Bón vôi giảm độ chua cho đất vườn cây ăn trái
Bón vôi là biện pháp thường được áp dụng để làm giảm độ chua của đất vườn. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhà vườn phải chọn đúng loại vôi và xử lý đúng cách.
Tưới nước vôi
Vườn cây ăn trái mới lập hoặc vườn đã trồng cây ăn trái nhiều năm đều có thể xảy ra tình trạng đất bị chua (độ pH thấp). Khi pH đất thấp dưới 5 thì rễ cây rất khó lấy được các nguyên tố dinh dưỡng hiện diện trong đất, độ pH thích hợp để cây hấp thu dưỡng chất là 6 - 7.
Đối với vườn mới lập từ đất ruộng, đặc biệt là ở vùng đất trũng, nông dân thường lấy lớp đất mặt (tầng canh tác) để làm mô, lớp đất còn lại thường có độ pH thấp. Nếu lớp ngoài mô không được xử lý, rễ cây ăn trái khi ăn ra khỏi mô gặp phải lớp đất chua này rễ sẽ kém phát triển, hoặc hư hại nên không thể hấp thu đinh dưỡng trong đất. Trong khi đó, đất vườn cũ cũng thường bị chua do đất bị suy thoái (vôi, chất hữu cơ trong đất vừa được cây sử dụng vừa bị rửa trôi nhưng nhà vườn chỉ bón phân đạm, lân, kali). Nếu để tình trạng suy thoái kéo dài, đất trở nên bạc màu, sức sản xuất kém.
Trong cả hai trường hợp đất vườn mới lập hoặc đất vườn cũ bị chua, bộ rễ kém phát triển, cây không lấy được dưỡng chất (dù phân được bón đầy đủ) khiến cây sinh trưởng kém, năng suất và chất lượng trái giảm nghiêm trọng.
Bón vôi là biện pháp thường được áp dụng để làm giảm độ chua của đất vườn. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhà vườn phải chọn đúng loại vôi và xử lý đúng cách.
Bước 1: Kiểm tra độ pH của đất.
Trước khi bón vôi cho vườn cần kiểm tra độ pH của đất. Sử dụng giấy quỳ để kiểm tra độ pH là phương pháp rẻ tiền, dễ làm; cách làm như sau:
Lấy mẫu đất ở mặt đất, ở độ sâu 20 và 40cm để kiểm tra.
Nếu mẫu đất đủ ẩm thì lấy một đoạn giấy quỳ dài khoảng một lóng tay, dán vào mẫu đất, chờ khoảng 1 - 2 phút, gỡ miếng lấy quỳ ra khỏi mẫu đất, quan sát phần giấy quỳ đã tiếp xúc với đất. Nếu giấy quỳ giữ nguyên màu vàng thì đất ít hoặc không bị chua (pH 6 - 7); nếu giấy quỳ chuyển sang màu cam, hồng, hồng đậm hoặc đỏ thì đất bị phèn nặng (pH 3 - 4).
Trường hợp mẫu đất khô (mẫu giấy quỳ không dính được vào đất khi dán) thì nhúng mẫu đất vào nước cho ướt đều, lấy mẫu ra khỏi nước và để trong 5 - 7 phút cho đất chỉ còn đủ ẩm. Dùng giấy quỳ để kiểm tra độ pH như phần trên.
Bước 2: Chọn đúng loại vôi.
Loại vôi tốt nhất được sử dụng để làm giảm độ chua của đất vườn là vôi nung (CaO), thường được gọi là “vôi đá” – loại vôi sinh nhiệt khi gặp nước.
Bước 3: Xử lý đất.
Xới đất bằng máy chuyên dụng
Cách xử lý vôi để làm giảm độ chua của đất vườn hiệu quả nhất là tưới nước vôi trong mùa khô. Tưới nước vôi vào cục đất khô sẽ đem lại hiệu quả hơn là rải vôi vì nước vôi được đất hấp thu ở mức tối đa. Cách làm như sau:
Xới đất vườn bằng cuốc, leng hoặc máy xới chuyên dùng để phá váng đối với vườn cũ hoặc tạo ra các cục đất có kích thước phù hợp (1 - 4cm). Phơi trong vài ngày cho đất khô.
Ngâm vôi đá ngay trong mương vườn với lượng vôi và mực nước phù hợp; sử dụng máy bơm để tưới nước vôi vào đất cần xử lý (đất đã được phơi khô ráo). Xác vôi lẫn trong bùn được bồi cho vườn sau đó.
Một ngày sau xử lý, tưới xả bằng nước; 5 ngày sau xử lý tiếp tục kiểm tra lại độ pH. Nếu đất vẫn còn chua thì tiếp tục tưới nước vôi như đã trình bày ở phần trên. Khi pH đất đạt mức 6 - 7 thì ngưng tưới nước vôi.
Đất sau khi xử lý vôi sẽ giảm độ chua, phục hồi cấu trúc đất làm đất thông thoáng, thấm nước tốt. Bên cạnh đó, khi pH tăng giúp ức chế sự phát triển các vi sinh vật có hại, vôi còn phát huy hiệu lực của chất hữu cơ, phân vô cơ. Như vậy, xử lý vôi cho vườn cây ăn trái là giải pháp “nhất cử, lưỡng tiện”.
Khi xử lý chua triệt để như vừa nêu thì vài năm sau mới cần phải tưới vôi trở lại để hạ phèn kết hợp với phá váng cho đất vườn cây ăn trái.
Có thể bạn quan tâm
Với tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK không ngừng, hơn 30%/năm, rau quả là ngành đã và đang bứt phá hết sức ngoạn mục.
Muốn bón vôi có hiệu quả bà con cần tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng: đúng loại, đúng lượng, đúng thời điểm và bón đúng cách.
Có 3 loại vôi chính dùng để bón khử chua cải tạo đất: bột đá vôi (CaCO3), vôi nung (CaO) và vôi tôi (Ca(OH)2)