Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Tỷ phú rau sạch tiết lộ bí quyết giữ người

Tỷ phú rau sạch tiết lộ bí quyết giữ người
Tác giả: Hữu Ký
Ngày đăng: 26/12/2015

Xuất thân là nông dân nên khi thấy cảnh ruộng đồng bị bỏ hoang, ông Nguyễn Văn Trải (còn gọi Tư Trải, 56 tuổi, ngụ xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh) thấy xót và quyết thuê lại để trồng hoa màu.

Sau nhiều năm, ông đã xây dựng được trang trại rau sạch với quy mô hơn 30ha, mỗi năm thu về hàng tỷ đồng.

Mạnh dạn cải tạo đất hoang

Trang trại rau sạch của ông Tư Trải nằm trên diện tích rộng lớn, bằng phẳng bên dòng kênh Đông hiền hòa.

Tại đây không gian thoáng đãng, đất trù phú, nguồn nước tưới dồi dào quanh năm.

Một mầm xanh đầy sức sống.

Dù đã được nghe kể về quy mô trại rau nhưng lần đầu tiên đến chúng tôi vẫn bị choáng ngợp bởi không thể tưởng tượng được ở thành phố đất chật người đông như TP.HCM lại có một trang trại rau rộng lớn đến hơn 30ha như vậy.

Để đi thăm các khu trồng rau, ông Tư Trải phải chạy xe máy dẫn chúng tôi đi vì nếu đi bộ phải mất nhiều giờ đồng hồ.

Càng đi vào sâu bên trong chúng tôi càng nể phục cách làm bài bản của ông.

Tại đây ông chia đất ra từng khu để trồng 8 loại rau ăn quả khác nhau như: Bầu, bí, dưa leo, cà, khổ qua, mướp… Có loại ông trồng ít thì 3 – 5ha, còn nhiều thì cả chục ha.

Cây trồng đều được lên liếp thẳng tắp, có giàn bằng tre.

Do thổ nhưỡng thuận lợi cùng với được chăm sóc tốt nên cây cối phát triển xanh tốt và cho  hoa, quả quanh năm.

Chỉ tay về những ruộng rau bạt ngàn, ông Tư Trải cười nói: “Ở vùng đất Củ Chi này chắc không tìm được nơi nào có vị trí thuận lợi vậy.

Giờ thì nhìn ham vậy đó, chứ cách đây gần 20 năm đây chỉ là khu đất bỏ hoang, có những hố bom lồi lõm, cỏ dại mọc um tùm, chỉ nhìn thôi đã thấy sợ.

Có một số người trồng rau quy mô nhỏ lẻ nhưng chỉ một vài vụ là bỏ của chạy lấy người”.

Ông kể, vốn là một nông dân gắn bó với ruộng đồng nên khi thấy đất bỏ hoang ông tiếc lắm, ông bèn bàn với vợ thuê lại để trồng rau.

Thế là bao nhiêu vốn liếng được ông dồn vào cải tạo đất, san lấp mặt bằng, phát quang cây bụi, vét đất làm đường đi…

Ban đầu ông trồng 2ha, sau khi thu hoạch ông dư ra một khoản để mở rộng diện tích trang trại.

Sau đó, mỗi năm ông lại mở rộng thêm diện tích lên 5ha, 7ha, 10ha, 13ha, 17ha và đến nay là 30ha.

Cùng với việc mở rộng diện tích đất trồng, ông cũng đầu tư rất nhiều tiền để cải tạo kênh mương dẫn nước, làm đường đi để vận chuyển nông sản với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Nhưng số tiền đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ sau 3 vụ đầu ông đã thu hồi lại được.  

Theo ông, nhờ có sẵn kinh nghiệm trồng rau ăn quả, cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi nên từ khi lập trại rau này ông liên tục được mùa.

Cũng nhờ vậy mà ông mới dám mạnh dạn mở rộng diện tích đất sản xuất, biến khu đất hoang thành trang trại rau rộng lớn như ngày hôm nay.

Không chỉ năng suất cao, sản phẩm rau củ từ trang trại của ông cũng được làm theo quy trình “sạch”, không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nên được khách hàng ưa chuộng, đầu ra ổn định.

Hiện ông không chỉ cung cấp rau sạch cho chợ đầu mối mà còn liên kết cung cấp cho một số HTX trên địa bàn.

Sản phẩm từ trang trại của ông mỗi ngày xuất bán ước chừng lên đến vài tấn.

Khi hỏi về lợi nhuận, ông Tư Trải thật tình cho biết, do thời gian của ông dành hết cho ruộng đồng nên không biết chính xác con số, chỉ ước chừng mỗi năm thu lợi cả tỷ đồng.

Nhờ trang trại rau này, cuộc sống gia đình ông đã khấm khá, ông mua được hơn 2ha đất, cất được nhà khang trang.

Bên cạnh đó ông cũng giúp giải quyết, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương và các nơi khác đến.

