Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tỷ Phú Nông Dân Ở... Bãi Sông

Tỷ Phú Nông Dân Ở... Bãi Sông
Ngày đăng: 01/04/2014

Khu trang trại rộng hơn 5ha của vợ chồng chị Nguyễn Thị Trang-Nguyễn Đức Đình nằm ngoài đất bãi sông Đuống. Nhờ thức thời, mạnh dạn áp dụng những mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới, khu trang trại của vợ chồng chị Trang mỗi năm cho thu nhập tiền tỷ.

Trang trại của gia đình chị Trang nằm ở cánh đồng bãi thôn Vạn Ty, ngay cạnh con sông Đuống phong cảnh hữu tình với bạt ngàn màu xanh rau quả thực phẩm. Chị Trang cho biết, khu trang trại được vợ chồng chị thuê đất với thời hạn thuê 20 năm và mới gây dựng từ hơn 3 năm nay…

“Ba mũi giáp công”: Bò, cá, rau

Khu trang trại được vợ chồng chị Trang chia thành 3 khu sản xuất gồm khu chuồng trại nuôi bò; khu ao nuôi cá thương phẩm rộng hơn 1ha và khu sản xuất rau màu thực phẩm. Nhiều người ví, nuôi bò, nuôi cá và trồng rau màu như 3 mũi “giáp công” mang lại thu nhập tiền tỷ cho vợ chồng chị Trang ngay trong những năm đầu lập nghiệp.

Khu nuôi bò được vợ chồng chị Trang xây dựng thoáng đãng bao gồm 45 ô chuồng. Rất nhiều ô chuồng, nhưng lác đác chỉ thấy vài con bò, con nào cũng đeo tai. Chị Trang phân trần: “Lúc đông thì cả 45 ô chuồng đều chật kín bò, lúc thưa thì chỉ còn vài con.

Vợ chồng em không nuôi bò sinh sản, mà chủ yếu đi tìm mua những con bê mã đẹp, nguồn giống tốt rồi mang nuôi tầm 3 tháng thì bán để cho người ta làm bò giống. Dân ở đây gọi là gột bê ấy mà…”, chị Trang giải thích. Nhờ có kinh nghiệm gột bê giống, nên 2 năm nay, vợ chồng chị Trang nhận được sự tín nhiệm của nhiều chương trình từ thiện, dự án giảm nghèo thông qua việc tặng, hỗ trợ hộ nghèo, trong đó có Hội Chữ thập đỏ.

Cũng như các xã khác ven sông Đuống, Thái Bảo có nhiều diện tích vùng phù san sông Đuống phù hợp với các cây rau màu thực phẩm, trồng ngô và các loại cỏ. Đây là nguồn thức ăn xanh quan trọng đối với những mô hình chăn nuôi bò như gia đình chị Trang.

“Phải tìm được bê con khỏe mạnh, đẹp mã, có nguồn giống bố mẹ đảm bảo. Đưa về trang trại, ngoài chế độ ăn uống đảm bảo thì bê con còn được tiêm phòng, theo dõi tình hình sức khỏe, sau 3 tháng thì mới xuất bán cho đối tác…Tùy theo nhu cầu của đối tác mà vợ chồng tôi gột bê giống nhiều hay ít. Có năm nhu cầu cao thì nuôi gột tới vài trăm con, năm nhu cầu thấp thì cũng gột tới gần 100 con” - chị Trang cho hay.

Khu ao nuôi cá trong trang trại của vợ chồng chị Trang rộng hơn 1ha được đào sâu nên dù mùa hè hay mùa đông thì mực nước đều sâu.

Cá nuôi trong ao là các giống trắm cỏ, trôi, mè, chép, rô phi đơn tính. Do ao nuôi nằm ngoài đê sông Đuống nên dù thả nuôi với mật độ hơi dày nhưng cá vẫn phát triển tốt nhờ nguồn nước tốt và chế độ chăm sóc. Năm 2012, vợ chồng chị Trang thu 280 triệu đồng từ 1ha nuôi cá. Số tiền bán cá năm 2013 tăng lên 300 triệu đồng.

Với 8 mẫu trồng cà rốt, 2 năm nay bình quân mỗi năm gia đình chị Trang có doanh thu xấp xỉ 1,2 tỷ đồng.

Áp dụng mô hình sản xuất mới

Bên cạnh tính tháo vát, chăm chỉ, vợ chồng chị Nguyễn Thị Trang-Nguyễn Đức Đình còn có tiếng là những người mạnh dạn học hỏi, áp dụng những mô hình sản xuất mới. Vợ chồng chị là một trong những người đầu tiên đưa cây cà rốt về thâm canh trên vùng đất bãi sông Đuống.

Cách đây 3 năm, khi được thuê hơn 5ha trang trại với thời hạn thuê 20 năm, vợ chồng chị Trang quyết định dành phần lớn diện tích để thâm canh cây cà rốt. “Thị trường đầu ra cho cà rốt mấy năm nay rất tốt, ngoài việc bán cho thương lái thì còn bán cho các nhà máy, xí nghiệp chế biến rau quả thực phẩm.

Chính vì có đầu ra tốt nên vợ chồng tôi quyết định trồng cà rốt theo hướng thâm canh…”, chị Trang chia sẻ. Ba năm nay, trang trại của gia đình chị Trang luôn duy trì 8 mẫu (2,8ha) trồng cà rốt. Bình quân, mỗi năm trang trại xuống giống 2 vụ cà rốt.

