Trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP
Qua hơn 3 năm, mô hình trồng thí điểm thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu được kết quả khả quan.
Ông Mai Văn Tiết bên vườn thanh long VietGAP.
Với 5 hộ tham gia trên diện tích 2ha, các hộ được hỗ trợ hơn 30% tổng chi phí, được hướng dẫn kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Mai Văn Tiết - một trong các hộ tham gia cho biết, gia đình ông trồng thí điểm 4 sào với 400 trụ thanh long ruột đỏ theo VietGAP. Qua quá trình chăm sóc và thu hoạch, ông thấy trồng thanh long theo VietGAP cho năng suất cao, ít sâu bệnh hơn, quả đẹp, ngọt và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng do không dùng thuốc trừ sâu độc hại. Với giá bán gấp đôi thanh long thường, từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về khoảng 100 triệu đồng/năm.
Theo ông Tiết, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP giảm được 20 - 30% chi phí do giảm được lượng thuốc sâu và phân bón. Được hướng dẫn và làm đúng kỹ thuật, người nông dân không phải bón phân chuồng, phân hóa học tràn lan và thuốc trừ sâu bệnh chủ yếu sử dụng từ tỏi, ớt, dầu ăn... Do vậy, quả thanh long sẽ rất an toàn cho người sử dụng.
Gia đình anh Nguyễn Đình Lưu cũng trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGap với 4 sào, 400 trụ. Ban đầu, do chưa chăm bón đúng kỹ thuật, gia đình anh chỉ bán được thanh long với giá rẻ. Sau một thời gian chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn thanh long của anh cho quả to, đẹp, rất ngọt và nhanh được thu hoạch hơn. Trung bình, mỗi gốc thanh long cho 13 quả/trụ (mỗi trái thanh long có trọng lượng gần 0,8kg). Theo tính toán, một năm, sau khi trừ chi phí, anh thu về gần 150 triệu đồng.
Bên cạnh những thuận lợi, nông dân cũng còn gặp nhiều khó khăn. Bởi đây mới chỉ là mô hình thí điểm đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, diện tích còn quá nhỏ nên các hộ chưa có giấy chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, gây khó khăn cho đầu ra của sản phẩm.
Bên cạnh đó, do chưa thành lập được hợp tác xã (hiện nay mới là tổ sản xuất), mỗi hộ phải tự tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm, dẫn tới tình trạng giá cả không ổn định. Ngoài ra, hiện nay, các hộ này muốn đầu tư mở rộng diện tích để trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP đều gặp khó khăn về vốn đầu tư, thiếu thông tin thị trường.
Mở rộng ra bên ngoài cũng không dễ vì trồng thanh long theo VietGAP phải tuân thủ việc ghi nhật ký sản xuất, phải gửi các mẫu xét nghiệm đất, nước, phân bón... đạt tiêu chuẩn mới có thể trồng thanh long, trong khi từ lâu nay bà con vẫn làm theo cách truyền thống, trồng cây và chờ ngày thu hoạch, chứ không chú ý đến những việc này.
Có thể bạn quan tâm
Cây thanh long có nguồn gốc nhiệt đới, chịu hạn giỏi, nhưng không chịu được giá lạnh. Chúng dễ sống, dễ trồng, mọc được trên nhiều loại đất khác nhau như đất xám bạc màu (Bình Thuận), đất phèn (ĐBSCL), đất đỏ (Long Khánh, Đồng Nai)….
Bệnh đốm trắng thanh long hay còn gọi là bệnh đốm nâu, tắc kè, bệnh ma là những tên gọi khác nhau mà bà con nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận, Tiền Giang và Long An đặt tên cho một loại dịch hại mới phát sinh, gây thiệt hại nghiêm trọng và có xu hướng ngày càng lan rộng (NNVN đã phản ánh).
Thời gian gần đây, các vùng trồng thanh long trên địa bàn tỉnh ta bị bệnh đốm nâu gây hại thanh long (nông dân thường gọi là bệnh đốm trắng hay bệnh tắc kè). Bệnh có tốc độ lây lan nhanh và mức độ gây hại ngày càng tăng, làm giảm giá trị thương phẩm của trái thanh long.