Chăm lo tốt cho người lao động

  Với những thành tích trong lao động sản xuất, ông Nguyễn Văn Trải đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi, nông dân tiêu biểu của thành phố trong nhiều năm liền.

Mô hình trồng rau của ông cũng vinh dự được Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đến tham quan vào dịp Tết Nguyên đán 2015.

   

Chia sẻ về “bí quyết” thành công của mình, ông Trải cho biết đó là nhờ dám làm quy mô lớn.

Với cách này, cây trồng cho thu hoạch quanh năm, nếu một loại bị thất thu sẽ có loại khác đắp vào.

Trong quá trình trồng ông cũng phải tính toán chọn “điểm rơi” của giá cả, mùa vụ để bố trí trồng cây cho hợp lý.

Bên cạnh đó ông cũng tích cực tận dụng các liếp đất có sẵn để trồng xen canh các loại cây.

Chẳng hạn như ông trồng xen cà pháo trên các liếp bí, liếp dưa… hoặc khi thấy màn phủ nylon còn tốt, ông kêu người nhổ gốc dưa leo đi để gieo hạt bầu vào đó.

Đặc biệt, thành công nhất của ông chính là biết “giữ người”.

Trang trại của ông có đến hàng trăm lao động, trong đó 70 - 80% là người Khmer từ các tỉnh miền Tây lên.

Các lao động ở đây đều được ông cất nhà tạm cho ở, kéo điện, đào giếng (gần 20 nhà) để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Vào dịp tết ông cũng luôn tặng quà, thăm hỏi các nhân công.

Nhờ vậy các lao động luôn làm việc hết mình, rồi rủ thêm bà con, họ hàng cùng lên làm cho ông. 

“Họ đều là người nghèo ở quê nghèo, lên đây với tay trắng.

Làm ở đây một thời gian, ai cũng mua được xe máy, mua được tivi, có tiền gửi về quê.

Cuộc sống công nhân ở đây rất khỏe, chỉ phải mua mắm muối vì rau có sẵn, cá dưới kênh cũng có, chỉ cần chịu khó đánh bắt là cải thiện bữa ăn.

Mỗi năm tôi đều trồng 5 – 6ha lúa, chủ yếu cũng để phát cho người làm.

Riêng về công việc, tùy theo khả năng lao động, theo độ tuổi mà tôi bố trí làm những công việc khác nhau.

Người khỏe mạnh thì khuân vác hàng, người già thì đóng gói, trẻ em thì có thể bỏ dăm.

Ở đây không thiếu việc làm, trừ khi công nhân có việc  xin nghỉ”- ông Tư nói.

Bà Trần Thị Thon (dân tộc Khmer, quê Sóc Trăng) cho biết, 3 người con của bà đã lên làm việc cho ông Tư Trải được nhiều năm nay.

Thấy điều kiện làm việc tốt, có thu nhập quanh năm nên cách đây hơn 2 năm bà cũng xin lên làm việc.

Hiện nay do lớn tuổi nên bà chỉ làm công việc đóng gói, nhưng mỗi tháng vẫn có thu nhập 3 – 4 triệu đồng.

Từ khi lên đây làm, cuộc sống đỡ vất vả hơn ở dưới quê.

Còn anh Tăng Thương (người Khmer, cùng quê Sóc Trăng) cho biết anh lên trồng rau đã được hơn chục năm nay.

Ở đây các công nhân được chăm lo tốt về đời sống, đặc biệt có việc làm quanh năm.

Riêng đối với anh, trong quá trình làm việc ở đây anh cũng đã lấy vợ và sinh được 2 con.

Hai vợ chồng anh được ông Tư Trải tạo điều kiện cất nhà cho ở, không phải ở thuê bên ngoài.

Mỗi tháng anh có thu nhập 4,5 triệu đồng, vợ anh cũng làm thêm các công việc trong trại rau nên cuộc sống ổn định. 


Có thể bạn quan tâm

Hỗ Trợ Sản Xuất Rau Sạch, Thịt Sạch Hỗ Trợ Sản Xuất Rau Sạch, Thịt Sạch

Trong dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, một trong những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp là xây dựng thương hiệu và thị trường sản xuất rau sạch và thịt sạch.

18/06/2012
Không Phải Cứ Rau Xấu, Có Sâu Là Rau Sạch Không Phải Cứ Rau Xấu, Có Sâu Là Rau Sạch

Lý do bởi người ta phun nhiều quá, sâu bị nhờn thuốc không chết hoặc người bán cố tình bắt sâu thả vào rau. Còn muốn ăn rau cằn xấu ư, đơn giản thôi, chỉ cần “đánh thuốc” đậm một chút là xong.

10/05/2014
Cách nhận biết rau an toàn, rau sạch và rau trồng đại trà Cách nhận biết rau an toàn, rau sạch và rau trồng đại trà

Cần có rau an toàn, thế nhưng làm sao để phân biệt rau trồng đại trà, rau an toàn và rau sạch, thì rất ít người tiêu dùng biết. Thậm chí biết, nhưng cũng khó phân biệt được.

12/10/2015
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.