Theo chị Trang, tính là cây trồng mới, nhưng nếu học hỏi kỹ thì trồng cà rốt không khó. Đất bãi cày tơi, làm nhỏ đất, lên luống, rắc vôi, phân lân, phân gà rồi gieo hạt. Khi cà rốt được 1 tháng thì tiến hành tỉa bớt đảm bảo mật độ cây vừa phải để phát triển củ. Cà rốt sau 4-5 tháng gieo hạt và chăm sóc thì được thu hoạch, năng suất bình quân đạt 2,5 tấn/sào, giá trị bình quân đạt từ 7-9 triệu đồng/sào tùy vào diễn biến thị trường khi thu hoạch.

Năm 2013, vợ chồng chị Nguyễn Thị Trang mạnh dạn đưa một loại cây trồng “mới toanh” vào sản xuất - cây măng tây xanh. Măng tây xanh được trồng phổ biến và có giá trị ở các tỉnh Nam Bộ trong những năm gần đây.

Chị Trang bày tỏ: “Chính vì được trồng phổ biến ở miền Nam nên vợ chồng tôi cũng đắn đo khi quyết định gieo trồng. Nhưng đây là một mô hình mới do Hội ND và các ngành chuyên môn huyện Gia Bình hỗ trợ, khuyến khích nên vợ chồng tôi mạnh dạn áp dụng với diện tích làm điểm lên tới 2ha…Ngoài sự hỗ trợ kỹ thuật từ cán bộ chuyên môn, vợ chồng tôi cũng thấp thỏm dõi theo sự phát triển của cây măng tây…

Tuy là lần đầu tiên gieo trồng trên đất bãi sông Đuống của huyện Gia Bình, nhưng cán bộ kỹ thuật và vợ chồng tôi nhận định, cây măng tây xanh có thể sẽ là một trong những cây rau màu mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân…”.

Sự lo lắng, công chăm sóc, theo dõi của vợ chồng chị Trang bước đầu đã được đền đáp. Sau hơn 5 tháng gieo trồng, đến nay 2ha măng tây đã cho thu hoạch bói với sản lượng thu hái mỗi đợt đạt 100kg. Măng tây thu hái chủ yếu được bán cho các siêu thị, nhất là các siêu thị ở Hải Dương, Hải Phòng…

Ông Vũ Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội ND xã Thái Bảo cho biết, sự thành công bước đầu của mô hình măng tây xanh trên đất đồng bãi phù sa sông Đuống không chỉ mở ra cơ hội sản xuất, kinh doanh cho người dân xã Thái Bảo mà còn góp phần hình thành liên kết sản xuất giữa các hộ thâm canh các loại cây rau màu.

“Kế hoạch của địa phương cũng như của Hội ND huyện Gia Bình là muốn xây dựng một hợp tác xã măng tây xanh trên địa bàn xã Thái Bảo. Diện tích trồng măng tây xanh không chỉ dừng lại ở một vài ha đơn lẻ mà còn mở rộng thêm trong những năm tới…”.

Năm 2013, gia đình chị Nguyễn Thị Trang được chứng nhận đạt danh hiệu Hộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.

Bạn đọc có thể chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và trao đổi hợp tác với vợ chồng chị Trang qua số điện thoại: 01688.210.561.


Có thể bạn quan tâm

Phát Hiện Xác Vịt Vứt Bừa Bãi Trên Kênh Phát Hiện Xác Vịt Vứt Bừa Bãi Trên Kênh

Theo phản ánh của người dân, từ trước Tết Giáp Ngọ 2014, trên tuyến kênh TN17 thuộc địa bàn huyện Châu Thành (Tây Ninh), đoạn từ K7 đến K10+300 qua các xã Thái Bình, An Bình và Thanh Điền xuất hiện nhiều bao tải chứa vịt chết bị vứt xuống dòng kênh.

11/02/2014
Bộ Y Tế Yêu Cầu Tăng Cường Phòng Chống Dịch Bệnh Do Các Chủng Virus Cúm Bộ Y Tế Yêu Cầu Tăng Cường Phòng Chống Dịch Bệnh Do Các Chủng Virus Cúm

Bộ Y tế có công điện số 441/CĐ-BYT gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống và sẵn sàng ứng phó dịch bệnh do cúm A(H7N9) và các chủng virus cúm từ gia cầm lây sang người.

11/02/2014
Bất An Với Các “Lâu Đài” Dụ Yến Bất An Với Các “Lâu Đài” Dụ Yến

Bất chấp ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm, nhiều người ở ĐBSCL vẫn bỏ ra hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng, để xây nhà dụ chim yến giữa khu dân cư

11/02/2014
Ngành Chăn Nuôi Việt Nam Đổi Mới Để Tự Cứu Mình Ngành Chăn Nuôi Việt Nam Đổi Mới Để Tự Cứu Mình

Năm 2014 được dự báo là một năm đầy khó khăn, thách thức với ngành chăn nuôi Việt Nam trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu với khu vực và thế giới. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra cho ngành chăn nuôi là phải đẩy mạnh tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng sức cạnh tranh.

11/02/2014
Phát Sinh Ổ Dịch Lở Mồm Long Móng Phát Sinh Ổ Dịch Lở Mồm Long Móng

Tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), dịch lở mồm long móng type A đang xảy ra tại 12 xã của 3 huyện Trùng Khánh, Trà Lĩnh và Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng với 217 gia súc mắc bệnh.

11/02/2014