Trung Quốc Cấm, Mỹ Dọa Kiện Gạo Việt Ngấm Đòn Mua Rẻ, Bán Rẻ
Từ trước tới nay Việt Nam thấy bán gạo cho Trung Quốc dễ quá nên cứ đẩy qua. Những đòn này cảnh báo doanh nghiệp phải làm ăn đàng hoàng.
Ngấm đòn mua rẻ, bán rẻ
Ngành xuất khẩu gạo liên tiếp đón nhận 2 tin không vui: Trung Quốc cấm nhập khẩu gạo Việt Nam qua đường tiểu ngạch và Mỹ đang xem xét khởi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với gạo Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Phát triển nông thôn, ĐH Cần Thơ, đây là hai đòn đánh vào chính sách mua rẻ, bán rẻ, chỉ chạy theo số lượng lớn mà không chú trọng chất lượng của Việt Nam.
Theo ông Đệ, lâu nay Việt Nam không thể bán gạo giá cao chính là do khâu thu mua chế biến. Các công ty xuất khẩu không có mạng lưới thu mua tận nơi nên phải thông qua đội ngũ thương lái. Vì thế, trong một lô gạo của một công ty có tới hàng chục giống lúa lẫn lộn, chất lượng mùa này khác mùa trước. Đó là chưa kể các thương lái, doanh nghiệp hám lợi, mua cả gạo phẩm cấp thấp với giá rẻ để trộn vào.
"Hơn 90% lúa gạo xuất khẩu đến từ ĐBSCL. Người nông dân ý thức được việc phải đảm bảo chất lượng gạo làm ra. Các chương trình như 3 giảm 3 tăng của Bộ Nông nghiệp được nông dân hưởng ứng nhiệt tình. Sau này ĐBSCL còn xây dựng cánh đồng mẫu để co số giống lại, sản xuất theo quy trình công nghệ đồng loạt, thống nhất đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều với số lượng lớn đủ sức cạnh tranh.
Có thể nói về mặt sản xuất đã có bước chuẩn bị khá cơ bản. Tuy nhiên, nông dân có trồng lúa chất lượng cao thì cũng bị thương lái phá hoại như thế thôi. Bởi thế, gạo Việt Nam chỉ có thể bán giá rẻ".
Đó là chưa kể việc tính toán giá thành sản xuất lúa còn nhiều vấn đề. Ông Đệ dẫn giải, theo chủ trương của Bộ Tài chính, hiện giá sản xuất lúa chỉ tính chi phí tiền mặt (thuê mướn nhân công, cày bừa, phân thuốc…) trong khi những chi phí cố định (máy bơm nước, sân phơi, nhà kho…) không được đưa vào; cũng không tính tới phí cơ hội sử dụng đất và sử dụng tiền mặt.
Nếu nông dân đi thuê đất trồng lúa bình quân khoảng 30 triệu đồng/ha/3 vụ, mỗi vụ phải mất 10 triệu đồng. Bình quân mỗi hộ phải chi từ 15-20 triệu đồng trong mùa vụ, đến thu hoạch mới lấy lại thay vì số tiền này đem gửi ngân hàng cũng sinh lợi. Người lao động trong các ngành nghề khác khi thất nghiệp có bảo hiểm thất nghiệp, nông dân đang làm ngoài đồng bị sét đánh hay nhiễm phân, thuốc trừ sâu… thì tự chịu.
"Do không tính những phí kể trên nên giá thành sản xuất lúa thấp nhưng thực tế nông dân không có lời", ông Đệ nói.
Nhìn nhận việc Trung Quốc cấm nhập khẩu gạo Việt Nam qua đường tiểu ngạch, PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ cho rằng đây thực sự là điều đáng lo ngại bởi Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc số lượng gạo rất lớn. Theo thống kê năm 2013, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6,6 triệu tấn gạo, trong đó bán xấp xỉ 2,2 triệu tấn chính ngạch cho Trung Quốc. Nếu cộng thêm khoảng 1,5 triệu tấn gạo đi qua đường tiểu ngạch thì Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo số 1 Việt Nam với gần 50% sản lượng.
"Từ trước tới giờ Việt Nam quen lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, giờ phải điều chỉnh lại cách làm ăn của doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác tiếp thị, tìm đầu mối thu mua quốc tế để mua tận gốc, bán tận ngọn hơn là xuất tiểu ngạch bấp bênh qua Trung Quốc, giá cả trồi sụt do kiểu làm ăn manh mún, chộp giật, ăn xổi ở thì của các doanh nghiệp", ông Đệ nói.
Về thông tin Mỹ xem xét kiện gạo Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ cho rằng đây là hệ quả tất yếu của chính sách mua rẻ, bán rẻ. "Cũng phải nói thêm một điều nữa là do Việt Nam muốn kiềm chế lạm phát và khủng hoảng kinh tế nên ngay cả chủ trương tính giá thành cho đúng, đủ cũng bị hạn chế bởi giá gạo sẽ đội lên, kéo theo các mặt hàng khác".
