Tưới tiết kiệm để cứu cà phê, hồ tiêu
Bộ NNPTNT vừa có hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật phòng chống hạn cho cây cà phê, hồ tiêu vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, ứng phó kịp thời với tình hình hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất tại các khu vực này.
Theo đó, biện pháp trước mắt đối với cây cà phê là áp dụng tưới nước tiết kiệm, tưới gốc 250-300 lít/gốc, hoặc tưới nhỏ giọt 150-200 lít/gốc, chu kỳ 20-25 ngày tưới 1 lần. Sử dụng các loại phân bón lá chứa kẽm (Zn), bo (B) hoặc NUCAFE từ 2-3 lần trong mùa khô để nâng cao khả năng chịu hạn, hạn chế rụng quả.
Đối với cây hồ tiêu, trong giai đoạn kiến thiết cơ bản cần che bằng lưới cản để giảm cường độ ánh sáng trực xạ, giảm bốc thoát hơi nước. Áp dụng tưới nước tiết kiệm, tưới gốc 120 lít/gốc, chu kỳ 20-25 ngày tưới 1 lần, hoặc tưới nhỏ giọt 20 lít/gốc, chu kỳ 2-3 ngày tưới 1 lần.
Cục Trồng trọt cũng nêu rõ biện pháp lâu dài là chủ động trữ nước, không trồng cà phê hồ tiêu nơi không có nguồn nước tưới, áp dụng kỹ thuật tưới tiên tiến tiết kiệm nước (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa), tưới luân phiên đúng thời điểm, vừa đủ nước. Kết hợp bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón. Duy trì hệ thống cây che bóng, đai rừng phòng hộ, trồng cây che phủ đất, trồng xen cây ăn quả phù hợp. Tăng cường bón phân hữu cơ nhằm nâng khả năng giữ ẩm và giữ phân của đất. Tỉa bớt cành nhánh nhằm hạn chế thoát hơi nước. Thường xuyên kiểm tra vườn phát hiện sớm dịch hại để phòng trừ kịp thời nhằm tăng khả năng chống chịu của cây trồng trong điều kiện khô hạn.
Được biết mùa khô năm nay, đến thời điểm hiện nay, toàn khu vực Tây Nguyên đã có gần 40.140ha cà phê, 2.290ha tiêu bị thiếu nước tưới, hơn 7.100ha lúa phải dừng sản xuất, hơn 8.400ha lúa đông xuân... bị mất trắng hoặc giảm năng suất từ 30 -70%.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Pháp lệnh Giống vật nuôi đề xuất quy định về quản lý, bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi; nghiên cứu, chọn, tạo và công nhận giống vật nuôi; sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu, những nguyên tắc quản lý chất lượng, quản lý nhà nước về giống vật nuôi.
Những năm qua, xã Hiển Khánh (Vụ Bản, Nam Định) đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại đạt kết quả khá toàn diện. Nhiều trang trại chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường được phát triển, đã khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật… đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nông dân trong xã.
Lợi dụng lợi thế lúa gạo chất lượng cao và những chính sách ưu đãi khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Nhật Bản đang đẩy mạnh kế hoạch sản xuất lúa gạo cho xuất khẩu. Nhiều ý kiến lo ngại nông dân Việt Nam và ngành xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ thêm đối thủ cạnh tranh mạnh.