Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Tuyên Quang phát triển cá lồng đặc sản VietGAP

Tuyên Quang phát triển cá lồng đặc sản VietGAP
Tác giả: Đồng Văn Thưởng - Âu Vượng
Ngày đăng: 06/12/2017

Nhờ phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, hơn 10 năm qua, giá trị sản xuất của ngành thủy sản tỉnh Tuyên Quang liên tục tăng bình quân trên 20%/năm. 

Nuôi cá lồng theo quy trình VietGAP là đòi hỏi thiết yếu và mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi (ảnh: Đồng Thưởng - Việt Bắc)

Đặc biệt, 5 loài cá đặc sản quý hiếm (ngũ quý xứ Tuyên) được nuôi bằng lồng trên sông Lô, sông Gâm theo quy trình VietGAP đã chinh phục khách hàng khắp nơi.  

Địa chỉ xanh cung cấp thực phẩm sạch

Tháng 5/2016, tỉnh Tuyên Quang có 2 đơn vị là Công ty TNHH Lâm sản và Dịch vụ Long Giang và Trang trại Trương Thị Hoài Linh vinh dự nằm trong tốp 69 đơn vị dẫn đầu được Bộ NN-PTNT công bố, công nhận “Địa chỉ xanh cung cấp thực phẩm sạch”. Đây cũng là hai đơn vị nuôi trồng thủy sản nước ngọt tiên phong đầu tư tại Tuyên Quang. Các loại đặc sản gồm cá lăng, chiên, bỗng, dầm xanh và anh vũ.

Bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, một mục tiêu quan trọng trong phát triển thủy sản tại Tuyên Quang là khuyến khích các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển nuôi cá lồng theo hướng VietGAP với các loại lồng nuôi có kích thước lớn (lồng kích thước 108m3) nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cá lồng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Theo đó, Chi cục thường xuyên hướng dẫn người nuôi kiểm tra các yếu tố môi trường nước quan trọng như oxy hòa tan, pH, H2S, NH3… để có giải pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, hướng dẫn người nuôi cá theo dõi và chăm sóc cá nuôi hàng ngày để có biện pháp xử lý khi có hiện tượng bất thường xảy ra.

Khuyến cáo người nuôi không thả cá giống khi các yếu tố môi trường nước chưa đảm bảo, thực hiện nuôi theo đúng mật độ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, khoảng cách giữa các cụm lồng/bè và mật độ lồng bè phải đảm bảo theo quy định.

Người dân không được cho cá ăn thức ăn hết hạn sử dụng, thức ăn không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, đối với thức ăn tươi sống phải cho ăn theo đúng khẩu phần ăn hàng ngày, không để thức ăn dư thừa làm ô nhiễm môi trường vùng nuôi…

Anh Nguyễn Trường Minh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm sản và dịch vụ Long Giang cho biết, công ty tổ chức nuôi trồng thủy sản trên hồ sinh thái Na Hang và hồ thủy điện Chiêm Hóa với số lượng 30 lồng nuôi cá đặc sản.

Theo anh Minh, giá cá giống rất đắt nên việc chọn nuôi theo quy trình VietGAP cũng là cách để hạn chế rủi ro. Theo đó, ngoài môi trường chăn nuôi sạch thì thức ăn chăn nuôi cũng phải đảm bảo an toàn. Hàng năm, công nhân công ty đều tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá. Công nhân thường xuyên kiểm tra thức ăn và lượng cá ăn hàng ngày để điều chỉnh cho phù hợp, vệ sinh lồng cá định kỳ tạo sự thông thoáng nước trong lồng để tăng hàm lượng oxy trong nước và chống ký sinh trùng trên cá, bổ sung khoáng chất, thuốc phòng ngừa dịch bệnh cho cá khi cần thiết.

Nhờ làm tốt quy trình, sau khi được Bộ NN-PTNT công nhận là "địa chỉ xanh cung cấp thực phẩm sạch” trên toàn quốc, tháng 3/2017, công ty đã được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận cơ sở nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng cá sản xuất ra không đủ cung cấp cho các đơn đặt hàng khắp nơi. Công ty đã lập kế hoạch tiếp tục mở rộng sản xuất, ngoài cung cấp thực phẩm tươi, sẽ mở thêm dịch vụ chế biến sẵn để tiêu thụ sản phẩm ở các chuỗi nhà hàng, siêu thị thực phẩm an toàn…

Bà Trương Thị Hoài Linh (chủ trang trại Trương Thị Hoài Linh) cho biết, trang trại của bà có quy mô chăn nuôi 40 lồng cá đặc sản tại huyện Na Hang. Làm VietGAP, ngoài nguồn nước thì việc chăm sóc là yếu tố quyết định hiệu quả chất lượng cá sạch. Hàng ngày, công nhân phải giặt lồng, giặt lưới để loại bỏ rong, rêu, loại bỏ các nguy cơ có thể gây bệnh cho cá; kiểm tra, phân loại cá để có cách chăm sóc phù hợp, bởi cá bé thì phải nghiền nhỏ thức ăn trước khi cho ăn.

