Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Trồng quế đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân Yên Bái

Trồng quế đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân Yên Bái
Tác giả: Đinh Thùy
Ngày đăng: 05/05/2018

Hiện nay, cây quế đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân Yên Bái.

Yên Bái là tỉnh có diện tích quế lớn nhất khu vực miền Bắc Việt Nam, tập trung tại các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Yên Bình và Lục Yên.

Hiện nay, cây quế đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân Yên Bái. 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, ông Trần Thế Hùng cho biết, nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển cây Quế giai đoạn 2016 – 2020.

Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỉnh trồng mới 19.500 ha quế, diện tích cây quế toàn tỉnh 76.000 ha với sản lượng vỏ đạt 20.000 tấn và 600 tấn tinh dầu. 

Vì thế, mỗi năm hàng nghìn tấn quế đưa ra thị trường đều được tiêu thụ hết. Cây quế là cây công nghiệp lâu năm, vừa cho thu hoạch lâu dài vừa cho thu hoạch hàng năm. Mỗi năm có 2 vụ thu hoạch quế, vụ đầu năm (từ tháng 3-5) và vụ cuối năm (từ tháng 8-10).

Hiện nay, các hộ trồng quế đang tấp nập lên đồi bóc quế, phơi quế và đập quế, cả vùng quế trở nên nhộn nhịp hơn. 

Năm 2017, giá bán quế ổn định ở mức cao, vỏ quế khô bán với giá trung bình từ 30-40 nghìn đồng/kg, lá quế 2-3 nghìn đồng/kg, thân quế từ 15 cm trở lên bán với giá 1,5-1,8 triệu đồng/m3, tinh dầu quế từ 500-600 nghìn đồng/kg.

Nhờ tận dụng được cả thân, cành, lá bán với giá cao mà người dân Yên Bái có cuộc sống ổn định và khấm khá hơn. 

Theo như giá bán hiện nay với sản lượng quế năm 2020 nói trên, khi ấy sẽ đem lại thu nhập cho người dân trong tỉnh hơn 1 nghìn tỷ đồng/năm.

Đề án phát triển cây quế đang được người dân trong tỉnh đồng lòng hưởng ứng, vì đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo nguồn thu lớn cho họ trước mắt cũng như lâu dài. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh có trên 60.000 ha quế, mỗi năm thu về hơn 800 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất tại huyện Văn Yên với diện tích trên 40.000 ha.

Huyện đã trở thành vùng chuyên canh quế hàng hóa lớn nhất cả nước hiện nay, mỗi năm huyện xuất ra thị trường khoảng 9.000 tấn vỏ quế khô các loại, thu về 500 tỷ đồng.

Từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên, thị trường quế ổn định và giá bán tăng cao hơn so với những năm trước. 

Hiện quế đang là một nguồn thu không nhỏ đối với người dân trong tỉnh, nhất là với đồng bào dân tộc Dao ở huyện Văn Yên. Anh Bàn Phúc Xuân ở thôn 4, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái) chia sẻ, gia đình anh có 4 ha đất đồi và đầu tư trồng quế; năm 2016, anh khai thác hơn một nửa diện tích quế sau hơn 10 năm trồng, đến nay anh đã xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang. 

Trồng quế còn có tác dụng trong việc trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, gắn mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với phát triển và bảo vệ rừng; đồng thời, tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng thêm thu nhập, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cây quế không chỉ là cây thoát nghèo mà còn trở thành cây làm giàu cho người dân Yên Bái, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc Dao huyện Văn Yên.


Có thể bạn quan tâm

Nông dân xứ rẫy tìm đầu ra cho nông sản Nông dân xứ rẫy tìm đầu ra cho nông sản

Ông Nguyễn Cao Miêng: Muốn “trả giá” với thương lái trước hết cần 2 chuyện là làm tốt HTX và cân đối các loại rau trong diện tích của địa phương”.

05/05/2018
Phụ nữ liên kết trồng nấm có thu nhập 5 triệu đồng/tháng Phụ nữ liên kết trồng nấm có thu nhập 5 triệu đồng/tháng

Mô hình sản xuất đem lại giá trị kinh tế cao, trong đó có mô hình trồng nấm đang được xem là nghề triển vọng, vừa khai thác tốt tiềm năng lợi thế tạo việc làm

05/05/2018
Triển vọng sâm cau Triển vọng sâm cau

Nhờ sự linh hoạt của chính quyền thị trấn trong việc đưa cây dược liệu sâm cau vào trồng đã mang lại thu nhập cao, ổn định đời sống cho người dân nơi đây.

05/05/2018