Trồng thành công giống cam không hạt, ruột đỏ
Kết quả theo dõi ở các điểm thử nghiệm cho thấy: Cây khoẻ, sinh trưởng phát triển khá, phân cành đều, lá hình ô van cong đều và phồng ở bản lá, hoa bất dục đực hoàn toàn. Cây 3 năm tuổi đạt chiều cao trung bình 2.2 m, tán lá trung bình đạt 2.3 m. Cây cho quả bói sau 2 năm trồng, thu hoạch lứa quả đầu từ năm thứ 3 với số quả dao động từ 60 - 85 quả/cây, trung bình 72 quả/cây, quả to, hình hơi oval, trọng lượng từ 180- 235 g/quả, trung bình 217 g/quả, vỏ quả dày 3.1 mm, quả hơi lồi do có một quả phụ nhỏ bên trong tạo thành rốn quả.
Vỏ quả khi chín nhẵn, có màu da cam đậm, rất đẹp, dễ bóc vỏ, dễ tách múi, hương thơm dễ chịu, ngọt đậm đà, có hàm lượng axit ít hơn các giống cam nội địa của ta. Thịt quả ăn tươi rất ngon nên Navel là giống cam ăn tươi phổ biến nhất thế giới, đặc biệt giống N.02 thịt và nước quả có màu đỏ do chứa hàm lượng lycopen cao khoảng 3,6 ppm có tác dụng phòng chống ung thư rất tốt. Bao phấn hoa Navel N.02 hầu như rỗng, không có phấn hoa, quả hoàn toàn không có hạt khi trồng cách ly hoặc trong nhà lưới.
Ngay cả trong điều kiện trồng xen với các giống hữu thụ đực khác, cam Navel vẫn hầu như không hạt (từ 0 đến 1- 2 hạt), chứng tỏ cam Navel N.02 còn có tính bất dục cái. N.02 là giống chín sớm hơn, thời gian thu hoạch từ đầu tháng 9 đến tháng 11 ở các địa điểm khảo nghiệm. Tuy năng suất có thấp hơn giống cam Xã Đoài làm đối chứng (8-tấn/ha ở năm thứ 4 sau trồng) nhưng do chất lượng tốt, thu hoạch sớm trong khi các giống cam khác chưa chín nên bán được giá cao (bình quân 25-30 nghìn đồng/kg) nên hiệu quả kinh tế thường cao gấp 3-4 lần so với các giống cam nội địa. Nhược điểm của giống là dễ bị rụng quả do độ ẩm cao, nhất là trong mùa mưa. Khi bộ lá phát triển mạnh cây rất mẫn cảm với bệnh loét.
Sau 7 năm theo dõi, đánh giá trên diện tích khảo nghiệm 4,5ha (2.250 cây) trên nhiều vùng sinh thái khác nhau, đặc biệt KS. Mai Việt Phương, một Việt kiều người Australia ở Bảo Lộc, Lâm Đồng đã trồng 2ha cam N.02, cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho quả có chất lượng rất cao, bước đầu các nhà khoa học và quản lý đều đánh giá giống cam Cara cara Navel ruột đỏ không hạt (N.02) có khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái với các vùng khảo nghiệm, là giống cam không hạt có chất lượng tốt, chín sớm, có khả năng rải vụ tốt.
Trao đổi với chúng tôi, TS. Hà Thị Thúy, một trong những tác giả của giống cam mới N.02 cho biết:Viện đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo HĐ KHCN Bộ NN-PTNT đề nghị công nhận là giống tạm thời và cho sản xuất thử trên diện rộng để có cơ sở khoa học khẳng định chắc chắn với các vùng sinh thái khác nhau trước khi đưa vào cơ cấu rải vụ phục vụ sản xuất.
Từ năm 2001 đến nay, Viện Di truyền Nông nghiệp phối hợp với một số địa phương (Nông trường 3/2 Phủ Quỳ - Nghệ An, Nông trường Hoà Bình - Hoà Bình, Đảo hồ Thác Bà - Yên Bái, Văn Giang - Hưng Yên, Bảo Lộc - Lâm Đồng…) tiến hành nhập nội, tuyển chọn và khảo nghiệm một số giống cam quýt không hạt, bước đầu xác định được giống cam không hạt có triển vọng ở nước ta là giống Cara cara Navel ruột đỏ (ký hiệu là N.02). Giải thích về xuất xứ của giống cam mới này, PGS. TS Đỗ Năng Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết: Giống cam không hạt, ruột đỏ do Viện Di truyền Nông nghiệp nhập nội từ Mỹ.
Nguồn gốc ban đầu của giống Cara cara Navel được chọn tạo từ một dòng đột biến của giống cam Navel thương mại chín sớm Washington Navel của Venezuela. Từ giống gốc này, người ta đã chọn tạo được hàng loạt các đột biến với một số đặc tính ưu việt hơn, nhưng vẫn giữ nguyên những đặc tính quý của giống gốc. Hiện nay cam Navel được trồng rộng rãi ở các vùng cận nhiệt đới, đặc biệt là Mỹ, Brazil, Bắc Phi, Địa Trung Hải, gần đây được phát triển mạnh ở Trung Quốc.
Thời vụ thu hoạch muộn hơn so với giống cam Hamlin và sớm hơn Valencia. Đặc điểm chung của cam Navel là có màu sắc vỏ và tép quả đẹp, quả to, khá sai quả, không hạt, thường có một quả phụ bên trong làm đít quả hơi lồi ra và chất lượng ăn tươi rất tuyệt hảo. Giống Cara cara Navel mang tất cả các đặc điểm chung của giống Navel nhưng khác với các giống Navel khác ở đặc điểm thịt và nước quả của giống có màu đỏ do trong thành phần có chứa hàm lượng lycopene cao.
Có thể bạn quan tâm
Sau khi trừ chi phí cây giống, nhân công, phân bón khoảng 700-800 triệu mỗi ha, anh Lâm Thành Lâm (Bình Dương) vẫn thu về tiền tỷ mỗi năm.
Chủ vườn cam ở Hải Dương dùng nước cá ngâm tưới cho vườn cam xanh tốt, vụ cam vừa qua thu gần 14 tấn cam mỗi ha.
Nông dân bón các loại phân hữu cơ, dùng nước cá ngâm ủ, làm bẫy bắt côn trùng... để vườn cam được chứng nhận VietGap.