Thu tiền tỷ từ cây cam sành trên đất sỏi
Sau khi trừ chi phí cây giống, nhân công, phân bón khoảng 700-800 triệu mỗi ha, anh Lâm Thành Lâm (Bình Dương) vẫn thu về tiền tỷ mỗi năm.
Cam sành hiện là cây có múi chủ lực trên đất sỏi Bắc Tân Uyên. Ảnh: Bizmedia
Sinh năm 1980, anh Lâm từng gắn bó nhiều năm với nghề trồng trái cây tại Đồng Tháp. Năm 2009, anh đưa gia đình về xã Hiếu Liêm, Bình Dương lập nghiệp.
Thời điểm cách đây 7 năm, xã Hiếu Liêm có vài người manh mún trồng cam sành, giá bán khoảng 38.000 đồng mỗi kg, đồng thời sản lượng thu hoạch tốt, 40 tấn mỗi ha. Nhận thấy tiềm năng kinh tế cao, năm 2010, anh tìm hiểu về quy trình trồng và chăm sóc, mạnh dạn xuống Bến Tre mua giống cây về trồng 10ha cam sành đầu tiên.
Năm 2015, anh Lâm theo chương trình tập huấn về quy trình và kỹ thuật trồng cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP tại địa phương. Lúc này, diện tích vườn đã mở rộng lên 14ha. Mô hình VietGap đòi hỏi khắt khe từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch, song anh Lâm đều tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật.
Cây cam sành ưa sáng, sinh trưởng trung bình, không chịu được ngập úng. Anh Lâm đào mương trong vườn để thoát nước vào mùa mưa. Trong 1-2 năm đầu, phân lân và kali được bón một lần vào cuối mùa mưa, phân chuồng ủ hoai được bón đều đặn mỗi tháng một lần. Khi cây trưởng thành, bón phân thành 4 đợt: trước khi cây ra hoa, sau đậu trái, trước thu hoạch 1-2 tháng và sau thu hoạch.
Ngoài ra, anh còn sáng tạo cách giăng lưới giúp giảm ánh nắng, tránh nám quả, gây xấu mã. Kỹ thuật phủ bạt kích hoa giúp cây ra hoa như ý; tạo tán, tỉa cành cho cây trên diện tích lớn để chống sâu bệnh. Anh Lâm phải thuê thêm 10 nhân công để đảm bảo thu hoạch đúng mùa vụ. Mỗi năm, chi phí đầu tư cho cây giống, nhân công, phân bón, thuốc phòng bệnh lên tới 700-800 triệu mỗi ha.
Nhờ tuân thủ tốt kỹ thuật, suốt 7 năm nay, vườn cam sành của anh Lâm chưa phải đối mặt với dịch bệnh nghiêm trọng. Các bệnh thường gặp như sâu đục thân, vẽ bùa... đều được phòng bằng thuốc sinh học đúng thời điểm.
Mô hình trồng cam sành tại Bắc Tân Uyên
Mặc dù kiểm soát được về sản xuất, sản lượng và chất lượng quả đồng đều, anh Lâm và người trồng cam xã Hiếu Liêm vẫn phải đối mặt với thị trường bấp bênh. Đầu ra cam VietGap chủ yếu thả nổi cho thương lái, giá bán trồi sụt từng năm.
Năm 2016, sản lượng đạt hơn 45 tấn mỗi ha nhưng giá cam chỉ hơn 20.000 đồng một kg. Vụ cam năm nay, 14ha cam của anh Lâm dự kiến cho sản lượng khoảng 300 tấn, giá bán năm nay tương đối ổn định, 30.000-35.000 đồng mỗi kg.
Có thể bạn quan tâm
Kỹ thuật trồng cây Cam canh làm sao cho quả sai, trái ngọt cho trái quanh năm nếu biết cách cắt tỉa sao cho chuẩn nhất.
Kỹ thuật trồng cây cam Vinh không phải đơn giản nếu ở diện tích lớn. Tuy nhiên nếu biết cách áp dụng các bước kỹ thuật trồng cơ bản sẽ cho năng suất cao.
Để có mô hình trồng cam thành công như hiện tại, ông Ngỡ phải trải qua một quá trình tính toán và học hỏi