Trồng rau hữu cơ trên đất phèn
Cùng với tiến trình đô thị hóa, diện tích đất trên địa bàn huyện Nhà Bè (TPHCM) còn phải “nhường” chỗ cho khu công nghiệp, nên quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Nông dân Nhà Bè đã “xoay xở” bằng việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, cho ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Trồng rau hữu cơ tại trang trại Nhất Thống
Đi vào hoạt động năm 2017, trồng các loại rau hữu cơ áp dụng công nghệ cao trên diện tích 5.000m2, đến nay trang trại hữu cơ Nhất Thống (xã Phước Kiển) đã được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ.
Hiện tại mô hình này đã mang lại sản phẩm có chất lượng cao, nhưng do còn trong thời gian thử nghiệm nên chưa cung cấp ra thị trường mà chỉ giới thiệu, buôn bán nhỏ lẻ trên trang điện tử của công ty.
Theo Công ty Nông nghiệp Nhất Thống, đơn vị dự kiến mở rộng quy mô trên phần diện tích còn lại là 10ha, sản xuất toàn bộ theo mô hình vườn - ao - chuồng đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Thời gian tới sẽ mở rộng kênh phân phối trên cả nước và xuất khẩu.
Công ty Nhất Thống cho biết, huyện Nhà Bè là vùng đất nhiễm phèn, mặn, công ty phải mất hơn 3 năm cải tạo thành đất tự nhiên. Việc cải tạo tốn rất nhiều nguyên liệu, chi phí cao gấp nhiều lần so với đất bình thường.
Ví dụ như cải tạo độ pH phải dùng đến 6 tấn vôi/ha (các vùng đất khác chỉ cần 2 tấn vôi/ha). Sau khi sản xuất được mô hình đầu tiên, công ty đã mời tổ chức công nhận tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu và Mỹ đến kiểm tra 255 tiêu chí hóa học, từ môi trường, giống, phân bón…
Sản phẩm rau được sơ chế với quy trình chặt chẽ bằng nước sạch, xử lý vi sinh vật tránh gây hại cho đường ruột, xử lý bằng máy ly tâm và đóng gói sản phẩm để đưa ra thị trường sản phẩm sạch an toàn cho sức khỏe người sử dụng.
Ông Phạm Hữu Thời, Giám đốc Công ty Nhất Thống, chia sẻ: “Trước nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm sạch, tôi quyết định triển khai trang trại hữu cơ đầu tiên ở TPHCM, sản xuất và cung cấp thực phẩm sạch.
Công ty luôn thực hiện quy trình chặt chẽ, bởi mỗi năm đơn vị cấp chứng nhận hữu cơ sẽ ngẫu nhiên đánh giá, phân tích chỉ tiêu hóa học, nếu đạt mới tái cấp chứng nhận. Việc nhân rộng mô hình trồng rau hữu cơ là phù hợp với định hướng sản xuất nông nghiệp đô thị. Bên cạnh đó, công ty sẽ mở mô hình du lịch tham quan để người tiêu dùng nhận biết sản phẩm hữu cơ”.
Theo một chuyên gia nông nghiệp, thực phẩm hữu cơ hiện có sự cạnh tranh không lành mạnh. Nhiều đơn vị chỉ thu mua sản phẩm rồi “tự phong” đạt hữu cơ. Do vậy, người tiêu dùng nên mua những sản phẩm có bao bì, nhãn mác, có logo nhận diện tiêu chuẩn hữu cơ và phải có mã code nhằm kiểm tra, truy xuất để xem có đúng đơn vị đó được cấp giấy chứng nhận hay không.
Có thể bạn quan tâm
Bón vôi là biện pháp thường được áp dụng để làm giảm độ chua của đất vườn. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhà vườn phải chọn đúng loại vôi, xử lý đúng cách
Từ một vùng đất cằn cỗi ven phá Tam Giang (Thừa Thiên-Huế), nhiều người dân đã nảy ý định "cải tạo" đất để trồng rau trái vụ và nhanh chóng thành công
Với cách làm đơn giản: sử dụng lưới cước và rập chuột thủ công, ông Thiệt đã ngăn chặn được tình trạng chuột cắn phá lúa nếp gần như triệt để.