Kết quả bước đầu từ ứng dụng các giống đậu phộng mới
Theo số liệu của Cục thống kê, diện tích cây đậu phộng ở Bình Thuận năm 2011 là 5.300 ha với năng suất bình quân chỉ đạt khoảng 17 tạ/ha trong khi năng suất đậu phộng bình quân ở vùng Đông Nam Bộ đạt trên 22 tạ/ha. Điều này cho thấy rằng, năng suất đậu phộng ở Bình Thuận rất thấp so với trong vùng.
Sự sụt giảm diện tích canh tác trong sản xuất đậu phộng hiện nay do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó sự suy giảm năng suất dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp đối với việc canh tác đậu phộng được xem là nguyên nhân chính.
Một số giống cao sản thời gian qua được cơ quan chức năng chuyển giao có hiệu quả, nhưng bà con sử dụng làm giống qua nhiều vụ dẫn đến năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Từ những thực trạng đó việc chuyển giao giống mới và xây dựng mô hình thâm canh là bước đột phá để nâng cao hiệu quả sản xuất của tỉnh nhà.
Cuối năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Ứng dụng giống mới, xác định một số biện pháp kỹ thuật thích hợp, xây dựng mô hình thâm canh để phát triển vùng nguyên liệu đậu phộng ở Bình Thuận”, giao cho Viện Nghiên cứu dầu và Cây có dầu làm đơn vị chủ trì (thông qua cơ chế đặt hàng).
Bắt đầu thực hiện trong năm 2014, đến nay đơn vị chủ trì đã triển khai được các nội dung: Điều tra đánh giá tình hình sản xuất đậu phộng ở 3 huyện Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Tuy Phong; Khảo nghiệm sơ bộ 15 giống đậu phộng trong tập đoàn giống của Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu và các giống khác tại 3 địa phương trên để đánh giá sơ bộ bước đầu, lựa chọn được những dòng, giống triển vọng để tiếp tục nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật canh tác thích hợp nhằm xây dựng mô hình thâm canh đậu phộng đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện nông hộ tại tỉnh Bình Thuận.
Vừa qua, tại hai địa phương Tuy Phong và Bắc Bình, đơn vị này đã phối hợp với hộ dân tham gia triển khai mô hình trồng khảo nghiệm 12 giống đậu phộng từ bộ giống đề xuất ban đầu, diện tích mỗi mô hình là 1.000m2, có bố trí giống đối chứng là giống địa phương; thời gian xuống giống đến nay hơn 2 tháng.
Anh Võ Thanh Hải – thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình (hộ tham gia mô hình) cho biết: Giống địa phương trước đây do sử dụng qua nhiều mùa vụ nên năng suất không cao, xuất hiện nhiều loại bệnh. Đối với 12 giống trồng khảo nghiệm hiện nay, qua theo dõi bước đầu cho thấy có nhiều giống không bị những bệnh thường gặp trên cây đậu phộng như trước.
Có mặt tại các địa điểm triển khai mô hình, chúng tôi nhận thấy bước đầu bộ giống do Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu triển khai mô hình bước đầu cho kết quả khả quan, đó là: Kháng được một số bệnh thường gặp trên cây đậu phộng như rỉ sắt, đốm đen; khả năng sinh trưởng, cho củ tốt hơn giống đối chứng tại địa phương.
Tuy còn phải mất nhiều thời gian và nhiều nội dung công việc nữa mới có thể đánh giá một cách đầy đủ, nhưng có thể coi đây là cơ sở bước đầu để đơn vị chủ trì tiếp tục những nghiên cứu với mục tiêu cuối cùng lựa chọn được 3 giống đậu phộng mới cho địa phương, năng suất tăng 10 – 15% trong cùng một điều kiện sản xuất với giống hiện trồng, các quy trình kỹ thuật canh tác mới làm tăng hiệu quả tương tự và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.
Đây sẽ là cơ hội để mở rộng vùng nguyên liệu đậu phộng trong tỉnh để cung cấp cho các công ty phục vụ ngành công nghiệp dầu và thực phẩm.
Mô hình tại hộ ông Phan Thanh Dũng – Thôn Lâm Lộc 1, xã Hòa Minh, Tuy Phong
Một trong số giống khảo nghiệm (bên trái) so với giống đối chứng (bên phải) đang cho củ
Có thể bạn quan tâm
Theo ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, nghề nước mắm truyền thống Phú Quốc sau hơn một năm rơi vào tình cảnh lao đao khiến nhiều nhà thùng “treo thùng” thì nay đã hoạt động sản xuất ổn định trở lại và tiếp tục phát triển.
Những năm gần đây, một số nông dân ở huyện Thoại Sơn (An Giang) đã triển khai thành công mô hình nuôi chim bồ câu theo hướng công nghiệp. Trong đó có nông dân Lê Minh Vân ngụ ấp Hòa Thới – Định Thành.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, trà lúa này trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch được 45.382ha, chiếm 77% diện tích xuống giống, năng suất ước đạt 6,16 tấn/ha (tăng 5,4% so với cùng kỳ), còn lại 13.555ha lúa ở giai đoạn chắc xanh- chín.
Ông Tâm phấn khởi cho biết giống bưởi đường lá cam Bạch Đằng đã được hệ thống siêu thị Co.opMart thu mua. Hiện Co.opMart Bình Dương đã mua trực tiếp bưởi của gia đình ông với số lượng khoảng 50kg/ tuần, giá 30.000 đồng/kg.
Những ngày đầu tháng 7 này, trên các tuyến đường nông thôn thuộc các ấp Phước Thạnh, Phước Lập, Phước Lộc (xã Phước Vinh, huyện Châu Thành - Tây Ninh), nhiều hộ gia đình đang tất bật tranh thủ thu hoạch khoai mì.