Trúng Lớn Vụ Lúa Mùa Trong Vùng Ngập Mặn

Tiểu vùng 2, 3 của huyện Thạnh Phú,Bến Tre (gồm các xã từ Mỹ An đến Thạnh Hải) là vùng ngập mặn, bà con ở đây chỉ có thể nuôi trồng thủy sản. Vài năm gần đây, bà con tranh thủ trữ nước ngọt trong vuông tôm để trồng vụ lúa mùa. Trong những ngày cuối năm này, nhiều hộ tất bật thu hoạch lúa để chuẩn bị đón Tết. Vụ lúa này được công nhận là trúng mùa, trúng giá.
Lúa đuổi theo tôm về giá trị
Ở vùng đất ngập mặn này, trong những ngày cuối năm, những vuông tôm vốn trống trải nay hầu hết đã phủ màu vàng óng của vụ lúa mùa. Tuy trời rét nhưng chẳng thấm vào đâu so với sự ấm áp tỏa ra từ niềm phấn khởi của bà con trúng mùa. “Năm nay được gần 300giạ/12 công đất mà gia đình tôi tranh thủ cấy trong vuông tôm” - anh Trần Văn Thanh (46 tuổi, ấp An Thới, xã An Qui) cho biết.
Thời gian gần đây, do nhiều nguyên nhân mà các vụ tôm quảng canh có xu hướng giảm dần sản lượng. Vì thế, họ đã tranh thủ trữ nước ngọt từ sông Băng Cung vào tháng 9 ( L) để trồng lúa. Anh Trần Văn Trường (36 tuổi, ấp 6, xã Giao Thạnh) cho biết: “Tuy mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ, năng suất cũng không bằng vụ Thu Đông cùng thời điểm ở vùng trên nhưng năng suất khoảng 20giạ/công là được rồi. Gia đình tôi đủ gạo ăn cả năm và còn bán được ít tiền để ăn Tết. Ngoài ra, còn tận dụng lúa ngọn chăn nuôi vịt gà để có mà tổ chức đám tiệc. Nói chung, làm lúa có khi còn khá hơn vụ tôm cuối năm!”.
Tạo môi trường tốt cho tôm
“Thường thì vụ tôm sau khi cắt lúa được thả vào những ngày giáp Tết luôn đạt hiệu quả cao hơn vụ 2. Có thể do môi trường thông thoáng, bởi sau khi cắt lúa, chúng tôi thường thuốc cá để diệt các sinh vật có hại trong nước trước khi thả tôm. Từ khi bắt đầu cấy lúa đến nay, các nguồn lợi từ tự nhiên như tôm thẻ, tép đất, cua biển tăng lên đang kể…” - ông Bùi Văn Phú (53 tuổi, nông dân ở xã An Điền) cho biết.
Dinh dưỡng đất cần thiết cho loại cây trồng, vật nuôi nào cũng có thời hạn. “Nếu không trồng lúa, người dân phải cải tạo, làm mới đất, nhằm tạo dư lượng thức ăn trong môi trường nước, sẽ tốn kém không ít chi phí. Nhưng nếu trồng lúa, sau khi gặt, việc dẫn nước mặn vào để thả tôm sẽ làm nhanh chóng phân hủy gốc rạ tạo chất hữu cơ, vi sinh vật có lợi… sẽ đảm bảo đủ thức ăn và môi trường thuận lợi cho tôm cư trú và tăng trưởng tốt khi thả nuôi. Bên cạnh đó, thu nhập từ lúa mang lại là đáng kể cho nông dân. Đặc biệt vào thời gian cuối năm, đây là một thuận lợi lớn để bà con đón Tết” - ông Lê Thành Nam, Chủ tịch UBND xã Giao Thạnh phân tích.
Ông Lê Văn Tài, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nói: Đây là vụ lúa duy nhất trong năm do điều kiện tự nhiên vùng ngập mặn qui định, năm nay có khoảng 5.000 hecta đã được tận dụng trồng lúa. Chúng tôi thường xuyên hướng dẫn, cũng như khuyến cáo bà con để gieo cấy đúng mùa vụ nhằm tránh làm ảnh hưởng đến thời gian thả giống vụ tôm, sử dụng hợp lý thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã trực tiếp liên hệ với doanh nghiệp thu mua nhằm tránh rủi ro cho bà con. Năm nay, giá lúa tươi dao động từ 6.500 đến 7.000 đồng/kg; giá cả được như thế là đáng mừng cho bà con nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Sau khi thất thu ở vụ đầu năm, đây là thời điểm người dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Tuy Phong (Bình Thuận) phấn khởi vì tôm thu hoạch được mùa lẫn được giá.

Từ TP Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk), chúng tôi vượt qua 52 km đường nhựa, chạy về hướng đi Nha Trang quanh co đồi núi uốn lượn. Được chỉ dẫn tận tình của bà con, chúng tôi đến ngôi nhà ba tầng của hộ trồng vải đầu tiên ở xã Ea Kaly, huyện Krông Păk.

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang vừa triển khai dự án nuôi cá và tôm càng xanh trên ruộng lúa cho 5 hộ dân ở xã Trường Long Tây, Trường Long A và thị trấn Bảy Ngàn. Trong đó, có 2 hộ nuôi tôm càng xanh và 3 hộ nuôi cá ruộng với tổng kinh phí thực hiện gần 200 triệu đồng.

Ông Phan Chánh Thi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bến Tre cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, do nắng nóng và độ mặn tăng cao, tại 8 HTX thủy sản trong tỉnh đã xảy ra tình trạng nghêu chết. Tính đến nay, tổng lượng nghêu thiệt hại gần 350 tấn. Nghêu chết tập trung nhiều tại hai HTX Đồng Tâm (xã Thừa Đức, Bình Đại) và HTX An Thủy (xã An Thủy, Ba Tri).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, dù tích cực triển khai nhưng nông dân vẫn chưa “mặn mà” với mô hình nuôi nấm xanh. Nguyên nhân do hiệu lực trừ rầy nâu của nấm chậm.