Một giống bưởi cực chất lượng do nông dân lai tạo
Sở dĩ có tên bưởi Đào Chuyên bởi giống được lai tạo từ chính bàn tay nông dân Đào Văn Chuyên ở thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên.
Bưởi Đào Chuyên ra quả từng chùm trong lượng quả đạt từ 1,3 đến 1,5kg. Ảnh: Hoàng Dân.
“Vàng” trên cây
Ngược thời gian 10 năm trở về trước, ông Đào Văn Chuyên từng cay đắng tự phá bỏ cả vườn cam rộng 8 sào do năng suất thấp dẫn đến thua lỗ. Không cam chịu thất bại, khuất phục trước cái đói, cái nghèo, ông Chuyên bắt đầu tìm hiểu về các giống bưởi.
Tuy nhiên, không hài lòng về những đặc tính của 1 số giống bưởi truyền thống, ông Chuyên tự mày mò tập ghép mắt, ghép chồi với nhiều phương pháp ghép khác nhau. Năm 2010 ông Chuyên đã ghép thành công giống bưởi mới và đặt theo tên mình – Bưởi Đào Chuyên.
Chia sẻ về những ưu điểm của giống bưởi mới, ông Chuyên cho biết: “Giống bưởi của tôi được ghép mắt của 2 loại bưởi cổ. Ban đầu tôi ghép 4 cây, thì chỉ 2 cây là sống được và đến năm thứ 3 mới cho thu hoạch. Mặc dù là lần đầu ra quả thế nhưng cây bưởi ghép lại rất sai quả. Mỗi quả nặng khoảng 1,6 kg, hình thức đẹp, quả chín có màu vàng tươi, vỏ mỏng, chỉ có 12 múi, nhiều nước, ngọt mát, không he ngăm đắng khi ăn, không bị “cơm nguội” và không nát tép, thời gian để lâu từ 3 - 5 tháng mà không dùng thuốc bảo quản”.
Nhận thấy những ưu điểm của giống bưởi mới, ông Chuyên thuê thêm đất, nhân rộng mô hình, đến nay ông đã sở hữu vườn bưởi rộng gần 4 mẫu với hơn 3 nghìn gốc bưởi.
Trong quá trình chăm sóc cây bưởi , ông Chuyên chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ, trong đó bột đỗ tương là thức ăn chủ yếu. Nhiều giải pháp để khắc phục sâu bệnh gây hại và nâng cao chất lượng cây trồng đã được ông tự mày mò nghiên cứu, sáng tạo và áp dụng thành công. Như kỹ thuật “che phủ bầu đất”, “phân hóa mầm hoa” và “trẻ hóa cây bưởi”.
Bưởi Đào Chuyên dễ phân biệt với các giống bưởi khác như bưởi ra quả thành từng chùm, có chùm tới 6 - 7 quả; cây trưởng thành có thể cho từ 150 – 200 quả/năm. Với đặc điểm cành khỏe nên chịu được trọng lượng khi bưởi to trĩu xuống; lá to dày, có màu xanh sẫm che được quả nên hạn chế được tình trạng cháy nắng.
Từ cuối tháng 10 âm lịch, cả vườn bưởi chín vàng, tỏa hương thơm ngát. Trọng lượng trung bình đạt từ 1,3 – 1,5 kg/quả, cá biệt có những quả đạt 2kg. Với bản tính khiêm tốn của mình, ông Chuyên không nói về số lãi thu được hàng năm, nhưng với số lượng 27 nghìn quả với giá bán trung bình 30 nghìn đồng/quả và xuất bán hơn 40 nghìn cây giống mỗi năm với giá bán từ 30 – 35 nghìn đồng/cây, số tiền chúng tôi tự nhẩm tính được lên tới hơn 2 tỷ đồng/năm.
Ông Đào Văn Chuyên bên vườn bưởi mang tên mình – Bưởi Đào Chuyên. Ảnh: Hoàng Dân.
Xây dựng thương hiệu
Từ một lão nông đam mê, yêu thích làm nông nghiệp, khát khao làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương, ông Chuyên đã tự mày mò, học hỏi cách lai ghép tạo ra giống bưởi mang tên mình để cạnh tranh với các giống bưởi khác.
Năm 2017, giống bưởi này đã được vinh danh top 50 thương hiệu xuất sắc 3 miền. Từ tháng 10/2018, sản phẩm “Bưởi Đào Chuyên” của ông được dán tem truy xuất nguồn gốc trước khi bán ra thị trường và năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho thương hiệu Bưởi Đào Chuyên.
Từ đó, giống bưởi này được nhiều nông dân ở khắp nơi trong cả nước biết và đến tìm hiểu, mua cây giống về trồng.
Sự đáng quý, đáng trân trọng ở ông Chuyên chính là tinh thần chia sẻ. Dù bận đến mấy, nhưng khi có người muốn được học ông kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bưởi, ông Chuyên đều nhiệt tình, vui vẻ đến tận nơi chỉ dẫn.
Trung bình một năm ông Chuyên xuất bán 40 nghìn cây bưởi giống. Ảnh: Hoàng Dân.
Ông Nguyễn Xuân Trường, quê ở xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang cho biết: “Từ năm 2016, tôi đã biết và trồng thử giống bưởi này. Ban đầu tôi cũng ái ngại vì không biết giống bưởi này có hợp với thổ nhưỡng và chăm bón có dễ không. Qua thực tế chăm sóc sau 2 năm bưởi đã cho thu hoạch, tôi nhận thấy không như nhiều giống bưởi khác phải mất đến 3 lần thu hoạch chất lượng quả mới ngon, thì bưởi Đào Chuyên cho quả chất lượng từ lần thu đầu tiên. Hôm nay, tôi tiếp tục mùa thêm 500 cây bưởi giống để nhận rộng diện tích tại gia đình.
“Chỉ có người phụ đất chứ không bao giờ đất phụ người”, đấy là tâm sự của ông Chuyên với người nông dân, cứ thế ông say sưa nói về từng loại đất và cây bưởi Đào Chuyên hợp với đất nào, cách trồng và chăm sóc ra sao để quả đạt chất lượng.
Chính vì lẽ đó người ta quý giống bưởi này không chỉ ở giá trị kinh tế cây trồng đem lại mà chính là ở sự mộc mạc, nét bình dị duyên dáng, và tinh thần yêu lao động của “cha đẻ” giống bưởi Đào Chuyên.
Có thể bạn quan tâm
Với ưu điểm dễ nuôi, đầu ra ổn định, nhiều hộ dân đang lựa chọn sò huyết để nuôi trong vuông tôm thay vì nuôi tôm, cua theo truyền thống
Khi cây cam đang phải đối diện với bài toán tiêu thụ do diện tích trồng quá lớn, nhiều hộ dân ở Tuyên Quang lựa chọn trồng chanh tứ mùa để phát triển kinh tế.
Chọn được dòng suối trên đỉnh Pù Rinh, ông Sâm thực hiện dự án nuôi cá hồi, cá tầm. Ông là người duy nhất tại tỉnh Thanh Hóa nuôi thành công giống cá này.