Vì thế, theo ông Đệ, dù có thể việc Mỹ kiện không ảnh hưởng lớn tới thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng đây là đòn cảnh báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nên làm ăn cho đàng hoàng, đặc biệt là phải tính toán giá thành cho hợp lý.
Vạch đường thoát Trung
PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ nhìn nhận việc Trung Quốc cấm nhập khẩu tiểu ngạch gạo Việt Nam cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chuyển hướng tìm đối tác khác lâu dài, ổn định và chắc chắn hơn để chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam đi vào hướng bền vững.
Theo ông Đệ, vấn đề mấu chốt để thoát khỏi sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc là loại bỏ tư duy mua rẻ, bán rẻ, bán nhiều. "Không nhất thiết một năm phải xuất khẩu tới 7 triệu tấn. Chúng ta có thể xuất ít hơn nhưng gạo có chất lượng hơn, có thương hiệu, bán được với giá cao hơn thì số tiền thu về cũng tương đương như thế, thậm chí hơn".
Đánh giá về các thị trường khác ngoài Trung Quốc, ông Đệ cho rằng nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước trên thế giới còn lớn. "Từ trước tới giờ Việt Nam thấy bán cho Trung Quốc dễ quá nên cứ đẩy qua đó, trong khi các thị trường khác còn rất lớn.
Thái Lan tập trung vào gạo chất lượng cao, về loại gạo chất lượng trung bình, thấp Việt Nam chỉ ngán Ấn Độ, Myanmar nhưng họ là những nước mới tham gia thị trường nên Việt Nam có lợi thế là gạo đã tiếng. Vấn đề là khâu quảng bá tiếp thị, cách đàm phán, bỏ thầu làm thế nào để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường".
Đồng quan điểm, GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam, trước khó khăn trước mặt, Việt Nam phải đi vào con đường độc lập tự chủ, phải chủ động tiếp cận các thị trường khác ngay từ đầu. Việt Nam sẽ phải lựa chọn, nghiên cứu tạo các giống lúa phù hợp với từng thị trường.
"Về khoa học công nghệ, Việt Nam có giống tốt, về quy trình kỹ thuật cũng đã triển khai cánh đồng lớn để ra được sản phẩm chỉ 1 loại gạo. Từ trước đến nay trong ĐBSCL có hàng trăm giống, thương lái trộn lẫn với nhau sẽ hạ thấp giá gạo xuống. Nếu tổ chức sản xuất lại phải làm cho bài bản.
Nhà nước quản lý phải hỗ trợ chính sách, phía nông dân phải tích cực tham gia đổi mới công nghệ, trở thành công nhân nông nghiệp hiện đại chứ không thể làm tùy tiện, phải thống nhất thành một mối để tổ chức chuỗi sản xuất từ A-Z (sản xuất - trước thu hoạch - sau thu hoạch - xuất khẩu) sao cho mọi người đều được hưởng lợi".
Riêng giống lúa, theo ông Long, 1 năm Việt Nam có hơn 7 triệu ha canh tác về lúa thì 1 triệu ha giống lúa thuần Việt Nam sản xuất được hết.
"Mặc dù có những giống lúa nhập nhưng Việt Nam tự sản xuất thì coi như giống của mình. Chỉ có 10% giống lúa lai thì Việt Nam nhập của Trung Quốc 70%, tự sản xuất được 30%. Chính vì thế giống lúa Việt Nam không phụ thuộc vào Trung Quốc mà có thể chủ động được".
Từ trước tới nay nông nghiệp Việt Nam chạy theo số lượng để lấy thành tích. Giờ chuyển sang tái cơ cấu nông nghiệp, làm thế nào để nâng cao chất lượng thì các khâu về giống, kỹ thuật canh tác, chế biến sau thu hoạch... phải làm cho bài bản, ông Long chốt lại.
Có thể bạn quan tâm
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối tháng 11-2013, tình hình nuôi tôm nước lợ và nuôi cá tra thương phẩm trong cả nước có chiều hướng diễn biến ngược chiều nhau, trong khi ao nuôi cá tra thì treo do nông dân thua lỗ, trong khi nuôi tôm thì trúng mùa trúng giá.
Thời gian qua, giá trứng gà tại các trại chăn nuôi giảm đáng kể. Tuy nhiên, giá bán lẻ trên thị trường không hề giảm tương ứng
Sau mỗi vụ thu hoạch lúa thứ hai trong năm, nhiều hộ nông dân ở Kim Bình (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) lại đưa gà ra ngoài đồng ruộng để chăn thả, nhà ít thì 100 - 200 trăm con, nhà nhiều thì 500 con. Nuôi gà thả đồng ở đây đang phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nghề nuôi dông ở huyện Đông Hòa (Phú Yên) hình thành từ năm 2005, hiện đang mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều gia đình, dù chỉ nuôi được ở vùng đất cát.
Khoảng một triệu người ở châu Á kiếm sống từ nuôi tôm. Tại Việt Nam, xuất khẩu tôm đem lại 2,4 tỷ USD trong năm 2011 – tương đương hơn một phần sáu tổng giá trị sản lượng tôm ở châu Á cùng năm đó.