nữa.

Chủ tịch MTTQVN xã Tịnh Hiệp ông Huỳnh Đoàn ngao ngán khi được hỏi về dưa: “Lỗ tàn canh. Sơn Tịnh có hơn 2.000ha dưa thì Tịnh Hiệp đã có hơn 1.300ha, đó là chưa kể đến diện tích tự phát. Dưa ế là hậu quả của việc trồng theo phong trào thôi. Xã khuyến cáo rồi mà không nghe đấy”.

Câu nói của ông Đoàn nghe có vẻ chua chát và mỉa mai nhưng đó lại là một thực tế đang diễn ra lâu nay không chỉ của miền Trung. “Vậy nhưng, cũng chẳng thấy ngành Nông nghiệp có khuyến cáo hay quy hoạch vùng trồng dưa” – một cán bộ Sở NN&PTNT Quảng Ngãi thừa nhận.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Mô Hình Sản Xuất Rau Áp Dụng Phương Pháp Ủ Phân Hữu Cơ Vi Sinh Hiệu Quả Mô Hình Sản Xuất Rau Áp Dụng Phương Pháp Ủ Phân Hữu Cơ Vi Sinh

Phân bón đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài tác dụng cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh hại, phân bón còn có tác dụng tăng cường độ phì nhiêu cho đất và bảo vệ môi trường.

29/07/2013
Phát Triển Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Hàng Vịnh (Cà Mau) Phát Triển Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Hàng Vịnh (Cà Mau)

Mô hình nuôi tôm quảng canh truyền thống trong thời gian qua gặp nhiều rủi ro do thời tiết, dịch bệnh. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất của Huyện ủy Năm Căn, năm 2012, UBND xã Hàng Vịnh (Cà Mau) phát động nhân dân thực hiện mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến.

01/10/2012
Mô Hình Sản Xuất Tỏi Theo Hướng An Toàn Mô Hình Sản Xuất Tỏi Theo Hướng An Toàn

Ngày 01-3, tại xã Nhơn Hải (Ninh Hải), Ban quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Trung tâm tư vấn và phát triển công nghệ (Viện nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố) tổ chức Hội thảo đầu bờ Mô hình sản xuất tỏi theo hướng an toàn.

29/07/2013
Sử Dụng Nấm Xanh Diệt Rầy Nâu Sử Dụng Nấm Xanh Diệt Rầy Nâu

Ngày nay, trong sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Long An đã biết hạn chế sử dụng thuốc hóa học, chuyển sang hướng sinh học có lợi hơn cho môi trường. Họ đã không ngại khó, chủ động nuôi nấm xanh để phòng trừ rầy nâu trên lúa, góp phần giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm trong sản xuất.

21/06/2013
Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Ba Ba Ở Kiến Xương (Thái Bình) Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Ba Ba Ở Kiến Xương (Thái Bình)

Những năm qua, phong trào nuôi trồng thủy sản ở Kiến Xương (Thái Bình) ngày càng phát triển với nhiều đối tượng vật nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó phải kể đến ba ba. Nhờ mạnh dạn đưa ba ba vào nuôi, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

05/10/2012