Các mô hình nuôi thủy sản thương phẩm góp phần bảo vệ nguồn lợi biển
Trước đó, năm 2000, Viện III đã triển khai đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh học, kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm ốc hương”. Đề tài nghiên cứu thành công và chuyển giao công nghệ nuôi cho các địa phương...
Mô hình nuôi thủy sản thương phẩm hiệu quả góp phần giảm khai thác tận diệt
Nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) đang đóng góp rất lớn cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước, hiện nay việc tạo ra con giống chất lượng đã hạn chế rủi ro cho người nuôi thương phẩm, từ đó giảm nhu cầu khai thác con giống tự nhiên gây ảnh hưởng nguồn lợi biển.
Ông Đào Văn Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS III, cho biết, do điều kiện nuôi của người dân ngày càng khó khăn và khắc nghiệt nên các đề tài nghiên cứu về NTTS cũng phải luôn đổi mới để áp dụng thực tế với người nuôi.
Theo thống kê, để đáp ứng nhu cầu thả nuôi tôm chân trắng trên cả nước, số lượng con giống hàng năm cần trên 100 tỷ con. Số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất giống khoảng 200 nghìn con. Hiện tại nguồn tôm bố mẹ cung cấp cho sản xuất tôm giống ở nước ta chủ yếu là nhập khẩu. Cả nước có trên 2.400 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, tập trung tại các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Cà Mau…
Ông Trí cho biết, từ năm 2012 đến nay, để tôm chân trắng bố mẹ chọn giống sinh trưởng nhanh, chịu đựng tốt với môi trường nuôi và bệnh ở Việt Nam, Viện III nghiên cứu 2 đề tài cấp nhà nước gồm: Ứng dụng di truyền số lượng và di truyền phân tử để tạo vật liệu ban đầu cho chọn giống tôm chân trắng theo tình trạng tăng trưởng, và đề tài nghiên cứu phát triển ứng dụng chỉ thị phân tử để chọn tạo tôm chân trắng bố mẹ tăng trưởng nhanh.
Với phương pháp di truyền số lượng để chọn lọc một thế hệ tôm bố mẹ trong điều kiện môi trường nuôi khác nhau, sau đó tiếp tục đánh giá chọn lọc trong môi trường có biến động lớn ở Việt Nam. Đến nay, qua 5 thế hệ tôm bố mẹ tại Viện III có khối lượng tăng 28% và tỷ lệ sống cao hơn 17% so với đàn ban đầu. Bên cạnh đó, trong năm 2017, Viện III đã bắt đầu triển khai nghiên cứu chọn giống tôm chân trắng cho khả năng kháng bệnh đốm trắng.
Ngoài ra, một trong những đề tài nghiên cứu giúp người NTTS luôn chủ động nguồn giống trong nuôi thương phẩm được là con ốc hương.
Trước đó, năm 2000, Viện III đã triển khai đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh học, kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm ốc hương”. Đề tài nghiên cứu thành công và chuyển giao công nghệ nuôi cho các địa phương.
Đến năm 2015, nghề nuôi ốc hương thương phẩm đã phát triển rộng khắp các tỉnh ven biển, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Trong đó tỉnh Khánh Hòa có sản lượng sản xuất giống ốc hương chiếm hơn 50% tổng sản lượng sản xuất của cả nước. Đến nay, Viện III đã hoàn toàn chủ động được kỹ thuật sản xuất nguồn giống, bao gồm tạo ốc bố mẹ đối với loại hải sản này.
Bên cạnh đó, đề tài nghiên cứu “Nâng cao tỷ lệ sống của tôm hùm giống trong giai đoạn ương nuôi” đã góp phần giảm tình trạng khai thác con giống tràn lan. Hiện có 3 hình thức khai thác tôm hùm giống gồm: khai thác bằng lưới, khai thác bằng bẫy và khai thác bằng lặn bắt.
Khai thác bằng lưới mang lại hiệu quả nhất nhưng kích cỡ tôm giống khai thác cũng thu được nhỏ nhất, và tỷ lệ sống của những con tôm này rất thấp. Còn khai thác bằng bẫy và bằng lặn bắt thì con giống sẽ có kích cỡ lớn hơn mang lại tỷ lệ sống cao hơn trong khi nuôi, tuy nhiên khai thác theo kiểu này vất vả và dày công hơn kiểu dùng lưới nhiều.
Với nghiên cứu từ đề tài trên, mô hình nuôi tôm hùm giống bằng lồng ngoài biển từ giai đoạn tôm trắng lên giống và mô hình ương nuôi tôm hùm giống trong bể có mái che từ giai đoạn tôm trắng lên giống đã được xây dựng.
Qua đó, sản phẩm mô hình đạt được có tỷ lệ sống trên 85%, trên 5 ngàn con tôm hùm giống được tạo ra có khối lượng khoảng 20 g/con. So với sản phẩm cùng loại trên thị trường hiện đang được ngư dân áp dụng nuôi tại các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, mô hình ương nuôi tôm hùm giống bằng lồng ngoài biển của đề tài mang về lợi nhuận cao hơn khoảng 10%.
Ngoài ra, ở Khánh Hòa, ngành chức năng đang định hướng phát triển giống thủy sản theo từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa hệ thống sản xuất giống thủy sản hàng hóa, nhằm chủ động đáp ứng đủ giống tốt, kịp thời phục vụ cho phát triển NTTS trong tỉnh.
Đồng thời, Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Khánh Hòa đang triển khai xây dựng vùng sản xuất tôm giống tập trung tại xã Ninh Vân (TX Ninh Hòa) với tổng diện tích xây dựng là 60 ha, sản lượng giống dự kiến sản xuất hàng năm đạt khoảng 6 tỷ con, đáp ứng nhu cầu con giống trong tỉnh và phục vụ cho thị trường các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ nâng cấp cho 10 trại sản xuất tôm giống nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, đảm bảo yêu cầu về môi trường và dịch bệnh thủy sản. Thực hiện mục tiêu chuẩn hóa sản xuất tôm giống từ tôm bố mẹ sạch bệnh đáp ứng yêu cầu vận hành sản xuất đảm bảo an toàn sinh học.
Theo ông Đào Văn Trí, do nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản của người dân ngày một cao, trong khi nguồn đánh bắt thì có hạn, việc đưa vào ứng dụng các mô hình nuôi thương phẩm thủy sản cho người dân đã làm giảm đáng kể lượng khai thác tận diệt nguồn thủy sản của người dân địa phương. Thực tiễn những năm qua cho thấy, khi các mô hình nuôi thương phẩm của người dân không hiệu quả do thiên tai, dịch bệnh… sẽ đẩy giá thành sản phẩm đó lên cao, từ đó các ghe giã cào sẽ vì lợi nhuận mà khai thác tận diệt loại thủy sản đó để cung ứng ra thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Xin giới thiệu tới bạn đọc một số khái niệm liên quan đến hoạt động thủy sản tại Luật Thủy sản 2017 sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4
Hiện nay, nhiều đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao như cá nhụ, cá chim, cá bè vẩu... đang được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 tập trung nghiên cứu
Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo VietGAP tại xã Đức Thành, huyện Yên Thành có kết quả khả quan, tỷ lệ cá sống đạt 85%, dự kiến năng suất đạt 15,3 tấn/ha.