Trồng Xoài GlobalGAP - Vươn Ra Thị Trường Thế Giới

Nhờ áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật với quy trình sản xuất xoài đạt chuẩn GlobalGAP, Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) từng bước khẳng định thương hiệu, vươn ra thị trường thế giới. Bình quân mỗi héc ta trồng xoài cát Chu và xoài cát Hoà Lộc lãi từ 100 - 200 triệu đồng.
Hiện nay huyện Cao Lãnh có 3.521 ha xoài, đa phần là xoài cát Chu và xoài Cát Hoà Lộc với sản lượng ước tính khoảng 30.000 tấn/năm. Xoài Cao Lãnh được đánh giá khá cao trên thị trường do hương vị thơm ngọt thanh, màu sắc đẹp, nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước. Sau gần 2 năm thực hiện, hơn 21 ha xoài của 25 hộ thuộc HTX Mỹ Xương đã được Công ty Cafe Control Việt Nam chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP và Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu cấp mã số vùng trồng xoài xuất khẩu sang Niu Dilân với diện tích 33,2ha/40 hộ.
Ông Lê Văn Dũng, Chủ nhiệm HTX xoài Mỹ Xương, cho biết: do nông dân quen với tập quán sản xuất cũ, khi triển khai sản xuất xoài theo hướng GlobalGAP, mỗi nhà vườn phải thực hiện theo quy trình mới kỳ công hơn. Tuy nhiên với sự quyết tâm trong xây dựng nhãn hiệu, nhà vườn phải vừa làm, vừa học hỏi, dần dần quy trình sản xuất thực hiện chuyên nghiệp, được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận.
Ông Võ Hữu Hiền, xã viên HTX xoài Mỹ Xương, cho biết: trồng xoài cát theo tiêu chuẩn GlobalGAP cho năng suất cao 10 - 12 tấn/ha, trong đó có khoảng 80% xoài loại 1 - đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt, trồng xoài theo quy trình này sẽ giảm chi phí 50% số lần phun xịt thuốc. Với diện tích 1,5 ha trồng xoài cát Hòa Lộc, cát Chu, mỗi năm cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Ông Từ Trọng Khôn, xã viên HTX chia sẻ: trồng xoài GlobalGAP vất vả hơn bình thường ở khâu bao trái, nhưng đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và nhà vườn; nhất là trái xoài có mẫu mã đẹp, bán giá cao, sản phẩm có đầu ra ổn định là nguyện vọng của người nông dân. Với giá thu mua từ 20.000 đồng/kg đối với xoài cát Chu, 50.000 đồng/kg đối với xoài cát Hòa Lộc, nông dân trồng xoài theo GlobalGAP giá bán cao hơn 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Ông Lê Văn Dũng cho biết thêm, nhiều công ty liên hệ ký hợp đồng tiêu thụ với HTX, trong đó Công ty Sanatra của Nhật Bản đặt mỗi tuần vài tấn xoài cát Hòa Lộc và yêu cầu cung cấp liên tục trong năm. Tuy nhiên, HTX vẫn chưa có đủ nguồn hàng cung cấp theo đơn các hợp đồng. Hiện HTX đang vận động, hướng dẫn xã viên mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn Việt GAP, Global GAP, sắp xếp lại lịch thời vụ để đảm bảo nguồn cung.
Để khẳng định thương hiệu xoài Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng chỉ đạo tổ chức, xây dựng chuỗi cung ứng nông sản GAP trên địa bàn tỉnh nói chung và tại huyện Cao Lãnh nói riêng; hỗ trợ huyện mở rộng diện tích sản xuất xoài đạt chuẩn GlobalGAP; triển khai thực hiện đề tài “Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng xoài cát tỉnh Đồng Tháp”.
Sản xuất xoài theo hướng GlobalGAP cho lãi từ 100-200 triệu đồng/ha, theo nguyên tắc: hạn chế sử dụng hoá chất trong quá trình sản xuất, xây dựng nơi trữ, xử lý bao thuốc và rửa dụng cụ phun thuốc bảo vệ thực vật, có sổ ghi chép, tổ dịch vụ...
Related news

Ông Đinh Như Trực (58 tuổi), ở thôn Di Tây, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, là người đầu tiên ở Thừa Thiên - Huế nuôi ếch trong lồng lưới.

Dù đã trải qua nhiều thăng trầm, song qua thời gian, mô hình luân canh tôm - lúa đã thể hiện nhiều ưu thế phù hợp với xu thế phát triển chung; nhất là tạo ra sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Năm 2012, toàn tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại nặng nề do nạn tôm chết trên diện rộng. Diện tích tôm bị chết lên đến gần 24.000 ha, chiếm hơn 56% diện tích thả nuôi, trong đó chủ yếu là tôm sú. Đa số diện tích nuôi tôm sú bị chết là do bị bệnh đốm trắng và hoại tử dưới vỏ. Chính vì vậy, vụ nuôi tôm 2013 này, bà con nông dân đã cạn kiệt vốn, không còn khả năng đầu tư mới. Cho đến giữa tháng 5/2013 mà diện tích nuôi tôm mới đạt 20% kế hoạch. Ngành thủy sản đã đúc kết mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng để phổ biến cho bà con nông dân xem đó là cứu cánh cho vùng nuôi tôm Sóc Trăng.

Dự án sản xuất phát triển kinh tế hộ được triển khai đến các hộ nghèo trên địa bàn xã Bình Đức (Châu Thành - Tiền Giang), từ tháng 8-2012 đến tháng 8-2013 với sự tham gia của 20 hộ. Đây là những hộ khó khăn, không có nhiều đất cũng như vốn sản xuất nhưng chăm chỉ làm ăn và mong muốn thoát nghèo.

Vụ thu đông năm nay, toàn huyện Tân Yên (Bắc Giang) trồng 265 ha dưa hấu, tăng 160 ha so với cùng kỳ năm ngoái với các giống có năng suất, chất lượng cao như: Trang Nông 1786, Trang Nông 575, Tai Sơn 46, Tai Sơn 54. Ba xã dẫn đầu toàn huyện về diện tích dưa hấu là Ngọc Lý, An Dương, Cao Xá.