Để đảm bảo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá, trang trại đã ký hợp đồng thu mua cá tạp với 30 hộ đánh bắt cá trên hồ thủy điện Na Hang. Đồng thời, đầu tư hệ thống kho lạnh với sức chứa 20 tấn, qua đó, nguồn thức ăn cho cá luôn đảm bảo yêu cầu. Từ nỗ lực thực hiện đúng quy trình chăn nuôi, sản phẩm cá sạch Na Hang của trang trại được khách hàng từ nhiều nơi đặt mua từ trước.

Bà chủ trang trại cho hay, việc mở rộng sản xuất khi trang trại hoạt động hiệu quả là đương nhiên nhưng điều quan trọng và liên tục phải nỗ lực thực hiện là chủ động kỹ thuật chăn nuôi để duy trì, phát triển thương hiệu, khẳng định uy tín, giữ vững niềm tin của khách hàng.  

Đổi đời nhờ cá lồng sạch

Tháng 8/2015, trong chuyến làm việc tại tỉnh Tuyên Quang, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã đặc biệt ấn tượng với mô hình nuôi cá lồng tại xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên. Quan trọng nhất là sản phẩm có đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó với giá bán tại thời điểm đó đã lên đến 450 ngàn đồng/kg.

Đầu năm 2015, Hợp tác xã Sản xuất - kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa được thành lập. Đây cũng là hợp tác xã nuôi cá lồng đặc sản theo quy trình VietGAP đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang. HTX hiện có 10 thành viên, với 57 lồng nuôi cá, trong đó có 11 lồng nuôi cá bỗng, còn lại đều nuôi cá chiên.

Theo các thành viên của HTX tính toán, 1 con cá chiên giống trọng lượng 200 gram khi mua có giá 150 nghìn đồng, chỉ sau hơn 1 năm nuôi cá có trọng lượng từ 2,5 - 3 kg, giá mỗi kg cá chiên thương phẩm là 450 nghìn đồng/kg. Như vậy, chỉ sau 1 năm nuôi, 1 con cá chiên trừ chi phí lãi gần 1 triệu đồng. Mỗi lồng nuôi cá sẽ cho lãi gần 50 triệu đồng.

Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc HTX Sản xuất - kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa cho biết, nghề nuôi cá lồng xuất hiện ở Thái Hòa cách đây khoảng 10 năm. Từ một vài hộ đầu tiên, giờ Thái Hòa đã có gần 40 hộ nuôi trên 100 lồng cá chiên, cá bỗng. Nhờ nuôi cá lồng, các hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Chắc chắn, nghề nuôi cá lồng sẽ ổn định và phát triển mạnh hơn nữa khi con giống được đảm bảo ổn định về chất lượng và sự thích nghi.

Ông Nguyễn Đại Thành, GĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, đảm bảo quy hoạch phát triển thủy sản đúng lộ trình, Tuyên Quang đã đẩy mạnh thực hiện cơ chế, chính sách cho vay vốn phát triển cá đặc sản để khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô, phát triển mạnh số lượng lồng nuôi cá đặc sản trên sông, hồ thủy điện, đặc biệt định hướng phát triển lồng nuôi có kích thước lớn (trên 100m3), khuyến khích chăn nuôi theo quy trình an toàn, thực hành nông nghiệp tốt. Đây là bước đột phá nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương và duy trì thương hiệu cá đặc sản của tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

'Chim - thu - nhụ - đé' đang được nghiên cứu, mở ra nhiều triển vọng mới 'Chim - thu - nhụ - đé' đang được nghiên cứu, mở ra nhiều triển vọng mới

Hiện nay, nhiều đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao như cá nhụ, cá chim, cá bè vẩu... đang được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 tập trung nghiên cứu

05/12/2017
Nuôi cá rô phi VietGAP đạt hơn 15 tấn/ha Nuôi cá rô phi VietGAP đạt hơn 15 tấn/ha

Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo VietGAP tại xã Đức Thành, huyện Yên Thành có kết quả khả quan, tỷ lệ cá sống đạt 85%, dự kiến năng suất đạt 15,3 tấn/ha.

06/12/2017
Các mô hình nuôi thủy sản thương phẩm góp phần bảo vệ nguồn lợi biển Các mô hình nuôi thủy sản thương phẩm góp phần bảo vệ nguồn lợi biển

Nghề nuôi trồng thủy sản đang đóng góp rất lớn cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước, hiện nay việc tạo ra con giống chất lượng đã hạn chế rủi ro cho người nuôi

06/12/2017